Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Trung Quốc muốn dùng Hy Lạp làm bàn đạp thâm nhập Châu Âu

Trung Quốc thành lập một quỹ 5 tỷ đô la để hỗ trợ cho ngành đóng tàu Hy Lạp để họ mua tàu của Trung Quốc. Ở đây, Le Figaro cũng thấy là quyết định không phải là không có dụng ý. Nhắm vào một lãnh vực không bị khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng, và đề nghị trợ giúp trong lúc mà ngành này của Hy lạp cũng không có yêu cầu, Bắc kinh muốn xây dựng đầu cầu thương mại cần thiết ở Châu Âu.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo vui mừng chứng kiến các ký thỏa thuận giữa Hy Lạp và Trung Quốc tại Athens hôm 2/10/2010
Thủ tướng Ôn Gia Bảo vui mừng chứng kiến các ký thỏa thuận giữa Hy Lạp và Trung Quốc tại Athens hôm 2/10/2010 Ảnh:REUTERS/John Kolesidis
Quảng cáo

Chuyến viếng thăm Hy Lạp 2 ngày cuối tuần qua của ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc đầu tiên đến đây từ hơn 20 năm qua, không khỏi thu hút chú ý báo giới Pháp. Nhất là khi Bắc Kinh tỏ vẻ rất chiếu cố đến tình hình kinh tế khó khăn của Athens. Nhìn chung báo giới Pháp nêu bật những mối lợi mà Bắc Kinh rút tỉa trong việc tăng cường hợp tác kinh tế với quốc gia Châu Âu bị khủng hoảng này. Mục tiêu của Bắc kinh là sử dụng Hy Lạp làm cửa ngõ để vào Châu Âu và vùng Balkan.

 

Tuy nhiên cách chạy tựa khá khác nhau. Le Figaro nhắc lại là thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cam kết mua lại món nợ của Hy Lạp. Les Echos khách quan nêu lên mối lợi hai bên, với hàng tít « Hy Lạp đang quay sang Trung Quốc để vực dậy kinh tế. Le Figaro khá gay gắt, nhấn mạnh trong hàng tựa « cánh tay mà Trung Quốc chìa ra cho Hy Lạp không phải là bất vụ lợi », vì đánh đổi lại, Bắc Kinh sẽ tăng cường hiện diện ở cảng Pirée và trong ngành hàng hải Hy Lạp.

 

Cách đây hai năm theo Le Figaro, tức vào năm 2008, Trung Quốc đã mua lại quyền sử dụng hai bến tại cảng Pirée trong một thời hạn 35 năm. Bắc Kinh đã chi cho việc này là 4,4 tỷ đô la. Đối với Le Figaro, đây là Trung Quốc tiến những con tốt đầu tiên để thăm dò phản ứng của Hy lạp và cũng là một cách để có chổ đứng trong hạ tầng cơ sở của một nước mà Bắc Kinh xem là cửa ngỏ ở miền Nam Châu Âu.

 

Một yếu tố khác cũng được Le Figaro nêu bật đó là Trung Quốc thành lập một quỹ 5 tỷ đô la để hỗ trợ cho ngành đóng tàu Hy Lạp để họ mua tàu của Trung Quốc. Ở đây, Le Figaro cũng thấy là quyết định không phải là không có dụng ý. Nhắm vào một lãnh vực không bị khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng, và đề nghị trợ giúp trong lúc mà ngành này của Hy lạp cũng không có yêu cầu, Bắc kinh, theo tờ báo muốn xây dựng đầu cầu thương mại cần thiết ở Châu Âu, và không phải là điều ngẫu nhiên mà vị chủ tịch tập đoàn hàng hải Cosco của Trung Quốc nổi tiếng là hiếm khi xuất ngoại, lần này đã đi cùng với thủ tướng Ôn Gia Bảo.

 

Le Figaro, còn nhìn thấy Trung Quốc đi xa hơn thế nữa và đang tạo cho mình hình ảnh một vị cứu tinh của Hy Lạp. Tờ báo nhắc lại câu nói của thủ tướng Ôn Gia Bảo là Trung Quốc muốn nỗ lực hỗ trợ cho các nước vùng đồng euro, và ông tin tưởng ''Hy Lạp hoàn toàn có khả năng chính mình vượt lên những khó khăn..''. Theo tờ báo, qua câu nói đơn giản này, Bắc Kinh đã mang lại một hậu thuẫn chính trị to lớn cho chính phủ Hy Lạp đang vất vả cho thông qua những cải tổ mà các đối tác Châu Âu đã áp đặt để giúp Athens ra khỏi tình hình kinh tế bi đát, và thủ tướng Ôn Gia Bảo, như một nhà ngoại giao khôn khéo đã tranh thủ mắt xích yếu của Liên Hiệp Châu Âu.

 

Le Figaro kết luận : khi lớn tiếng khẳng định tin tưởng vào Hy Lạp, Trung Quốc đang muốn cho Bruxelles một bài học đồng thời vuốt ve Hy Lạp, con ngựa thành Troie của họ ở Châu Âu.

 

Bắc Kinh gây áp lực để Lưu Hiểu Ba không được giải Nobel Hoà Bình

 

Tờ Libération hôm nay cũng chú ý đến Trung Quốc nhưng trên bình diện khác : Bắc Kinh không muốn giải Nobel Hoà Bình được trao cho nhà văn đang ngồi tù Lưu Hiểu Ba và đang ráo riết vận động Ủy ban Nobel Na Uy.

