Vào nội dung chính
PHÁP - TỰ DO NGÔN LUẬN

Công luận Pháp nhất loạt lên án vụ khủng bố nhắm vào tờ «Charlie Hebdo»

Tất cả các tờ báo chính tại Pháp đều nhất loạt lên án vụ tấn công phá hủy trụ sở của tuần báo châm biếm « Charlie Hebdo », ngày hôm qua 2/11. Theo Le Figaro, « chính giới Pháp đồng thanh lên án vụ khủng bố », chống lại quyền tự do ngôn luận. Le Figaro đưa tin, một phần trụ sở của « Charlie Hebdo » bị bom phá nát, sau khi tờ báo dành hẳn một số cho việc châm biếm chế độ toàn trị Hồi giáo.

Tờ "Charlie Hebdo" số đặc biệt.
Tờ "Charlie Hebdo" số đặc biệt. AFP
Quảng cáo

Đứng trước cảnh đổ nát của trụ sở tờ báo, họa sĩ Charb, người đứng đầu Charlie Hebdo, nhận xét : mức độ bạo lực lần này vượt quá lần xuất hiện các bức tranh biếm họa Mahomet đầu tiên vào năm 2006 tại Đan Mạch. Điểm lại lịch sử, Le Figaro cho hay, đây là vụ khủng bố kinh hoàng nhất nhắm vào một tờ báo tại Paris, kể từ Đệ nhị Thế chiến đến nay. Hiện thời, chưa có ai đứng ra nhận là tác giả của vụ khủng bố.

Ban biên tập tờ báo cho rằng, vụ khủng bố kể trên có liên hệ trực tiếp với số báo mang tên « Charia Hebdo » (« Charia » là luật Hồi giáo). Đặt trệch tên Charlie Hebdo thành Charia Hebdo, tờ báo muốn chế giễu chế độ Hồi giáo toàn trị, nhân dịp đảng Hồi giáo Ennahda giành chiến thắng tại Tunisia, trong cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến vừa diễn ra.

Tạm thời một nhân chứng cho cơ quan điều tra biết, vào lúc một giờ sáng, có hai người lạ mặt, ném bom xăng tự tạo vào tòa soạn tờ báo trào phúng. Cũng trong đêm đó, trang mạng của tờ biếm họa bị tin tặc tấn công. Ngay trước khi số báo vừa rồi của « Charlie » được phát hành, cả một làn sóng các thông điệp chửi rủa và đe dọa tràn ngập các mạng xã hội. Người phụ trách Charlie Hebdo cho biết, tờ báo đã rất quen với việc thường xuyên nhận được các đe dọa như vậy, và họ không sợ.

Theo Le Figaro, thay vì bịt miệng tờ báo, vụ khủng bố hôm qua khiến Charlie Hebdo càng trở nên nổi tiếng. 75.000 ấn bản đã được bán hết veo, trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Hiện tại, ê-kíp làm báo của Charlie Hebdo được nhật báo Libération tiếp đón. Không chỉ dành chỗ cho Charlie Hebdo, Libération còn « mở » hai trang đầu và hai trang cuối cho báo bạn. Sau vụ khủng bố bất ngờ, các họa sĩ – nhà báo của « Charlie » lại tiếp tục vẽ. Một chai bom xăng, có ngọn lửa mang hình mặt người, với bình luận : « các vị xem nhà tiên tri [Mahomet] của mình là như thế này ư ! », là một trong các biếm họa mới trên Libération của các họa sĩ « Charlie », nhằm tiếp tục bảo vệ « quyền tự do giễu cợt » của mình.

