Vào nội dung chính
PHÁP - ẨM THỰC

Pháp : người tiêu dùng khám phá lại vang đỏ nhạt Clairet

Tại Pháp, ngày càng có nhiều nhà sản xuất rượu cung cấp các loại vang đỏ nhạt (Clairet) dễ kết hợp với nhiều món ăn, dễ uống nhờ có hương vị nhẹ nhàng. Người tiêu dùng đang có xu hướng chọn những thức uống ít có cồn hơn. Điều đó buộc các nhà chế biến rượu vang phải tìm cách thích nghi. Vang đỏ nhạt (Clairet) tạo thêm cơ hội kinh doanh trên thị trường Pháp, nơi giới trẻ thích uống bia hơn là các loại vang đỏ truyền thống.

Ảnh minh họa : Một chai vang đỏ tại nhà hàng Le Mesturet ở Paris, Pháp, ngày 16/11/2023.
Ảnh minh họa : Một chai vang đỏ tại nhà hàng Le Mesturet ở Paris, Pháp, ngày 16/11/2023. © REUTERS - SARAH MEYSSONNIER
Quảng cáo

Theo tờ báo Les Echos, nếu như rượu vang hồng (Rosé) rất phổ biến vào mùa hạ, thì khi trời vào xuân, thời tiết đang ấm dần trở lại, đó có lẽ là cơ hội để khám phá lại loại vang Clairet, một loại rượu có màu sắc khá đẹp mắt trong ánh sáng : màu đỏ nhạt hay màu hồng đậm tùy theo cảm nhận và cách nhìn của thực khách.

Danh hiệu ''Clairet'' gắn liền với truyền thống làm rượu có từ lâu đời của vùng Bordeaux. Thế nhưng giờ đây, một số nhà sản xuất tại các nơi khác như Gérard Bertrand ở vùng Languedoc, hay Michel Chapoutier ở vùng thung lũng sông Rhône đều lao vào sản xuất loại vang đỏ nhạt mà họ gọi là "Rouge Clair". Trên nhãn chai, thường có ghi thêm hai chữ "& Frais", do loại vang này nên được uống thật mát, nhiệt độ nếm thử lý tưởng là khoảng 11°C. Trong khi vang đỏ truyền thống đang gặp khó khăn về mặt doanh thu, thì loại vang đỏ nhạt đang thực sự nổi lên, thu hút được nhiều người tiêu dùng.

Truyền thống làm vang đỏ nhạt từ thế kỷ XII

Theo báo Les Echos, người tiêu dùng ở Pháp đang ''khám phá lại'' loại vang đỏ nhạt, giới trẻ tưởng rằng đây là một sản phẩm mới nhằm thích nghi thị hiếu của người tiêu dùng vốn thường xuyên thay đổi. Thực ra, vang ''Clairet'' có từ thời Trung Cổ và chủ yếu được sản xuất tại Bordeaux thuộc vùng Aquitaine. Vào thế kỷ XII, lãnh thổ Aquitaine nằm dưới quyền kiểm soát của người Anh, loại rượu vang Bordaux được xuất khẩu sang Vương quốc Anh chính là loại rượu có vị nhẹ nhàng, thơm mùi trái cây, nhờ thời gian ngâm rượu và lên men ngắn, nên không có nhiều vị chát của chất tanin. Vang đỏ nhạt Clairet vì thế trở nên nổi tiếng khi được ghi chép vào sử sách.

Đến giữa thế kỷ XV, trận đánh Castillon kết thúc ''Chiến tranh Trăm năm'' (từ năm 1337 đến 1453) giữa hai nước Anh và Pháp. Sau khi bại trận, quân đội Anh rời vùng Aquitaine mà họ đã chiếm đóng trong vòng ba thế kỷ. Sự kiện lịch sử này đã khiến cho ngành sản xuất vang đỏ nhạt tại vùng Bordeaux, mà người Anh thường gọi là ''French Clairet'', bị khựng lại. Mãi đến giữa thế kỷ XX, nhà nghiên cứu người Pháp Émile Peynaud, được mệnh danh là nhà khai sinh của ngành rượu vang hiện đại, mới khởi động lại ngành sản xuất Clairet vào đầu những năm 1950.

