Vào nội dung chính
PHÁP - NGÂN HÀNG

Ngân hàng Pháp : Nạn nhân gián tiếp của khủng hoảng nợ công Hy Lạp

Trong những ngày qua, ba ngân hàng lớn tại Pháp đã phải trải qua nhiều cơn sóng gió trên thị trường chứng khoán Paris. Đã bị mất hàng chục phần trăm giá trị từ đầu năm đến nay, vào đầu tuần này, cổ phiếu của BNP Paribas, Société Générale và Crédit Agricole lại tiếp tục bị chao đảo dữ dội.

Trụ sở chính của ngân hàng BNP Parisbas tại Paris.
Trụ sở chính của ngân hàng BNP Parisbas tại Paris. Reuters
Quảng cáo

Gian nan tuy thế vẫn chưa dứt, vì Société Générale và Crédit Agricole vừa bị cơ quan thẩm định tài chánh Moody’s hạ điểm tín nhiệm vào hôm nay 14/09/2011.

Do đâu mà các định chế tài chánh bề ngoài thấy vững như bàn thạch, vào năm ngoái đã có được những món lời kỷ lục, lại có dấu hiệu bị khốn đốn như vậy ? Câu trả lời nằm ở cuộc khủng hoảng nợ công đang càng lúc càng trầm trọng ở Hy Lạp và có khả năng nhận chìm nhiều nước khác như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…

BNP Paribas chẳng hạn, có thể được xem là ví dụ điển hình về các khó khăn mà các ngân hàng lớn tại Pháp nói riêng, và tại châu Âu nói chung, đang gặp phải. Vốn là ngân hàng thương mại đứng đầu châu Âu, sau cơn khó khăn bắt nguồn từ vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers bị phá sản vào năm 2008, BNP Paribas đã vươn lên trở lại liên tiếp trong hai năm sau đó. Đến cuối năm 2010, BNP đã nâng được doanh số lên thành 43 tỷ euro, với lợi nhuận đạt gần 8 tỷ euro. Cổ phiếu của BNP Paribas trên thị trường chứng khoán Paris lúc nào cũng cao giá, trên mức 50 euro, có lúc lên đến 60 euro.

Thế nhưng từ khi khủng hoảng nợ công châu Âu bùng lên mạnh mẽ, với Hy Lạp bị điêu đứng, trị giá cổ phiếu của đại gia ngân hàng châu Âu này bắt đầu bị tụt dốc. Từ đỉnh cao gần 60 euro ngày 17/02/2011, cổ phiếu BNP đã bị giảm giá dần, và trong hai ngày đầu tuần này, đã tuột xuống dưới ngưỡng 30 euro, và có lúc chạm mức thấp kỷ lục là 23,50 euro vào hôm qua, trước khi gượng dậy thành 28 euro vào cuối phiên giao dịch.

Tình trạng của hai ngân hàng lớn khác của Pháp là Société Générale và Crédit Agricole cũng bi đát như vậy. Sở dĩ ba định chế tài chánh nói trên không còn được giới đầu tư tin tưởng, đó là vì họ dính líu quá nhiều đến Hy Lạp. Cuối năm 2010, BNP Paribas sở hữu 5 tỷ euro công trái trái phiếu nhà nước Hy Lạp, Société Générale 2,7 tỷ, còn Crédit Agricole ít hơn, chỉ 600 triệu mà thôi. Đó là những trái phiếu rất khó bán ra vào lúc này, ít ra là không thể bán gấp, vì lẽ một khối lượng quá lớn trái phiếu Hy Lạp tràn ngập thị trường sẽ làm cho giá trị của trái phiếu đó sụt giảm đáng kể.

Trả lời nhật báo Pháp Le Monde ngày 13/09/2011, ông Vincent Touze, kinh tế gia cao cấp tại ban nghiên cứu thuộc Đài Quan sát Bối cảnh Kinh tế Pháp OFCE của học viên chính trị Sciences Po tại Paris giải thích là các ngân hàng Pháp kể trên bị đe dọa ở hai cấp độ. Một mặt, họ nắm trái phiếu Hy Lạp trong tay, vì thế sẽ bị thiệt hại khi các trái phiếu này bị mất giá. Mặt khác, họ đều có chi nhánh tại Hy Lạp, làm ăn trực tiếp với các doanh nghiêp tại chỗ. Nếu các con nợ bị mất khả năng thanh toán vì khủng hoảng Hy Lạp, các ngân hàng mẹ ở Pháp tất nhiên bị vạ lây.

Tóm lại, so với các định chế khác, ba ngân hàng BNP Paribas, Société Générale và Crédit Agricole bị lệ thuộc nhiều hơn vào số phận của Hy Lạp. Trong bối cảnh khả năng Nhà nước này bị phá sản càng rõ nét, cũng dễ hiểu là lòng tin vào ba chủ nợ của Hy Lạp bị sói mòn.

Có điều là nợ Hy Lạp không phải là mối đe dọa duy nhất đối với các ngân hàng Pháp. Trong những năm qua, vì đặt cược vào sự phát triển của châu Âu, các định chế này thậm chí còn dồn sức nhiều hơn vào một số nước khác như Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... Hệ quả là giờ đây, họ cũng sở hữu một phần các khoản nợ của các nước đó.

Cho dù các con nợ này có khả năng chi trả cao hơn Hy Lạp, thế nhưng các món nợ mà ngân hàng Pháp nắm trong tay cũng lớn hơn rất nhiều. BNP chẳng hạn, đã có hơn 24 tỷ euro nợ Ý, do đó có nguy cơ bị khốn đốn nếu Ý lâm vào tình thế như Hy Lạp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.