Vào nội dung chính
PHÁP

Đi về đâu, phong trào đấu tranh chống cải cách hưu bổng?

Hôm nay thứ ba 12/10, có ba triệu rưỡi người trên cả nước Pháp đã xuống đường chống lại dự luật cải cách chế độ hưu bổng sắp được ban hành – theo số liệu của các công đoàn. Tại nhiều thành phố lớn như Rennes, Nantes, Rouen, Grenoble… số người tham gia rất cao so với những lần trước đây và lần đầu tiên, có đến trên 150 ngàn thanh niên đã tham gia biểu tình trên toàn quốc.

Lãnh đạo các công đoàn đang chờ đợi giây phút xuất phát biểu tình tại Paris ngày 12/10/2010.
Lãnh đạo các công đoàn đang chờ đợi giây phút xuất phát biểu tình tại Paris ngày 12/10/2010. Reuters
Quảng cáo

Vì sao phong trào chống cải cách hưu bổng tại Pháp có vẻ đang trở nên cứng rắn, và liệu sẽ đi đến đâu ? Đó là các câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra với giáo sư Nguyễn Văn Huy ở Paris.

Sau đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Huy:

06:33

Ông Nguyễn Văn Huy - Paris

Cuộc đấu tranh chống cải tổ hưu bổng ở Pháp đã có từ lâu, nhưng quan trọng nhất là lúc này, lúc chính phủ đang ra các điều luật và bắt đầu đi vào thi hành. Chính vì vậy các công đoàn cố gắng làm mạnh hơn, đây là áp lực buộc chính phủ phải lùi lại, có một số nhượng bộ để tiếng nói của công đoàn được ghi nhận. Cuộc biểu tình ngày 12/10 này rầm rộ vì mấy lần trước họ biểu tình cả triệu người nhưng chính phủ vẫn tiếp tục đường lối cải tổ chứ không nhượng bộ. Có nghĩa là vẫn muốn kéo dài tuổi về hưu thay vì 65 tuổi thành 67 tuổi, và tuổi bắt đầu về hưu có thể kéo dài tới 62 tuổi thay vì 60 tuổi. Chính vì vậy mà đại diện cho những người lao động Pháp là các công đoàn thấy rằng những đòi hỏi của mình không được lắng nghe, họ muốn làm áp lực với chính phủ buộc phải rút lại những cải tổ này, để có những cuộc thảo luận khác trong tương lai. Vì vậy người ta cho rằng nó sẽ cứng rắn hơn. Có một số nghiệp đoàn về chuyên chở nói rằng họ sẽ đình công liên tục, kéo dài chứ không làm chỉ một ngày như mấy lần trước.

Thưa ông, đình công liên tục kéo dài như vậy, ông thấy trong tương lai có thể tiếp diễn lâu dài như tình trạng đã xảy ra vào năm 1995 trước đây không ?

Theo nhận định của những người quan sát thời cuộc, họ thấy rằng các cuộc đình công năm 2010 này không giống như năm 1995 đâu. Hồi năm 1995 là một cuộc cải tổ sâu rộng, họ muốn thay đổi những cái cơ bản, tức là làm sao có điều kiện để các công đoàn có vai trò mạnh hơn. Đình công trong năm 2010 không như vậy, vì ngày nay thế giới đã toàn cầu hóa ; và về đời sống của dân chúng Pháp, người ta cũng thấy rõ ràng là mình không thể tiếp tục sống dễ dãi, trong lúc thế giới đang khó khăn. Chính vì vậy mà những áp lực của các công đoàn muốn kéo dài cuộc đình công này để gây khó dễ, sẽ gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế của Pháp, mà người trực tiếp bị ảnh hưởng chính là dân chúng. Người ta đang phân vân, nếu cuộc đình công này mà kéo dài, thì sẽ không có lợi gì cho cuộc đấu tranh, đồng thời uy tín của các nghiệp đoàn sẽ bị giảm xuống. Vì thế người ta đang thắc mắc là, không biết nó sẽ như thế nào, và các công đoàn cũng không biết bao nhiêu người sẽ tham gia.

Thưa ông, nhưng phải chăng cuộc đấu tranh của các công đoàn là quá trễ ?

Cuộc đấu tranh này không quá trễ mà cũng không quá sớm, vì đây là giai đoạn bắt buộc phải cải tổ thôi. Vấn đề hưu bổng của Pháp bây giờ là một vấn đề lớn. Nước Pháp ngày nay không đủ khả năng để mà tài trợ cho những người về hưu nữa, vì hồi trước 4 người đi làm nuôi 1 người về hưu, nhưng hiện nay 2 người đi làm nuôi 1 người về hưu. Trong vòng 20 năm nữa, sẽ cứ 1 người đi làm nuôi 1 người về hưu, thì chuyện này không cân đối. Chính vì vậy mà bắt buộc phải cải tổ để kéo dài tuổi làm việc, nhằm lấy tiền đóng góp tài trợ cho những người về hưu đi trước. Nếu các nghiệp đoàn cứ đòi những ưu đãi, tức là 60 được bắt đầu về hưu, hoặc 65 tuổi được hưởng chế độ hưu trọn vẹn thì sẽ rất là khó, vì ngày nay tuổi thọ của con người kéo dài hơn, thời gian người ta sống hưởng chế độ hưu trí lâu hơn. Vì vậy mà chính phủ Pháp cũng như chính phủ các quốc gia phát triển khác tại châu Âu không đủ khả năng để tài trợ cho những người về hưu quá lâu như vậy. Họ bắt buộc phải cải tổ để hạn chế lại thời gian được cấp sổ hưu bổng.

