Vào nội dung chính
CÔNG GIÁO

Giáo hoàng Benedicto 16, một nhân cách phức tạp

Ngày hôm qua, 11/2/2012, Giáo hoàng Benedicto 16 thông báo quyết định thoái vị. Đây là chủ đề trên trang nhất hầu hết các báo Pháp số ra hôm nay. Libération có bài viết so sánh hình ảnh có vẻ như bảo thủ của Giáo hoàng với « quyết định từ chức mang tính cách mạng » của ông. Sự tương phản này cho thấy Giáo hoàng có « một nhân cách phức tạp » hơn nhiều so với những gì người ta vẫn nghĩ. 

Giáo hoàng tại Vatican năm 2012.
Giáo hoàng tại Vatican năm 2012. REUTERS/Alessandro Bianchi
Quảng cáo

Tờ Le Figaro có hàng tựa là một câu nói của Giáo hoàng : « Tôi tuyên bố từ nhiệm chức giám mục giáo phận Roma, người thừa kế của thánh Phêrô. ». Tờ báo Công giáo La Croix chạy tựa « Giáo hoàng chọn cách ra đi ». « Giáo hoàng Benedicto 16 : Một cuộc từ chức mang tính lịch sử » là hàng tựa của Les Echos. L’Humanité ghi nhận hóm hỉnh : « Vatican : Tòa Thánh vắng chủ ». Giáo hoàng tuyên bố thoái vị với một diễn văn bằng tiếng latinh, tờ Libération cũng có hàng tựa bằng chữ latinh « Papus interruptus » (Giáo hoàng thoái vị) và một bài xã luận toàn bằng chữ latin được chuyển dịch ra tiếng Pháp sau đó, với tựa đề « Cogitato » (Giấc mộng).

Libération có bài viết đáng chú ý : « Joseph Ratzinger, vị chủ chăn người Đức ». Tờ báo nhận định « Trở thành Giáo hoàng năm 2005, sau 20 năm làm công việc săn đuổi những kẻ lệch lạc trong nội bộ Giáo hội, nhà thần học xuất sắc này đã không thành công trong việc thoát khỏi hình ảnh một người phản hiện đại ».

Libération mở đầu bài viết kể trên với việc so sánh hình ảnh « có vẻ như phản hiện đại » của Giáo hoàng, với « quyết định từ chức mang tính cách mạng ». Sự tương phản này cho thấy Giáo hoàng có « một nhân cách phức tạp hơn nhiều » so với hình ảnh một con người bảo thủ, mà nhiều người vẫn thường nghĩ về ông. Trở lại hành trạng của Giáo hoàng Benedicto 16, Libération nhấn mạnh đến thời điểm quan trọng khi ông được bầu vào cương vị này vào tháng 4/2005, ở tuổi 78 tuổi. Như Benedicto 16 tâm sự vài năm sau đó, mặc dù là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất, nhưng việc đắc cử Giáo hoàng đối với ông vẫn cứ là một cú sốc. Ông chia sẻ : « ý nghĩ về chiếc máy chém đã đến với tôi, và bấy giờ chính là lúc chiếc dao từ trên cao rơi xuống ».

Giám mục Joseph Ratzinger đã từng hy vọng được nghỉ ngơi, sau hơn 20 năm đứng ở cương vị Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin, cơ quan bảo vệ các chuẩn tắc của đạo Công giáo. Và ngay trước khi được bầu vào chức vị Giáo hoàng, Hồng y Joseph Ratzinger đã hiểu rõ thực trạng của Giáo hội Công giáo và cuộc khủng hoảng của tổ chức này : « Một chiếc tàu sắp đắm, một chiếc tàu mà nước đang lọt vào từ khắp mọi nơi ».