Sáng kiến này từng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hợp tác xã ở thị trấn Quinsac do ông Roger Amiel điều hành thời bấy giờ. Từ đó trở đi, Quinsac chính thức trở thành ''chiếc nôi'' thực sự của rượu vang Clairet, cho dù về mặt sản lượng cũng như doanh thu, loại vang đỏ nhạt khó thể nào thành công bằng loại vang hồng (Rosé) của vùng Provence, hay vùng Occitanie.

Trong nhiều thập niên qua, mặc dù sản lượng không có bao nhiêu, nhưng truyền thống sản xuất Clairet vẫn được nhiều gia đình trồng nho làm rượu duy trì, vì họ muốn bảo tồn di sản này để rồi truyền nối cho các thế hệ sau. Đó là trường hợp của nhà sản xuất François Despagne. Gia đình ông trồng nho làm rượu ở Saint-Emilion từ thế kỷ XVII. Công ty gia đình này vừa cho ra mắt một loại rượu có tên là Di sản ''Vinum Clarum'', có nghĩa là vang đỏ nhạt trong tiếng La Tinh, để nhắc nhở một truyền thống lâu đời trong lịch sử vùng Bordeaux.

Dấu gạch nối giữa truyền thống lâu đời và trào lưu mới

Không chỉ có vùng Aquitaine mới khởi động lại việc sản xuất vang Clairet, nhiều vùng khác cũng lao vào khai thác dòng sản phẩm này. Theo báo Les Echos, nhân kỳ Hội chợ triển lãm quốc tế Wine Paris hồi trung tuần tháng Hai năm 2024, nhà sản xuất nổi tiếng Michel Chapoutier, đến từ thung lũng sông Rhône, đã trình làng sản phẩm mới ''Rouge Clair & Frais''. Về phần mình, ông Gérard Bertrand, một gương mặt trứ danh khác ở vùng Languedoc, cũng đã quyết định tung ra thị trường quốc tế (khoảng 40 quốc gia) hai dòng rượu vang ''Rouge Clair'' và ''Le Chouchou''.

Gọi là vang, nhưng loại rượu này lại thường được uống như bia, càng mát càng tốt, lý tưởng nhất là khoảng 10° đến 12°C, dùng làm rượu khai vị hay trong bữa ăn. Theo ông Gérard Bertrand, vào lúc mức tiêu thụ rượu vang đỏ liên tục đi xuống (giảm chậm mà đều), ngành sản xuất cần tạo ra thêm những loại thức uống khác để bù đắp cho sự sụt giảm này, đồng thời thu hút thành phần người tiêu dùng trẻ tuổi vì lý do giữ gìn sức khỏe, vẫn thích những loại thức uống ''no low'' (không cồn hoặc ít có cồn).

Các nhà sản xuất ở Bordeaux thường chọn giống nho Merlot, trong khi các nhà trồng nho ở miền Nam lại thích giống Grenache Noir hơn, vì các loại nho này có chất tanin mềm mại, nên rượu vang ít có vị chát hơn. Các chùm nho thường được thu hoạch sớm hơn một chút và trải qua quá trình ngâm nhỏ ủ rượu trong một thời gian ngắn, ở nhiệt độ thấp và đôi khi có thể được giảm độ cồn đến 20%. Kết quả là rượu vang đỏ nhạt (Clairet hay Rouge Clair) có nhiều hương bị trái cây, cấu trúc tinh tế nhẹ nhàng, quyến rũ khẩu vị dễ dàng.

Theo nhà sản xuất Michel Chapoutier, rượu vang dễ tiêu và dễ uống tạo ra ''trào lưu'' ẩm thực chinh phục được nhiều người tiêu dùng, do vậy đây là phân khúc đang trở nên thịnh hành. Trên thị trường quốc tế, các loại vang ''nhẹ'' vốn được xem là sở trường của người Ý, họ nắm giữ nhiều thị phần do xuất khẩu mạnh sang thị trường Bắc Mỹ. Trong chiều hướng đó, vang đỏ nhạt là một cơ hội thực sự, tạo dấu gạch nối giữa truyền thống lâu đời và các trào lưu mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.