Vì vậy cuộc đình công này đúng lúc thôi chứ không phải là quá trễ. Có điều nếu kéo dài quá, sẽ không mang lại lợi ích gì cho chính các nghiệp đoàn. Và rồi cuộc đấu tranh này lần lần người ta sẽ thấy rằng có những đòi hỏi của các công đoàn hơi quá đáng, không phù hợp với những biến chuyển của thời đại. Thành ra người ta đang tự hỏi, nếu các công đoàn cứng rắn hơn, thì xã hội Pháp sẽ đi đến đâu ? Hiện giờ các công đoàn cũng đang thắc mắc : cuộc đấu tranh này nhằm buộc chính phủ Pháp phải nhượng bộ, nhưng nếu chính phủ không nhượng bộ thì sẽ đi đến đâu ? Họ sẽ làm áp lực nhiều hơn, nhưng làm áp lực để làm gì ? Vẫn giữ như cũ, hay là phải thay đổi, hay thay đổi lắt nhắt ? Vì vậy cuộc đình công ngày 12/10 này vẫn là một dấu hỏi, tức là chỗ đứng của các nghiệp đoàn trong cuộc đấu tranh, và sự nhượng bộ của chính phủ Pháp đến mức nào ? Thành ra tất cả hoàn toàn là một dấu hỏi lớn, người ta không biết những gì sẽ xảy ra sau ngày 12/10 này.

Thưa ông, nhưng theo hai cuộc thăm dò mới nhất do báo Le Parisien thực hiện, thì có 66% người Pháp ủng hộ việc phong trào đấu tranh trở nên cứng rắn hơn, và 69% ủng hộ các nghiệp đoàn ?

Thưa chị, những thăm dò này cũng chỉ tương đối thôi chứ không thực sự đúng, vì tất cả những người đi làm bên Pháp đều liên quan đến vấn đề về hưu, nên việc đình công ai cũng muốn chấm dứt sớm một chút. Ai cũng muốn thay vì 62 tuổi thì bẳt đầu từ 60 tuổi có thể bắt đầu về hưu, hay là đến năm 65 tuổi thì có thể hưởng được lương hưu trọn vẹn thay vì 67. Thành ra. Nhưng mà họ ủng hộ là ủng hộ như vậy thôi, sự tham gia của họ chắc chắn là có giới hạn. Bởi vì đình công như vậy thì mình phải xin hãng cho nghỉ một ngày, và bị mất lương của ngày đó, rồi phải đi ra nơi biểu tình để ủng hộ.

Chúng ra cần phải hiểu là các nghiệp đoàn bên Pháp này, họ đấu tranh một phần vì quyền lợi công nhân nhưng có tính cách chính trị nhiều hơn là vấn đề xã hội. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy những người xuống đường toàn là những người có công ăn việc làm ổn định. Họ đa số là công chức, giáo viên, y sĩ, những người làm trong các cơ quan mà nhà nước có phần vốn lớn như bưu điện, điện thoại, hoặc điện và khí đốt ; tức là những người có công việc rất ổn định và có đồng lương tương đối cao. Thêm vào đó, những người gây khó khăn nhiều nhất cho những người đi làm trong những ngày sắp tới là những người lái xe lửa, những người làm trong ngành chuyên chở. Họ là những người được ưu đãi trong xã hội, mà họ không dính líu gì đến cuộc đấu tranh này. Tuổi về hưu của một người lái xe lửa ở Pháp hiện nay là 55 tuổi chứ không phải 62 tuổi. Nhưng họ thấy rằng trong cuộc đấu tranh này họ không có tiếng nói, không được nhắc tới, nên họ muốn làm dữ lên để người ta biết họ cũng là những người có thể làm áp lực với chính phủ Pháp nhằm gây tiếng vang.

Hiện nay các công đoàn Pháp đang xuống cấp rất trầm trọng, vì số người gia nhập công đoàn ngày càng ít đi. Chỉ còn giới công chức gia nhập thôi, mà họ gia nhập để hưởng thêm những ưu đãi mà mình đang có, chứ không phải là để đấu tranh cho người khác. Chính vì vậy mà những người tham gia các cuộc biểu tình trong những ngày sắp tới hoặc đã qua thường là những người có việc làm ổn định, chứ không phải là những người làm trong các công ty tư nhân hoặc những công ty nhỏ và vừa. Thành ra số người này gần như đứng bên lề, và không có tiếng nói gì trong cuộc đấu tranh đòi cải tổ chế độ hưu bổng.

Xin cảm ơn ông Nguyễn Văn Huy.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.