Xã luận Libération với tựa đề « Giấc mộng » nhấn mạnh những nghịch lý gắn liền với cương vị đứng đầu Vatican của một người « ăn bát vàng nhưng đồng thời lại mang lấy nỗi đau khổ của nhân loại trên đôi vai già nua », cũng như quyết định thoái vị bất ngờ của ông. Sự từ nhiệm của Benedicto 16 cho thấy, kể từ giờ, ngay cả các giáo hoàng cũng không tránh khỏi sự mệt mỏi về thể chất, và cũng có thể cả về phương diện tâm linh.

Giáo hoàng Benedicto 16 và Giáo hội Công giáo

Về giai đoạn nắm quyền của Giáo hoàng Benedicto 16, Libération so sánh với người tiền nhiệm Jean-Paul 2. Thiếu đi sức hấp dẫn phi thường của người tiền nhiệm, Giáo hoàng Benedicto 16 đã là « một ông hoàng rất cô đơn tại Tòa Thánh – chính phủ của Giáo hội toàn cầu – bị mất phương hướng và suy kiệt do các tranh chấp nội bộ », mà biến cố mới đây nhất là việc các tài liệu mật của Tòa Thánh bị chính viên quản gia của Giáo hoàng tiết lộ.

Theo Libération, người đứng đầu Giáo hội Công giáo hồi trẻ thực ra không phải là một « phần tử kháng cự lại các thay đổi ». Vào thời điểm Giáo hội chuẩn bị cho một Công đồng Vatican II, một thay đổi quan trọng khiến Giáo hội Công giáo mở rộng ra với xã hội hiện đại và nền văn hóa đương đại, Joseph Ratzinger đã là một người « tân bảo thủ », một trong những người tham gia hết mình vào biến cố Công đồng Vatincan II này, trước khi thay đổi quan điểm. Ít năm sau, dưới tác động của các biến đổi cách mạng trong đời sống xã hội, sau biến cố các phong trào tháng 5/1968 tại Châu Âu, Joseph Ratzinger lúc đó, với cương vị của một giáo sư thần học tại đại học Tubingen (Đức), đã đặt câu hỏi về những thái quá của Công đồng Vatican II. Ông khẳng định : « từ chỗ tự phê phán, chúng ta đã đi đến chỗ tự phá hủy ».

Về nhiệm kỳ của Giáo hoàng vừa qua, Le Figaro có bài điểm lại : « Một Giáo hoàng kín đáo nhưng quyết liệt », với nhận định : « Người kế tục thứ 265 của thánh Phêrô đã hết sức dành ưu tiên cho việc tái hòa giải Giáo hội Công giáo với chính mình ».

Trên tờ báo Công giáo La Croix, có bài « Các Giáo hoàng từ bỏ cương vị đứng đầu Tòa Thánh », điểm lại một vài trường hợp hết sức ít ỏi các giáo hoàng đã thoái vị ngay khi còn sống, trong lịch sử gần 2.000 năm của Giáo hội Công giáo. Một trong những lần gần đây nhất là vào cuối thế kỷ XIII, khi Giáo hoàng Celestin V phải từ chức dưới áp lực và suốt phần đời còn lại phải sống như một tù nhân. La Croix nhận định các trường hợp thoái vị trong lịch sử đạo Công giáo rất ít giống với quyết định thoái vị của Giáo hoàng đương nhiệm.

Bài viết « Quyết định từ nhiệm của Benedicto 16 mở ra một giai đoạn chưa từng có », trên Les Echos, tóm thuật lại biến cố quan trọng này một cách rất cô đúc trong một vài cột báo. Tờ báo cũng nêu ra một con số thống kê cho thấy, trong bối cảnh Công giáo thoái lùi ở Châu Âu, số lượng tín đồ Công giáo tiếp tục tăng lên tại Châu Á và Châu Mỹ Latinh.