 

Bước vào tuần lễ các giải Nobel, kể từ hôm nay các giải Nobel y học, vật lý, hoá học, văn học và kinh tế sẽ được lần lượt thông báo và có lẽ sẽ không gây nhiều ngạc nhiên. Libération nhìn thấy là giải Nobel Hoà Bình vào thứ sáu có thể gây chấn động : người có triển vọng nhất là một tù nhân chính trị Trung Quốc nhà văn Lưu Hiểu Ba.

 

Libération trích lời thư ký Ủy ban Nobel Na Uy, ông Geir Lundestad đã tiết lộ tuần qua là thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã đến gặp ông để cảnh báo là 'trao giải Nobel Hoa Nình cho Lưu Hiểu Ba là một cử chỉ không thiện cảm có thể tác hại đến quan hệ Trung Quốc - Na Uy.

 

Libération cũng nhắc lại việc thứ năm vừa qua một viên chức Trung Quốc đã phát biểu gay gắt trước báo chí nước ngoài là người mà họ nêu lên, đã bị kết án tù và hoạt động của nhân vật đi ngược lại với mục tiêu của giải Nobel Hòa Bình. Nhưng viên chức này không nêu đích danh Lưu Hiểu Ba. Báo chí Trung Quốc dĩ nhiên không hề đã động gì đến giải Nobel cả. Nhưng giải công bố vào thứ sáu tới đây sẽ rất được chờ đợi.

 

Brazil : cánh tay phải của Tổng Thống mãn nhiệm Lula nhiều triển vọng đắc cử

 

Về thời sự thế giới, gương mặt tươi cười của bà Dilma Roussef ứng cử viên tổng thống Brasil nổi bật trên trang nhất cũng như trang quốc tế các. Đối với báo Pháp hiển nhiên người được gọi là cánh tay phải của Lula sẽ đi đến thắng lợi, và đã dành những bài báo dài tường thuật quá trình người từng đãu tranh du kích trong thập niên 1960, sau cuộc đảo chính của quân đội năm 64.

 

Le Monde cho biết nào là bà mang nhiều tên giả, nào là biết bắn súng và chế tạo chất nổ. Hiện nay bản lĩnh của bà Dilma đều được mọi nguời công nhận, nhất là tổng thống Brazil Lula, bên cạnh đó là tài quản lý của bà mà ông Lula cho là giỏi hơn ông nhiều.

 

Hoa Kỳ : cánh tả thức giấc

 

L'Humanité và Le Monde hôm nay nhìn lên Bắc Mỹ theo dõi cuộc biểu tình của cánh tả Mỹ thứ 7 vừa qua ở Washington ủng hộ ông Obama. Dưới tựa đề Phe dân chủ bừng dậy tại Washington, Le Monde tường thuật sự kiện với câu hỏi phải chăng là cảnh tả Mỹ đã thức tỉnh ?

 

Theo Le Monde các công đoàn đã huy động đến 2000 xe ca. Các cộng đồng, từ người nước ngoài nhập cư, người da đen, người chống chiến tranh v.v..đều đáp ứng lời kêu gọi. Một cuộc tập hợp như thể của 400 tổ chức hiệp hội là điều chưa từng thấy gần đây. Lần đầu tiên người ta thấy giáo hội tin lành nguời da đen sánh vai cùng các tổ chức bảo vệ người đồng tính. Khẩu hiệu của họ là : công việc làm, sự bình đẳng và hoà bình.

 

Theo Le Monde trong những người xuống đường hôm thứ 7, có những người đã thất vọng trước chính sách của ông Obama, nhưng rất nhiều người cho là phải cho tổng thống Mỹ một cơ may mới.

Ngược lại với đánh giá phần lớn các nhà thăm dò dư luận, có người tin rằng đảng Dân chủ vẫn có thể nắm được hạ viện nếu số cử tri mới của ông Obama đi bầu trở lại vào đảu tháng 11 này. Có điều là phải đi gõ từng cửa để giải thích tình hình nguy hại thế nào nếu đảng Cộng Hoà thắng.

 

Tuy nhiên Le Monde nhìn thấy là nỗ lực trên quá trễ, nhất đối với giới trẻ đã mất lòng tin, nghi ngờ ông Obama đã lợi dụng họ.

 

Pháp : phong trào biểu tình không suy giảm.

 

Về tình hình Pháp, sự kiện chiếm tít trang nhất và cả trang báo dài bên trong là cuộc biểu tình chống chế độ hưu bổng thứ 7 vừa qua. l'Humanité ngay trang đầu nêu bật con số gần cả 3 triệu người, và nhấn mạnh trong hàng tựa trên « quyết tâm » của những người xuống đường. Tờ Les Echos tìm hiểu xem các thượng nghị sĩ cánh hữu đa số sẽ trả lời ra sao với đường phố. Libération ghi nhận là biểu tình không suy giảm. Trong lúc mà chính phủ không có nhượng bộ gì quan trọng, tất nhiên là phong trào sẽ kéo dài và triệt để hơn.

 

Trong bài xã luận, tờ La Croix lấy làm tiếc là một vấn đề quan trọng như thế đối với xã hội lại tùy thuộc vào cán cân lực lượng. Tờ báo cho là nếu sử dụng từ ngữ về thể thao thì có thể tóm lược tình hình hiện nay, bằng trận đãu hoà. Đối với các công đoàn biểu tình không giảm, đối với chính phủ thì nó không tăng, cho nên hai bên giữ nguyên lập trường, chờ đợi những đợt xuống đường sắp tới.

 

La Croix tự hỏi tại sao phải nhất thiết có kẻ thắng người thua, mà không thể nào làm khác hơn như ngồi lại đàm phán và thực sự đàm phán. Tờ báo kết luận chính quan điểm cứng nhắc trên ngăn chặn sự tiến bộ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.