Vào nội dung chính
PHÁP - NÔNG NGHIỆP

Làm thế nào để nông nghiệp Pháp lấy lại được khả năng cạnh tranh ?

Bắt đầu từ hôm nay (19/02), Triển lãm Nông nghiệp, một hoạt động thường niên quan trọng bậc nhất đối với những người làm nông nghiệp Pháp, sẽ diễn ra trong vòng một tuần tại Paris. Trước sự kiện quan trọng này, Le Monde đặt câu hỏi : "Liệu mô hình nông nghiệp Pháp có thể lấy lại được khả năng cạnh tranh không ?".

Triển lãm Nông nghiệp Paris sẽ kéo dài trong một tuần lễ (Reuters)
Triển lãm Nông nghiệp Paris sẽ kéo dài trong một tuần lễ (Reuters)
Quảng cáo

Thực tế là, Pháp đã là nước xuất khẩu nông nghiệp lớn hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, cho đến tận năm 2000, trước khi phải nhường vị trí này cho Hà Lan. Tiếp theo đó, năm 2006, Đức, một nước vốn rất « đáng gờm » về công nghiệp, chứ không phải về nông nghiệp, đã vượt lên đẩy Pháp xuống hàng thứ tư.

Giải thích nguyên nhân khiến nông nghiệp Pháp tụt hạng, Le Monde dẫn lời ông Xavier Beulin, tân chủ tịch Liên đoàn Quốc gia những người làm Nông nghiệp (FNSEA), nghiệp đoàn nông nghiệp lớn nhất nước Pháp, theo đó, có ba lý do quan trọng như sau.

Lý do thứ nhất là lương cho các lao động theo thời vụ ở Pháp quá cao, gấp gần hai lần tại Đức (11 euro/giờ so với 6,5 euro/giờ). Bởi vì, Đức không đặt ra mức lương tối thiểu, và như vậy, nước này có thể thuê được lao động từ các nước Đông Âu với mức lương rất thấp. Lý do thứ hai là, chế độ thuế nông nghiệp tại Đức ưu đãi người sản xuất hơn : nhà nông được giữ lại một phần trong khoảng tiền thuế giá trị gia tăng (TVA) sau khi bán sản phẩm của họ. Và lý do thứ ba là, tại Pháp, không có các chính sách mạnh, rõ ràng và ổn định của Nhà nước hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo như Đức, Bỉ, Hà Lan. Ví dụ như, tại Đức, nguồn khí sinh vật từ phân gia súc có thể mang lại nhà nông từ 20-30% thu nhập.

Một điểm khác biệt, có thể là nhược điểm, nhưng cũng là ưu điểm cần khai thác của nền nông nghiệp Pháp, cũng được tân chủ tịch Liên đoàn Quốc gia những người làm Nông nghiệp Pháp nhấn mạnh, đó là các sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn các tiêu chuẩn của Châu Âu. Điều này khiến cho chi phí sản xuất cao hơn, nhưng cũng khiến cho các sản phẩm Pháp có chất lượng và an toàn hơn. Trong cuộc cạnh tranh hiện nay trên thế giới, giá rẻ là một lợi thế, nhưng nếu chỉ hướng vào giá rẻ, sản phẩm Pháp và Châu Âu nói chung, theo một nhà kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia (INRA) không thể cạnh tranh lại với các quốc gia đang nổi lên như Achentina hay Brazil.

Pháp cần khai thác thế mạnh của mình trên phương diện « đa dạng hóa sản phẩm », tạo các sản phẩm chất lượng cao, và tìm chỗ đứng tại các thị trường của các quốc gia lớn đang trỗi dậy. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thực phẩm cũng cần phải liên kết chặt chẽ với những nhà nông Pháp ngay tại Pháp, hơn là đi tìm các nguyên liệu từ những nơi khác. Đây là ý kiến của ông Thierry Pouch, phụ trách các nghiên cứu kinh tế của Assemblée Permanente des Chambres d’Agriculture (APCA) (tạm dịch là : Cơ quan dân cử quốc gia đại diện cho quyền lợi của những người làm nghề nông). Đồng thời, để bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm tại Châu Âu việc cải thiện chính sách nông nghiệp chung (PAC) của Châu Âu là điều thiết yếu.