Joseph Ratzinger trước khi trở thành Giáo hoàng

Để hiểu rõ hơn về Giáo hoàng Benedicto 16, Libération cũng trong bài viết « Joseph Ratzinger, vị chủ chăn người Đức » kể trên, trở lại với thời thơ ấu và tuổi thanh niên của ông. Năm 1939, vào năm 12 tuổi, Joseph Ratzinger đã từng phải gia nhập đội thiếu niên Hitler giống như tuyệt đại đa số những người cùng tuổi. Rồi ông được huy động vào lực lượng phòng không của quân đội phát xít. Sau khi chiến tranh kết thúc, Joseph Ratzinger bị giam chừng vài tháng trong một trại tù binh của người Mỹ. Chưa từng ủng hộ chủ nghĩa phát xít, giống những hàng triệu người Đức khác, Giáo hoàng tương lai đã phải phục vụ chính quyền Hitler. Đây là điều mà Benedicto 16 không bao giờ quên.

Vào năm sau, Joseph Ratzinger được phong chức linh mục, tuy nhiên, khát vọng lớn của ông là trở thành nhà thần học. Trong những năm 1970, Joseph Ratzinger đã tham gia tạp chí Communio, cùng với một số các nhà thần học nổi tiếng. Đây là một tạp chí thần học có mục tiêu khẳng định bản sắc Công giáo mạnh hơn trong xã hội và trong một Giáo hội đang trong cơn biến động. Trí thông minh và sự cương quyết của chàng thanh niên Ratzinger đã dược bề trên chú ý đến. Năm 1977, ông được bổ nhiệm làm giám mục Munich và trở thành hồng y. Năm 1981, Giáo hoàng Jean-Paul 2 đưa ông vào vị trí Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin.

Libération nhận xét, nhà triết học và thần học có ảnh hưởng lớn nhất đến Giáo hoàng Benedicto 16 là Thánh Augustin. Đối mặt với nạn ấu dâm trong nội bộ Giáo hội, một bê bối kéo dài liên quan đến rất nhiều chức sắc Công giáo ở rất nhiều nơi, Benedicto 16 thừa nhận « cái ác tồn tại chính trong Giáo hội ».

Libération kết luận, Benedicto 16 hiểu rằng, là người Thiên chúa giáo hiện nay là « đi ngược lại với các trào lưu mang tính nhất thời của thế giới đương đại ». Trước khi được bầu làm Giáo hoàng, Joseph Ratzinger nhận định : « Chúa Trời bị gạt ra bên rìa. Trong đời sống chính trị, dường như là bất lịch sự khi nói đến điều đó, dường như việc nói đến Chúa Trời là một sự gây hấn đối với những người không tin. […] Một xã hội hoàn toàn vắng Chúa là một xã hội tự phá hủy ». Sau bảy năm tại vị Giáo hoàng, Benedicto 16 thừa nhận rằng, hiện tại chúng ta đang hướng tới một xã hội, mà người ta theo đạo Thiên chúa thông qua việc tự do lựa chọn.

Quyết định thoái vị của Giáo hoàng đã được chuẩn bị từ nhiều tháng

Về việc thoái vị của Giáo hoàng, Le Figaro có bài : « Benedicto 16 đã thai nghén một quyết định lịch sử từ nhiều tháng nay ».

Quyết định từ nhiệm của Giáo hoàng vào trưa ngày hôm qua, mặc dù được một vài người thân tín biết trước, vẫn khiến hầu hết mọi người sững sờ. Theo Le Figaro, quyết định thoái vị của Giáo hoàng đã được chuẩn bị trong một thời gian dài. Ngay từ năm 2010, Benedicto 16 đã tuyên bố : « Giáo hoàng có quyền, và tùy theo hoàn cảnh, có nghĩa vụ phải từ nhiệm », « nếu như tự xét thấy không đủ sức khỏe, sức mạnh tinh thần và tâm linh, để đảm đương được phận sự của mình ». Le Figaro ghi nhận, chính sự mệt mỏi quá sức là điều đã dẫn đến quyết định này. Trong thời gian gần đây, những lần hiện diện trước công chúng của Giáo hoàng ngày càng ngắn lại.

