Vào nội dung chính
G20 - PHÁP

Thượng đỉnh G20 không đem lại bước tiến trong việc ổn định hệ thống tài chính

Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp làm lu mờ các mục tiêu G20 đã đề ra cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của nước Pháp. Theo quan điểm của giáo sư kinh tế Hoàng Ngọc Liêm, tại G20 lần này Đức là thành viên châu Âu duy nhất đến dự hội nghị trong thế của kẻ mạnh. Giáo sự Hoàng Ngọc Liêm là nghị viên châu Âu và cũng là một thành viên của Ủy ban kinh tế, và Tiền tệ tại Nghị viện châu Âu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) trước khi bước vào hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes ngày 03/11/2011.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) trước khi bước vào hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes ngày 03/11/2011. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

RFI: Xinh kính chào ông Hoàng Ngọc Liêm, thưa ông cách nay một năm, khi nhận chức chủ tịch luân phiên G20 từ tay Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Pháp đã nêu ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng để chấn chỉnh các hoạt động tài chính và kinh tế cho thế giới. Cụ thể là Pháp muốn cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế, cải tổ về quản lý ngân hàng, kiểm soát các hoạt động trên thị trường nguyên liệu và nhu yếu phẩm hòng tránh để xảy ra các vụ bạo loạn như hồi năm năm 2008. Nước Pháp có đạt được những mục tiêu đã đề ra ấy hay không ? Ông đánh giá thế nào về kết quả của một năm nước Pháp giữ chức chủ tịch luân phiên G20 ?

HNL: Kết quả một năm giữ chức chủ tịch luân phiên G20 của Pháp không lấy gì làm tốt lắm so với những mục tiêu đề ra ban đầu : các thị trường tài chính vẫn chưa được quản lý chặt chẽ để xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu ổn định hơn. Cụ thể là giới ngân hàng phải tuân thủ hiệp ước Bâle 3, theo đó các ngân hàng có hoạt động quốc tế phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Vấn đề đặt ra là Hoa Kỳ tới nay chưa chấp nhập thi hành luật chơi mới đó. Châu Âu mới bắt đầu hướng tới mục tiêu này nhưng một số ngân hàng của châu Âu đang vướng phải vấn đề nợ công Hy Lạp cho nên, việc áp dụng hiệp ước mới về quản lý ngân hàng chưa thể nhanh chóng được thực hiện...

Liên quan đến mục tiêu xóa bỏ các thiên đường thuế khóa, G20 đã đưa ra nhiều thông cáo, nhưng trên thực tế hồ sơ này vẫn dậm chân tại chỗ từ một năm nay. Đối với mục tiêu đòi đánh thuế các dịch vụ tài chính, hồ sơ này cũng không có một chút chuyển biến nào : Mỹ phản đối biện pháp này. Còn châu Âu thì tuyên bố chỉ áp dụng biện pháp này với điều kiện tất cả các thành viên G20 –chủ yếu là Mỹ - tuân thủ luật chơi quốc tế.

RFI: Trong lĩnh vực tiền tệ, tại G 20 lần này chắc hẳn là châu Âu sẽ dịu giọng hơn với Trung Quốc trong việc đòi Bắc Kinh tăng giá nhân dân tệ để giới hạn khoản thặng dư trong cán cân thương mại của Trung Quốc ?

HNL: Từ lâu nay Hoa Kỳ đọ sức với Trung Quốc trên mặt trận này. Washington luôn đòi Bắc Kinh tăng giá đơn vị tiền tệ để giảm bớt xuất siêu của Trung Quốc. Cũng cần biết Trung Quốc đang nắm trong tay 1/3 nợ công của nước Mỹ. Trung Quốc bắt buộc phải cột chặt giá đồng tiền quốc gia vào đô la. Vấn đề đặt ra là nếu như Trung Quốc tham gia vào Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu, Bắc Kinh lại càng không thể nào tính tới khả năng điều chỉnh tỷ giá đơn vị tiền tệ quốc gia. Theo tôi Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đùa với lửa qua việc mời Trung Quốc tham gia vào chương trình cứu nguy khối euro. Châu Âu sẽ mất đi một phương tiện để gây áp lực đòi Bắc Kinh xét lại chính sách thương mại. Trung Quốc lại càng không chú ý tới các tiêu chuẩn về xã hội hay môi trường trong dây chuyền sản xuất để xuất khẩu qua châu Âu.

RFI: Thưa ông, có thể nói khủng hoảng trong khối euro làm lu mờ các đề tài khác của thượng đỉnh G20 tổ chức tại Cannes dưới sự chủ tọa của Tổng thống Pháp – như là việc điều tiết thị trường nguyên liệu và nông phẩm, ưu tiên cho việc làm … ? Và liệu có nguy cơ là thượng đỉnh lần này chỉ tập trung vào những khó khăn của khối euro mà không đem lại được những tiến bộ nào trong việc ổn định kinh tế cho thế giới ?

HNL: Nước Pháp trong vai trò chủ tịch luân phiên G20 đã lợi dụng diễn đàn này để quảng bá rất nhiều cho hình ảnh của một quốc gia muốn giải quyết những vấn đề lớn của cộng đồng quốc tế. Thực tế cho thấy, trên những hồ sơ chính, nước Pháp đã không làm được gì trong một năm qua. Đối với hồ sơ Hy Lạp cũng vậy. Tổng thống Pháp phát biểu thường xuyên, nhưng thực ra ông Sarkozy hoàn toàn đi theo lập trường của Thủ tướng Đức, bà Merkel : Berlin dứt khoát không muốn hỗ trợ Hy Lạp, đồng thời áp đặt mô hình tài chính và kinh tế của Đức với toàn khối euro. Nghĩa là áp dụng chính sách khắc khổ tối đa. Trong khi đó, bản thân Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Hoa Kỳ cùng chủ trương phải có một chính sách kích thích kinh tế ở quy mô toàn cầu để vực dậy kinh tế thế giới, để tạo đà tăng trưởng trong bối cảnh u ám như hiện nay. Ngày nào mà cộng đồng quốc tế chưa tìm được đồng thuận về một đường lối kinh tế chung, nước Đức sẽ còn tiếp tục áp đặt luật chơi của mình với khối euro. Với hậu quả là đình đốn kinh tế lan rộng và nợ công ngày càng lớn dần.

Một số nhà phân tích cho rằng, thượng đỉnh G20 giờ đây đã quá xa vời với những mục tiêu ban đầu. Điểm nóng giờ đây là khủng hoảng nợ công của khối euro, và khủng hoảng đó buộc các nước thành viên phải áp dụng chính sắch cắt giảm chi tiêu. G20 ở Cannes lần này, phải chăng là một thượng đỉnh để các nước đang trỗi dậy, đứng đầu là Trung Quốc củng cố thêm vị thế của mình, trong bối cảnh châu Âu đang lao đao về vấn đề Hy Lạp, về nguy cơ khủng hoảng tài chính lan rộng …Còn bản thân nước Mỹ thì một năm trước bầu cử tổng thống đang phải lo giải quyết vấn đề cơm áo cho người dân ?

Hoa Kỳ vẫn giữ một vị trí hàng đầu trên sân khấu quốc tế và đặc biệt là các thế lực tài chính ở Mỹ chi phối các hoạt động chính trị của quốc gia này. Họ có tầm ảnh hưởng đối với cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Điều này giải thích vì sao Hoa Kỳ không mấy hưởng ứng các biện pháp nhằm thắt chặt quản lý của ngành ngân hàng. Tuy nhiên Mỹ ý thức được rằng khi guồng máy kinh tế bị chựng lại thì tất cả mọi người đều sẽ bị ảnh hưởng và chúng ta đừng quên rằng, Hoa Kỳ thực tiễn hơn châu Âu rất nhiều.

Theo tôi tương quan lực lượng tại G20 sẽ thay đổi theo hướng là nước Đức đang áp đặt quan điểm với các đối tác G20. Berlin chủ trương một chính sách kinh tế khắc khổ. Đây là điều trái ngược với quan điểm của Hoa Kỳ. Tôi nghĩ là bản thông cáo kết thúc thượng đỉnh G20 sẽ không đem lại điều gì mới mẻ. Các bên sẽ tuyên bố nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, nhưng lại đòi phải kiểm soát chặt chẽ ngân sách, cắt giảm chi tiêu … Mỹ sẽ tiếp tục làm ngơ trên hồ sơ thắt chặt quản lý ngân hàng, châu Âu vẫn coi chính sách cắt giảm chi tiêu là một ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó Trung Quốc càng củng cố vị trí của mình với cộng đồng quốc tế, khi biết rằng, Bắc Kinh đang là chủ nợ của Hoa Kỳ và trong tương lai là của cả khu vực euro. Bắc Kinh sẽ lợi dụng tình huống để nhanh chóng được công nhận quy chế của một nền kinh tế thị trường như Tổ chức Thương mại Thế giới đã quy định.

07:16

Ông Hoàng Ngọc Liêm

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.