Vào nội dung chính
PHÁP - HÓA CHẤT

Hạ Viện Pháp thảo luận về dự luật cấm « hóa chất vĩnh cửu » PFAS

Sáng nay, 04/04/2024, Hạ Viện Pháp bắt đầu thảo luận về dự luật nhằm hạn chế sản xuất và bán các sản phẩm có chứa PFAS. Là hóa chất do con người tổng hợp, cấu thành từ Carbon và Fluor, PFAS khó bị phân hủy, nên còn được gọi là « hóa chất vĩnh cửu ».

Nhân viên nhà sản xuất dụng cụ nấu ăn Tefal gõ chảo để phản đối dự luật cấm PFAS ở Paris, Pháp, ngày 03/04/2024.
Nhân viên nhà sản xuất dụng cụ nấu ăn Tefal gõ chảo để phản đối dự luật cấm PFAS ở Paris, Pháp, ngày 03/04/2024. © Alain Jocard/AFP
Quảng cáo

PFAS là một loại hóa chất có đặc tính chống thấm và chịu nhiệt cao nên có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và đời sống, hiện diện trong nhiều loại sản phẩm như chảo chống dính, sơn, bao bì thực phẩm, hàng dệt may, xe hơi … Tuy nhiên, PFAS cũng có nhiều tác hại tới môi trường và sức khỏe con người, lại khó bị phân hủy đến mức bị xem là « một mối đe dọa hóa học lớn nhất cho loài người trong thế kỷ XXI ».

Dự luật do dân biểu đảng Sinh thái Nicolas Thierry đề xuất. Trái với mong muốn của chính phủ, các dân biểu đã bỏ phiếu ủng hộ việc đưa ra quy định cấm sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu và tiếp thị một số sản phẩm có chứa PFAS. Do có nhiều tranh cãi về thời hạn cấm PFAS trong các dụng cụ nhà bếp, đa số đã loại trừ điều khoản liên quan đến phạm vi cấm PFAS trong các dụng cụ nhà bếp, gây phản ứng mạnh mẽ từ cánh tả.

Theo dự luật, PFAS sẽ bị cấm trong các sản phẩm dệt may kể từ năm 2030. Lĩnh vực bao bì thực phẩm cũng bị loại ra khỏi phạm vi lệnh cấm, bởi Liên Âu cũng chuẩn bị đưa ra những quy định rất nghiêm ngặt. Trong số nhiều biện pháp mà các dân biểu muốn đưa vào dự luật, có việc bắt buộc kiểm soát lượng PFAS trong nước sinh hoạt trên toàn lãnh thổ và áp thuế đối với các nhà công nghiệp thải PFAS ra môi trường.

Về phía chính phủ Pháp, khi bị một dân biểu phe bảo vệ sinh thái chất vấn tại Hạ Viện hôm qua 03/04, thủ tướng Gabriel Attal cho biết ông muốn « đấu tranh ở cấp độ Liên Âu » để « giảm sự hiện diện của các phân tử này, nhất là trong bao bì thực phẩm ». Thủ tướng Pháp nhấn mạnh cần dựa vào « đòn bẩy chung » ở cấp Liên Âu để tránh làm suy yếu ngành công nghiệp của Pháp, nếu chỉ có Pháp cấm chất PFAS mà các nước còn lại trong Liên Âu thì không.

Về phía giới công nghiệp, các nhà sản xuất đã cảnh báo về mối đe dọa đối với việc làm của người lao động nếu lệnh cấm được thông qua. Theo AFP, vài trăm nhân công tập đoàn SEB của Pháp, số một thế giới về hàng gia dụng nhỏ, hôm qua đã biểu tình tại Paris, để phản đối dự luật. Đối với tổng giám đốc của tập đoàn, Stanislas de Gramont, dự luật cấm chất PFAS tại Pháp là « mối đe dọa trực tiếp » đến hơn 3.000 lao động của nhà máy của Seb ở Rumilly (vùng Haute-Savoie) và Tournus (Saône-et-Loire), chuyên sản xuất chảo chống dính Tefal.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.