Trang nhất các nhật báo Pháp

Biểu tình tại các nước Bắc Phi và Cận Đông được các nhật báo chính tại Pháp tiếp tục quan tâm. Le Monde ghi nhận « Cuộc nổi dậy lan đến Libya và Bahrain », trong khi đó Le Figaro cho biết « Bahrain, Libya, Yemen. Các cuộc nổi dậy Ả Rập bị đàn áp trong máu ». « Bahrain, Yemen Libya. Ngày Thứ Sáu đen tối » là tựa đề của Libération. Còn tờ L’Humanité hướng về những chuyển biến mới tại Ai Cập với nhận định « Ai Cập, cách mạng xã hội ». 2 triệu người ngày hôm qua có mặt tại quảng trường Tahrir để chào mừng thắng lợi và đưa ra các yêu sách đối với chính quyền. Tờ báo Le Croix hôm nay thì giới thiệu với độc giả vai trò của những cha mẹ đỡ đầu trong đạo Thiên chúa đối với những người con tâm linh của mình. Bên cạnh đó, La Croix cũng chú ý đến một dự luật mới chuyển giao các di sản cấp Quốc gia cho các địa phương, và thậm chí các di sản có khả năng được bán lại cho tư nhân.

Tín đồ Hồi giáo cực đoan công khai trở lại trên đường phố Ai Cập

Tại khu vực Bắc Phi và Cận Đông, các cuộc biểu tình phản kháng vẫn tiếp diễn. Chính quyền tiếp tục vây hãm và đàn áp khốc liệt. Ở Libya, theo Libération có tin là chính quyền đã bắn vào những người biểu tình từ trực thăng. Trong khi đó, tại Ai Cập, ngày hôm qua, thứ Sáu (17/02), công chúng tập hợp rất đông chào mừng sự sụp đổ của chính quyền cựu tổng thống Mubarak. Libération chú ý đến sự xuất hiện của khoảng 200 đến 300 tín đồ Hồi giáo cực đoan, cũng có mặt cùng với những người ủng hộ dân chủ.

Trong số những hình tượng Hồi giáo cực đoan tiêu biểu phải kể đến mẹ của Khaled al-Islambouli, thủ phạm vụ sát hại cố Tổng thống Ai Cập Sadate năm 1981, vì chủ trương hòa bình của ông với Israel. Xuất hiện trên một chiếc xe lăn, mẹ của nhân vật kể trên đã được nhiều người đón chào một cách hết sức cuồng nhiệt và kính cẩn.

Nhiều tấm biểu ngữ trương lên đòi trả tự do cho « người thầy » (cheikh) Omar Abdel Rahman, thủ lĩnh tâm linh của tổ chức Hồi giáo Gama’at al-Islamiya, đang bị giam giữ tại Hoa Kỳ, vì bị coi là thủ phạm của vụ khủng bố World Trade Center năm 1993.

Một người tự xưng là một trong mười thành viên đại diện cho Hội đồng lãnh đạo của tổ chức Hồi giáo kể trên, đã lớn tiếng tuyên bố yêu cầu để tổ chức Gama’at al-Islamiya trở thành một đảng chính trị.

Trong nhóm các tín đồ Hồi giáo cực đoan, thậm chí đã diễn ra những trao đổi tự nhiên về việc Ai Cập nên đi theo mô hình nào. Tuyệt nhiên không ai nói đến mô hình Iran (thuộc hệ phái Shia). Nhưng tranh cãi đã nổ ra về việc có nên theo đường lối của tổ chức Hồi giáo Hamas (Palestine) hay không.

Thông tin viên Libération nhận thấy, đa số những người tham gia biểu tình hoặc tò mò ngắm nhìn, hoặc tỏ ra khó chịu, trước mấy trăm tín đồ Hồi giáo cực đoan nhóm lại xung quanh các bức hình của thủ lĩnh tinh thần của tổ chức Hồi giáo Gama’at al-Islamiya, đang bị giam giữ tại Hoa Kỳ. Bất chấp những tuyên bố mang tính hòa giải của họ, nhóm cực đoan này chẳng khác nào con sâu làm rầu nồi canh, khiến những người cầm quyền ác cảm với những yêu cầu thành lập các đảng phái tôn giáo.

Giờ cầu nguyện đến, hàng chục nghìn người đồng loạt im lặng cúi mình, dưới sự hướng dẫn của ông Yousef al-Qaradawi, 85 tuổi, người thân cận với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và được coi là một thủ lĩnh tinh thần tại Ai Cập, với các chương trình giảng đạo mà ông thường tiến hành thông qua kênh truyền hình Al-Jezira, từ Qatar, nơi ông đã từng tỵ nạn trong thời gian dài. « Đừng ngăn lại bước đi của lịch sử. Thế giới Ả Rập đã thay đổi từ bên trong rồi ». Đó là thông điệp mà Yousef al-Qaradawi muốn chuyển đến các nhà lãnh đạo Ả Rập.

Bangkok bất lực trước những xung đột tôn giáo sắc tộc ở miền nam Thái Lan

Còn tại Châu Á, Le Figaro hướng cái nhìn đến những xung đột sắc tộc tôn giáo tại miền Nam Thái Lan với hàng tựa « Khủng bố tôn giáo làm tan hoang miền nam Thái Lan ». Biểu hiện rõ nhất trong cuộc xung đột mà Le Figaro chỉ ra là nỗi khiếp hãi ngự trị nơi các nhà tu hành Phật giáo. Hiện nay, tại miền nam Thái Lan, chỉ còn khoảng 100.000 sư sãi so với hơn 300.000 vào năm 2004.

Theo một giáo sư chính trị học Thái Lan, sự chung sống hòa bình giữa hai tôn giáo, Phật giáo và Hồi giáo, từ lâu đời, đã chấm dứt. Các liên hệ xã hội đã bị tổn thương không thể cứu vãn được. Trong vòng 6 năm qua, theo con số do tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đưa ra, bạo lực tại các tỉnh giáp với Malaysia đã khiến cho 4.500 người chết, trong đó có 30 nhà sư và 200 giáo viên, và 8.000 bị thương. Bạo lực ở đây thường xảy ra mà không ai lên tiếng chịu trách nhiệm.

Để tìm hiểu sự thật về xung đột tại Thái Lan, Le Figaro đã tiếp xúc với Pak Abu, một lãnh đạo cao cấp của phong trào Hồi giáo Pulo, phong trào vũ trang đòi độc lập cho Pattini hết sức bạo lực. Bốn năm chờ đợi, nhân vật phụ trách nội bộ của tổ chức này mới chấp nhận trả lời. Ngày 19/1 vừa rồi, chính tổ chức này đã tấn công vào một trại lính, khiến 4 người thiệt mạng. Theo người lãnh đạo của phong trào độc lập Pattini, mục tiêu của phong trào là lập nên một xã hội Hồi giáo tại khu vực này, nếu dân chúng chấp thuận.

Trên thực tế, sự bất bình đẳng giữa cư dân địa phương, trong đó 85% theo đạo Hồi, với người Thái đa số là hết sức rõ ràng. 85% các vị trí trong bộ máy hành chính là do người từ nơi khác đến đảm nhiệm. Và chỉ có 3% dân cư địa phương, chủ yếu theo đạo Hồi, tốt nghiệp phổ thông. Chính sự bất bình đẳng kể trên đã trở thành mảnh đất cho sự phát triển của các phong trào ly khai Hồi giáo miền cực nam Thái Lan. 

Người Paris ngày càng trẻ hơn

Trở lại nước Pháp, Le Figaro ghi nhận, « người Paris ngày càng trẻ hơn ». Kết quả của một thống kê mới đây là ngược lại một quan niệm, vốn cho rằng cư dân Paris đang già đi. Theo cuộc điều tra này, tỷ lệ người trên 60 tuổi tại Paris thấp hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc. Tuy nhiên, tuổi thọ của người Paris vẫn rất cao.

Hiện tượng trẻ hóa của Paris được giải thích bởi dòng người trẻ từ 15-29 tuổi đổ về Paris để học tập và làm việc, với 13.200 người hàng năm giữa năm 2002 và 2007, trong khi đó, có nhiều người về hưu rời khỏi thủ đô, để tránh ô nhiễm và giá cả đắt đỏ.

Phim Pháp 2010 :  vốn nhỏ thành công hơn vốn lớn

Còn về điện ảnh Pháp, một tuần lễ trước giải Cesar, bộ phim « Des Hommes et des Dieux » (Con người và Thần Thánh), được đánh giá rất cao. Bên cạnh chất lượng của phim, về mặt tài chính, theo Le Figaro, đây là bộ phim thu nhiều lợi nhuận nhất trong năm 2010, với đầu tư 4 triệu euro, bộ phim thu hút hơn 3 triệu người xem với doanh thu gấp hơn 2 lần so với đầu tư.

Cũng theo quan sát của Le Monde, trong năm vừa qua, các bộ phim có vốn đầu tư cao mang lại tỷ lệ lợi nhuận không bằng các phim với số tiền nhỏ. Cụ thể là bộ phim với đầu tư khổng lồ 49 triệu euro "Océan", chỉ thu được có 16,7 % lợi nhuận, trong khi đó, bộ phim "Mammuth", với đầu tư 2,5 triệu euro đã đạt được tỷ lệ lợi nhuận là 100%.

Đây quả là một kết quả đáng ngạc nhiên, bởi thông thường phim Pháp chỉ thu được lợi nhuận 25%. Năm ngoái, 32 phim Pháp đã vượt quá ngưỡng trung bình này, tức là 6 phim nhiều hơn so với năm trước. Thực tế này đã làm thay đổi một số định kiến hiện nay, vốn đề cao xu thế làm phim vốn lớn theo kiểu Holywood.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.