Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Nhật nhập đất hiếm Ấn Độ để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc

Hôm nay, 28/08/2014, báo chí Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ nhập khẩu đất hiếm từ Ấn Độ. Quyết định này thể hiện quyết tâm của Nhật giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh do các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Nhiều thành phần sản phẩm công nghệ cao được chế biến từ đất hiếm - LCM
Nhiều thành phần sản phẩm công nghệ cao được chế biến từ đất hiếm - LCM
Quảng cáo

Đất hiếm là nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo các sản phẩm công nghệ cao. Hiện nay, Trung Quốc cung cấp tới 60% nhu cầu tiêu thụ đất hiếm của Nhật Bản. Theo báo kinh tế Nikkei, quyết định gia tăng nhập khẩu đất hiếm từ Ấn Độ sẽ được công bố chính thức vào thứ Hai, 01/09, nhân chuyến công du Nhật Bản của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Nhân dịp này, công ty Đất hiếm Ấn Độ (Indian Rare Earths), một chi nhánh của chính phủ, đặt dưới sự kiểm soát của Cơ quan năng lượng nguyên tử Ấn Độ và công ty thương mại Nhật Bản Toyota Tsusho, sẽ ký thỏa thuận về sản xuất đất hiếm.

Trong khuôn khổ thỏa thuận này, mỗi năm, Nhật Bản sẽ nhập khẩu từ 2000 đến 2300 tấn đất hiếm và đợt giao hàng đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng Hai năm tới.

Công ty Ấn Độ sẽ sử dụng quặng uranium và thorium để chế tạo các hợp kim rồi chuyển cho công ty Toyota Tsusho để sản xuất ra một số loại đất hiếm như néodyme, lanthane, cerium, praséodyme.

Phát ngôn viên của công ty Nhật Bản khẳng định với AFP là cuộc đàm phán về thỏa thuận nói trên đang ở giai đoạn chót và nhịp độ thương lượng đã gia tăng kể từ khi có sự thay đổi chính phủ tại Ấn Độ.
Trung Quốc gần như độc quyền về sản xuất và xuất khẩu đất hiếm, mặc dù nước này chỉ chiếm có 23% tổng dự trữ trên thế giới.

Cho tới gần đây, Nhật Bản rất phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm, phải nhập khẩu tới 90% nhu cầu tiêu thụ. Các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông đã gây ra căng thẳng trong quan hệ song phương và từ năm 2011, Trung Quốc ấn định hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm. Do vậy, Nhật Bản tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.