Về sự kiện Giáo hoàng từ nhiệm, Le Figaro có bài xã luận « Sự khiêm nhường ». Bài viết khẳng định trách nhiệm của một giáo hoàng đã thoái nhiệm vì cảm thấy « các thách thức đối với Giáo hội Công giáo đương đại vượt quá sức lực của mình ». Sau khi từ nhiệm, Joseph Ratzinger trở lại thành một giám mục bình thường. Tuy nhiên, việc một Giáo hoàng từ chức ngay khi còn sống là một việc chưa có tiền lệ từ 6 thế kỷ nay, bài viết : « Ông ấy sẽ trở lại một giám mục bình thường » trên Le Figaro cho biết các thông tin liên quan đến cương vị của Joseph Ratzinger sau khi thoái vị.

Le Figaro cũng như nhiều tờ báo khác dẫn lại phản ứng của xã hội đối với sự từ nhiệm của Giáo hoàng. Le Figaro dẫn lời tổng thống Pháp François Hollande bình luận về sự kiện này : « Cộng hòa Pháp hoan nghênh quyết định của Giáo hoàng, tuy nhiên nước Pháp không đưa ra bình luận nào thêm về công việc thuộc về nội bộ của Giáo hội ». Le Figaro cũng lưu ý đến cụm từ « hết sức đáng tôn trọng », mà tổng thống Pháp đã sử dụng để nói về quyết định thoái vị của Giáo hoàng. Bên cạnh ý kiến của tổng thống Pháp, là quan điểm của một số nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo khác.

Sau khi Giáo hoàng từ chức, biến cố quan trọng sắp tới đối với Giáo hội Công giáo là bầu ra một vị Giáo hoàng mới. « Ai là người sẽ kế tục Giáo hoàng ? » là tựa đề bài viết về chủ đề này trên Le Figaro.

Trung Quốc : Triệu phú Trần Quang Tiêu, người bảo vệ môi trường tự cao tự đại

Nhìn sang Châu Á, tờ Le Monde có bài « Nhà triệu phú Trung Quốc Trần Quang Tiêu (Chen Guangbiao), một người tự cao tự đại và bảo vệ môi trường cuồng nhiệt ».

Le Monde giới thiệu về một nhân vật nổi tiếng trong việc thu hút sự chú ý của xã hội Trung Quốc vào việc bảo vệ môi trường bằng các biện pháp hết sức cực đoan. Đúng vào lúc Bắc Kinh chìm trong khói mù ô nhiễm vào tháng 1/2013 vừa rồi, nhà triệu phú, có tài sản 550 triệu yuan, để thu hút các phương tiện truyền thông, đã phân phối cho khách bộ hành trên các đường phố của thủ đô Trung Quốc các hộp không khí trong lành lấy từ Tây Tạng hay Đài Loan.

Ông Trần Quang Tiêu là người rất nhiệt huyết trong các hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng bên cạnh đó Le Monde cũng ghi nhận thái độ tự cao tự đại hết sức dị thường của doanh nhân 44 tuổi này.

Đại triệu phú Trần Quang Tiêu hứa hẹn, sau khi chết sẽ dành toàn bộ tài sản cho Quỹ của Bille Gates và Warren Buffet, và cho rằng, nếu như toàn bộ những người giầu ở Trung Quốc làm theo gương ông, thì thế giới sẽ tốt hơn.

Ngoài việc phát không khí sạch tại Bắc Kinh, triệu phú Trần Quang Tiêu còn có nhiều hành động hết sức lạ lùng, như việc ông phá hủy chiếc Mercedes của riêng trị giá 250.000 euro, vào năm 2011, để cổ vũ cho một lối sống với lượng khí thải CO2 thấp. Vào dịp năm mới âm lịch này, ông Trần Quang Tiêu chuẩn bị nhiều món quà có giá trị cho các gia đình nào từ chối hành động đốt pháo hoa gây ô nhiễm.

Đặc biệt, ông Trần Quang Tiêu còn chuẩn bị một thứ giải « Nobel » để tặng thưởng cho những người làm được các việc tốt trong bảo vệ môi trường, một giải thưởng mà nhà triệu phú nói rằng sẽ mang tên ông.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.