Vào nội dung chính
BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP

Pháp : Các ứng viên huy động quần chúng cho 'thắng lợi cuối cùng'

Concorde- Vincennes, một cuộc đọ sức ngay giữa lòng thủ đô. Một rừng cờ xanh trắng đỏ và một biển người. Đó là hình ảnh được các báo đưa lên trang nhất để minh họa cho cuộc đọ sức giữa hai ứng cử viên François Hollande và Nicolas Sarkozy chiều ngày 15/04/2012 ngay tại Paris qua hai cuộc mít tinh.

Hai ứng viên François Hollande (T) và Nicolas Sarkozy tại cuộc mít tinh ở Paris ngày 15/04/2012.
Hai ứng viên François Hollande (T) và Nicolas Sarkozy tại cuộc mít tinh ở Paris ngày 15/04/2012. Reuters
Quảng cáo

La Croix đưa lên trang nhất song song hai tấm hình với nội dung như trên, một chụp từ khu rừng Vincennes và một từ quảng trường Concorde. Trước mặt hai ông Hollande và Sarkozy là một rừng cờ, là cây xanh và biển người.

Trong nhãn quan của báo Libération thiên tả, cuộc mít tinh của ông Sarkozy « không che dấu nổi sự bối rối của đảng đang cầm quyền » UMP. Tờ Le Figaro thiên hữu thì coi quảng trường Concorde và rừng Vincennes hôm qua là biểu tượng của « một bên là những người hướng về tương lai và bên kia là những kