Vào nội dung chính
PHÁP - KINH TẾ

Đến lượt nước Pháp nằm trong tầm ngắm của các thị trường

Theo các số liệu được công bố hôm qua, trong quý 2 vừa qua, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Pháp là 0,0%, tức là không giảm, mà cũng không tăng, một kết quả làm phức tạp hơn các nỗ lực của chính phủ nhằm cắt giảm thâm thủng ngân sách và nợ công của nền kinh tế đứng hàng thứ hai của khu vực đồng euro, mà kể từ nay nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin (Reuters)
Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin (Reuters)
Quảng cáo

Bộ trưởng Tài chính của Pháp François Baroin hôm qua (12/8/2011) đã phải nhìn nhận là kết quả nói trên « hơi đáng thất vọng ». Tuy nhiên, ông vẫn tỏ vẻ tin tưởng vào nền kinh tế Pháp và vẫn giữ nguyên dự báo của chính phủ là tăng trưởng đạt 2% trong toàn năm 2011. 

Nhưng dù có trấn an như thế nào đi nữa thì kể từ nay, Pháp đã bị đẩy lên tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng nợ công đã làm rung chuyển khu vực đồng euro từ nhiều tháng qua và đã buộc các nước châu Âu phải đề ra những kế hoạch cứu giúp Hy Lạp, Ai Len và Bồ Đào Nha. 

Tổng thống Nicolas Sarkozy đã hẹn với các nhà đầu tư là đến ngày 24/8/2011 tới, chính phủ sẽ trình bày những biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm đạt mục tiêu cắt giảm thâm thủng ngân sách từ 5,7% GDP năm nay xuống còn 4,6% năm 2012 và 3% 2013. Nhưng chính phủ đã báo trước là họ sẽ chỉ bỏ bớt một số biện pháp miễn giảm thuế, chứ sẽ không tăng thuế toàn diện. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia sợ rằng, trong bối cảnh nước Pháp sắp bước vào kỳ vận động tranh cử cho bầu cử tổng thống tháng 4 năm tới, khuôn khổ hành động của tổng thống Sarkozy sẽ rất hạn chế, nhất là từ tháng 5, thất nghiệp tại Pháp đã tăng trở lại với tỷ lệ lúc nào cũng trên 9%. Trong những điều kiện như vậy, rất khó mà thực hiện những biện pháp khắc khổ cần thiết để thuyết phục các thị trường. 

Số liệu về tăng trưởng kinh tế trong quý 2 vừa qua có thể khiến cho các nhà đầu tư thêm lo ngại về khả năng Pháp bị đánh sụt điểm tín nhiệm về nợ công, tức là không giữ điểm AAA, điểm cao nhất mà các các công ty xếp hạng tín nhiệm dành cho những quốc vay nợ. Hiện giờ, nợ công của Pháp đã lên tới mức rất cao là 84,5% GDP. Cứ theo đà này, thì tên của nước Pháp chẳng bao lâu nữa sẽ được thêm vào danh sách đã khá dài : Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ai Len, Ý và Tây Ban Nha, tức là những nước mà nợ công bị các thị trường tài chính xem là « độc hại », tức là có nhiều rủi ro. 

Những quan ngại về điểm tín nhiệm của Pháp càng khiến các thị trường thêm nghi ngờ về tính vững chắc của các ngân hàng Pháp, đặc biệt là ngân hàng Société Générale, với tin đồn là ngân hàng này sắp phá sản. Do tin đồn này mà trong ngày thứ tư vừa qua, có lúc cổ phiếu của Société Générale bị sụt giảm đến 20% giá trị 

Trước tình hình đó, phe đối lập cánh tả đã kêu gọi chính phủ Pháp loan báo ngay lập tức những biện pháp để cắt giảm thâm thủng ngân sách, cũng như bãi bỏ các biện pháp miễn hoặc giảm thuế đối với người giàu và doanh nghiệp. 

Nhưng dầu sao thì mọi giải pháp hiệu quả đều phải là ở cấp độ châu Âu, chứ không chỉ ở riêng từng nước. Cho nên, mọi người đang chờ đợi cuộc gặp gỡ ngày thứ ba tuần tới (16/8/2011) tại Paris giữa tổng thống Nicolas Sarkozy với thủ tướng Đức Angela Merkel, để xem hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu có sẽ đưa ra những sáng kiến gì mới để ngăn chận khủng hoảng nợ lan ra thêm trong khu vực đồng euro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.