Bài xã luận của Le Monde cho biết, Hồi giáo nghiêm cấm việc đưa ra một hình ảnh về đấng Tiên tri Mahomet, nhưng Charlie Hebdo, tiếp theo nhiều tờ báo khác, đã quyết định không quan tâm đến quy tắc này. Bởi lẽ quy định này không thuộc về luật pháp, cũng không phải là một quy tắc thuộc một lĩnh vực mang tính chế định trong một xã hội thế tục. Trên thực tế, tuần báo biếm họa này đã từng bị một liên hiệp các tổ chức Hồi giáo tại Pháp kiện ra tòa, vì tội « kích động sự hằn thù chủng tộc », với việc xuất bản lại bức tranh biếm họa Đan Mạch về nhà tiên tri Mahomet, nhưng kết quả là Charlie Hebdo được trắng án.

Le Monde khẳng định, quyền tự do ngôn luận và sáng tạo nghệ thuật là một trong các giá trị nền tảng của nền dân chủ. Tờ báo cũng nhắc lại, vụ một số nhóm Thiên chúa giáo cực đoan ngăn cản và chống lại vở diễn « Về cảm nhận gương mặt người con của Chúa » của đạo diễn Ý Roméo Castellucci, có nhiều diễn biến gây sốc đối với một số khán giả, trong thời gian công diễn hồi cuối tháng trước tại Paris. Le Monde kết luận : Không phải là thừa khi nhắc lại giá trị nền tảng của quyền tự do ngôn luận và tự do sáng tạo, đối với những ai đang cổ vũ cho lòng hận thù « dưới vỏ bọc của cuộc chiến chống lại thái độ thù địch với đạo Hồi, hay với đạo Thiên chúa ».

Cuộc chơi « may rủi » của Thủ tướng Hy Lạp

Hội nghị G20 họp tại Cannes (Pháp) trong bối cảnh khu vực đồng euro đột ngột rơi vào khủng hoảng, sau quyết định đơn phương của Thủ tướng Hy Lạp, tổ chức trưng cầu dân ý về việc có chấp nhận kế hoạch trợ giúp của Châu Âu đối với Hy Lạp hay không. Đây là chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp.

Le Monde chạy tựa trên trang nhất : « G20 khai mạc vào lúc Châu Âu có khủng hoảng ». Tờ Les Echos mô tả : « Cú sốc Hy Lạp biến G20 thành hội nghị khủng hoảng ». Còn Le Figaro thì ghi nhận việc : « Sarkozy và Merkel dồn Hy Lạp vào chân tường ». « Khủng hoảng đồng euro, một G20 buồn » là hàng tựa trên trang nhất Libération. Tờ L’Humanité cho biết : « G20 : họ sợ [sự phản đối] của nhân dân », trong khi đó La Croix đặt câu hỏi : « Làm thế nào để cho các công dân Châu Âu nói lên được tiếng nói của mình ? »

Les Echos cho biết, nhiều kịch bản chính trị đang được phác ra cho cuộc khủng hoảng này. Sáng hôm nay, các nước thành viên khu vực euro nhóm họp lại để bàn về trường hợp Hy Lạp, trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh chính thức.

Trước khi tiến hành trưng cầu dân ý, chính phủ Hy Lạp sẽ phải trải qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội nước này vào ngày mai. Theo Les Echos, nếu chính phủ bị bất tín nhiệm, sẽ phải tổ chức bầu cử trước kỳ hạn, dẫn tới việc xem xét lại các thỏa thuận với Châu Âu trong kế hoạch hỗ trợ. Mặc dù theo một số thăm dò sơ bộ có đến 60% người phản đối, nhưng không phải là không có khả năng là đa số cử tri Hy Lạp sẽ ủng hộ chương trình trợ giúp của Châu Âu được thông qua ngày 27/10. Còn trong trường hợp, nếu chương trình này bị cử tri Hy Lạp phản đối, các hệ quả là không lường trước được. Tuy nhiên, tình hình không hẳn đã rơi vào ngõ cụt, vì phe đối lập Hy Lạp nếu thắng cử, sẽ có thể mở các cuộc thương lượng mới với Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tờ Libération, với bài viết của thông tín viên từ Athens, ghi nhận tính toán của Thủ tướng Hy Lạp, dùng cuộc trưng cầu dân ý sắp tới để lấy lại uy tín. Một nghị sĩ Hy Lạp thuộc phe đối lập nhận xét, nếu vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và cuộc trưng cầu dân ý, đương kim thủ tướng Hy Lạp sẽ trở thành « người dẫn dắt cuộc chơi ». Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Libération, một giáo sư về địa chính trị học tại Sorbonne khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý, theo đề xuất của Thủ tướng Hy Lạp, chỉ là một hành động « trốn chạy thực tế ». Ông Georges Papandreou đã mất uy tín, do các mâu thuẫn trong chính sách do ông ban hành.

