Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Lãnh đạo Trung Quốc lại khẳng định Bắc Kinh không có ý đồ bá quyền

Ngày 28/06/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định với hai khách mời Ấn Độ và Miến Điện rằng nước ông không hề có ý đi theo xu hướng « bá quyền hay chủ nghĩa quân phiệt ». Lời khẳng định được đưa ra vào lúc Bắc Kinh đang bị rất nhiều nước tố cáo là càng lúc càng tỏ rõ tham vọng ý muốn bành trướng lãnh thổ và lãnh hải, áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các láng giềng, từ Nhật Bản cho đến Philippines, Việt Nam, và thậm chí Ấn Độ.

Chủ tịch Tập Cận Bình và các  vị khách : Tổng thống Miến Điện Thein Sein (P) Phó Tổng thống Ấn Độ Ansari (G) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh,  nhân kỷ niệm đánh dấu 60 năm ký kết « Năm nguyên tắc chung sống hòa bình »,
Chủ tịch Tập Cận Bình và các vị khách : Tổng thống Miến Điện Thein Sein (P) Phó Tổng thống Ấn Độ Ansari (G) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, nhân kỷ niệm đánh dấu 60 năm ký kết « Năm nguyên tắc chung sống hòa bình », Reuters
Quảng cáo

Phát biểu nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày Trung Quốc cùng với Ấn Độ và Miến Điện cam kết "chung sống hòa bình", Chủ tịch Trung Quốc cho rằng : « Chủ nghĩa bá quyền hay quân phiệt không nằm trong gen của người Trung Quốc ».

Đối với ông Tập Cận Bình, « Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và cũng không áp đặt ý chí của mình lên người khác ». Trên cơ sở đó, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng nước ông sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ cho dù có trở thành hùng mạnh như thế nào chăng nữa.

Ông Tập Cận Bình đã phát biểu như trên trước một cử tọa quốc tế bao gồm Tổng thống Miến Điện Thein Sein, Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari Mohammad và các nhà ngoại giao nước ngoài.

Số khách này được mời tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày Trung Quốc, Miến Điện và Ấn Độ ký kết « Năm nguyên tắc chung sống hòa bình », trong đó có việc tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Theo hãng tin Pháp AFP, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước cử tọa quốc tế có giọng điệu trái ngược với nhận xét đầy tính dân tộc chủ nghĩa được truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó trích dẫn, trong đó ông kêu gọi người Trung Quốc ghi nhớ rằng trong lịch sử, đất nước của họ từng là nạn nhân của xâm lược nước ngoài, do đó bây giờ phải tăng cường phòng thủ biên giới trên đất liền và trên biển.

Những nhận xét đó được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và nhiều láng giềng đang rất căng thẳng do tranh chấp chủ quyền, trên biển với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và trên đất liền với Ấn Độ.

Các láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đã không ngừng cáo buộc Bắc Kinh ngày càng hung hăng hơn trong việc buộc các nước khác chấp nhận yêu sách của Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.