Vào nội dung chính
PHÁP

Lớp trẻ gốc châu Á ở Pháp học rất giỏi, nhất là nữ giới

Một công trình của Viện Nghiên cứu Dân số quốc gia Pháp, khảo sát trên nhiều người nhập cư và con cháu của họ, được công bố mới đây đã cho thấy, thanh thiếu niên gốc châu Á tại Pháp học giỏi nhất so với những người gốc Phi châu hoặc Bắc Phi, gặt hái nhiều thành công hơn cả người Pháp chính gốc.

Một sinh viên Việt Nam tại Diễn đàn Pháp - Á lần thứ nhất tổ chức tại Pháp tháng 11/2009.
Một sinh viên Việt Nam tại Diễn đàn Pháp - Á lần thứ nhất tổ chức tại Pháp tháng 11/2009. DR
Quảng cáo

Có đến phân nửa số phụ nữ người châu Á sống tại Pháp, trong độ tuổi từ 18 đến 50 tuổi tốt nghiệp đại học và cao đẳng, trong khi tỉ lệ này đối với phụ nữ Pháp là 37%. Còn nam giới châu Á có trình độ học vấn đại học và cao đẳng cũng xấp xỉ 47%.

Ở Mỹ, các nhà nghiên cứu từ nhiều năm qua đã phân tích sự thành công của những người Mỹ gốc Hoa. Theo giáo sự Peter Kwong ở đại học Hunter, New York, thì đó là do bề dày văn hóa, truyền thống đặt nặng sự thành đạt đặc biệt là về tài chính... Còn tại Pháp, các nhà nghiên cứu rất chú ý đến thế hệ trẻ người Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Trung Quốc…Những người trẻ này rõ ràng vượt lên khỏi số phận của cha mẹ mình, thường là hẩm hiu.

Đó là vì các thế hệ người nhập cư, ở nước nào cũng vậy, thường theo một chu trình không thay đổi. Thế hệ thứ nhất thường không sử dụng được những bằng cấp, ngành nghề đã được đào tạo từ nước mình, và như vậy đành phải chấp nhận một vị trí xã hội khiêm tốn. Con cái họ thì hòa nhập được vào quê hương mới, còn thế hệ thứ ba có thể thật sự làm rạng danh nguồn cội.

Nếu con cháu những người châu Á có thể đốt giai đoạn được, thì đối với người gốc châu Phi đen, người Bắc Phi hay người Thổ Nhĩ Kỳ có khó khăn hơn, tuy phụ nữ thì tương đối khá. Nữ giới gốc Bắc Phi và Phi châu chăm học hơn nam, tìm được việc làm dễ hơn, và một phần ba có được bằng đại học hay cao đẳng. Chỉ trừ phụ nữ gốc Algérie có kém hơn một chút, riêng phụ nữ gốc Thổ Nhĩ Kỳ thì hiếm khi có được bằng cấp và cũng ít đi làm.

Còn đối với nam giới thì chật vật hơn. Xuất thân từ các gia đình bình dân, họ ít thành công hơn trên con đường học vấn, và thường chọn cách học nghề. Con cái các gia đình khá giả hơn thì dù có bằng đại học vẫn khó tìm được việc làm hơn người Pháp chính gốc, và khi được nhận vào làm việc thì lương cũng thấp hơn khoảng 10%.

Cuộc điều tra cũng ghi nhận, nếu 11% số người nhập cư đến Pháp trước năm 1974 tốt nghiệp đại học, thì nay tỉ lệ này lên đến 29%. Có nghĩa là đang có hiện tượng chảy máu chất xám sang các nước phát triển, và thường thì giới chủ thích tuyển những người nhập cư mới này.

Phác họa chân dung Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc tương lai

« Tập Cận Bình, thủ lãnh tương lai của cường quốc Trung Hoa », đó là tựa bài viết của thông tín viên nhật báo Le Figaro tại Bắc Kinh. Bài báo nhận xét, nhân vật cải cách này sẽ trở thành chủ tịch nước vào năm 2013, trong hai nhiệm kỳ 5 năm.

Tuy từ lâu vẫn được xem là người sẽ kế vị ông Hồ Cẩm Đào, nhưng cho đến khi ông Tập Cận Bình được chính thức phong làm Phó chủ tịch Quân ủy trung ương hôm thứ hai vừa qua, thì người ta mới gần như chắc chắn rằng ngôi vị cao nhất trong tương lai sẽ thuộc về ông. Đây cũng là sự kiện được chờ đợi nhất trong Hội nghị Trung ương lần này, cho dù lẽ ra ông đã phải nắm chức vụ này từ đại hội năm ngoái. Như vậy trong Đại hội Đảng lần thứ 18 vào tháng 10 năm tới, ông Tập Cận Bình sẽ lên làm Tổng bí thư và chủ tịch nước trong hai nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu từ mùa xuân năm 2013.

Le Figaro cho biết, ông Tập Cận Bình được xem là thủ lãnh của phe « Các ông hoàng đỏ », là con cháu của các cán bộ lão thành cách mạng. Phe này đang đấu tranh giành ảnh hưởng kịch liệt với một phe quan trọng khác, đó là phe Liên đoàn Thanh niên Cộng sản của ông Hồ Cẩm Đào. Ông Tập Cận Bình là con ông Tập Trọng Huân, người đã tiến hành cuộc chiến tranh du kích cộng sản ở phía bắc, rồi bị Mao Trạch Đông trừng phạt năm 1962, sau đó được Đặng Tiểu Bình phục hồi danh dự. Chính ông Tập Trọng Huân là người đã khai sinh ra các « đặc khu kinh tế », tạo tiền đề cho sự cất cánh của Trung Quốc, khi yêu cầu ông Đặng Tiểu Bình để cho mình trọn quyền hành động ở Thâm Quyến.

Về đời tư cá nhân, cũng như các lãnh đạo Trung Quốc khác, người ta chỉ biết rất ít về ông Tập Cận Bình. Ông sinh năm 1953 tại Thiểm Tây, tốt nghiệp kỹ sư hóa học ở Bắc Kinh rồi lấy bằng tiến sĩ về Triết học Mác Lênin cũng tại đây. Trong thời Cách mạng văn hóa, ông là sinh viên bị đưa về « học tập nông dân » ở nông thôn từ năm 69 đến 75. Một bài báo miêu tả ông Tập Cận Bình là người đã « chiến thắng trong cuộc chiến chống lại địa chủ », và có khả năng « vác được những bao lúa mì trên 50 ký đi nhiều cây số trên đường đồi núi mà vẫn không mệt mỏi ».

Ông có hai đời vợ, người vợ thứ hai là một ca sĩ nổi tiếng và đang giữ cấp tướng trong quân đội, thường trình diễn trong các sự kiện quan trọng như lúc Hồng Kông được trao trả về cho Trung Quốc năm 1997. Hai vợ chồng có một con gái hiện đang du học tại Mỹ.

Le Figaro nói thêm, sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình khá cổ điển, không có gì nổi bật, và cũng không có sự cố nào. Người ta cho rằng ông là một nhà lãnh đạo ít sáng kiến, nhưng thực dụng, đơn giản, cởi mở đối với những cải cách chừng mực. Tại các tỉnh duyên hải mà ông từng lãnh đạo, ông Tập Cận Bình nổi tiếng là người chống tham nhũng. Cựu Tổng trưởng Ngân khố Mỹ, ông Henry Paulson cũng rất quý ông. Giữ chức Phó chủ tịch nước từ năm 2008, ông Tập Cận Bình đã được chuẩn bị để bước lên ngôi cao. Ông từng phụ trách hai hồ sơ nhạy cảm, đó là Hồng Kông và việc giám sát giai đoạn cuối cùng của Thế vận hội Bắc Kinh. Ông mong muốn giảm bớt được những bất bình đẳng xã hội, mối đe dọa chính của Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình được chú ý nhiều trong năm nay khi phê bình thứ ngôn ngữ khô cứng của các cán bộ đảng, cổ vũ cho cách nói thẳng thắn hơn. Là một người ôn hòa, ông đã gây ngạc nhiên khi tấn công những người bài Hoa trong chuyến công du Mêhicô. Ông nói : « Những người ngoại quốc no đủ chẳng có chuyện gì làm hơn là việc không ngừng chỉ trích chúng tôi. Nhưng, thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng, thứ hai, không xuất khẩu nghèo đói, thứ ba, chẳng làm quý vị nhức đầu. Quý vị còn muốn gì hơn ? »

Cuối cùng, Le Figaro nhận định, là người thân cận với ông Giang Trạch Dân hơn là ông Hồ Cẩm Đào, nên ông Tập Cận Bình không phải là chọn lựa ưu tiên của Tổng bí thư đương nhiệm. Nhưng ông là người của hòa hợp hòa giải, có khả năng làm các phe phái phải thu gươm. Nhưng tờ báo cho rằng, một khi nhận nhiệm vụ mới, trong thời gian đầu ông Tập Cận Bình sẽ không được trọn quyền, vì chắc chắn là ông Hồ Cẩm Đào sẽ kiên quyết « hy sinh » phục vụ thêm vài năm nữa.

Cải cách hưu bổng ở Pháp: Vẫn chưa có lối thoát

Về tình hình nước Pháp, tất cả các nhật báo xuất bản ở Paris hôm nay đều chạy tít lớn về cuộc đình công và biểu tình chống kế hoạch cải cách chế độ hưu bổng hôm qua.

Tờ báo cộng sản L’Humanité cho rằng phong trào phản kháng vẫn « Luôn luôn mạnh như cũ », với ba triệu rưỡi người biểu tình trên khắp nước Pháp trong ngày hành động hôm qua, cũng đông đảo như một tuần trước đó. Nhật báo cánh tả Libération kêu gọi « Hãy thương lượng đi, thưa ông Tổng thống ». Theo thăm dò dư luận của tờ báo này, thì có đến 79% người Pháp muốn ông Nicolas Sarkozy tái lập đối thoại với các công đoàn. Ngược lại, nhật báo thân hữu Le Figaro lạc quan nhận định : « Số người tham gia giảm xuống, xuất hiện bọn phá hoại. Các công đoàn lúng túng ». Còn nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng « Phong trào phản đối cải cách chế độ hưu bổng làm phức tạp thêm việc thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế ». Cũng về kinh tế, tờ báo La Tribune trong bài « Các công ty cảnh báo » đã cho biết, giới chủ rất lo ngại về hậu quả của cuộc xung đột này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.