Lý giải về biến cố bất ngờ kể trên, Le Figaro có bài phác họa khá công phu về cuộc đời và tính cách của Thủ tướng Hy Lạp với hàng tựa « Papandreou, một thuyền trưởng không có sức hấp dẫn », để giải thích : vì sao nhà lãnh đạo Hy Lạp lại đưa ra một quyết định đột ngột, bị rất nhiều phản đối như vậy.

Cũng về khủng hoảng Hy Lạp và khu vực đồng euro, tờ La Croix, một mặt thì chia sẻ với các chỉ trích của Tổng thống Pháp đối với hành động « khiến toàn thể Châu Âu phải kinh ngạc », mặt khác, tờ báo cũng đặt vấn đề vai trò của dân chúng trong việc quản lý cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, và rộng hơn là trong việc xây dựng Châu Âu. Tờ báo dẫn lời của nhiều nhà chính trị Pháp thuộc các đảng phái khác nhau, nhằm đưa ra các đề xuất xây dựng Châu Âu vượt qua khủng hoảng.

Nga : Luật chống tham nhũng "tốt", nhưng không có người trong sạch thực hiện

Về quốc tế, hôm nay Les Echos chú ý đến hiện tượng đưa hối lộ tại nhiều quốc gia đang nổi lên. « Hối lộ : các doanh nghiệp xuất khẩu của các quốc gia đang nổi lên đứng đầu bảng xếp hạng của tổ chức Minh bạch Quốc tế Transparency ». Theo điều tra với 3.000 chủ doanh nghiệp thuộc 28 nước đang phát triển, Transparency cho biết Nga và Trung Quốc đứng đầu bảng xếp loại, tiếp theo đó là Mêhicô, Indonesia và Các tiểu vương quốc Ả Rập. Các doanh nghiệp Châu Âu ít đưa tiền hối lộ nhất. Trong sạch nhất được xếp hạng trong bảng này là Hà Lan và Thụy Sĩ. Điểm đặc biệt là Ấn Độ - quốc gia đang trỗi dậy – đã cải thiện thứ hạng đáng kể. Xây dựng là ngành bị nạn tham nhũng hoành hành nhiều nhất, tiếp theo đó, là các nghề dịch vụ công, bất động sản, các dịch vụ pháp lý và công nghiệp giải trí,…

Giám đốc chi nhánh của Transparency tại Nga, bà Elena Panfilova, ghi nhận : người Nga không những xuất khẩu tài nguyên của mình mà kể cả nạn tham nhũng hối lộ. Thực tế này, có thể coi là một thất bại đối với Tổng thống Medvdev, vốn cam kết kiên quyết chống lại hành động này. Ngày hôm qua, một lần nữa văn bản luật, yêu cầu các nghị sĩ, và vợ hoặc chồng phải kê khai tài sản, được đưa ra xem xét tại Hạ viện lần thứ ba. Tuy nhiên, người đại diện của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Nga nhận xét, nước Nga có luật rất tốt, chỉ có điều là thiếu người trong sạch thực hiện, vì thế luật chỉ nằm trên giấy. Tuy nhiên, bà cũng hy vọng, tầng lớp trung lưu sẽ ngày càng đông hơn, kiếm đủ sống và quan tâm đến đất nước. Thời gian cho một thay đổi như vậy, theo bà, phải tính khoảng 10 năm.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.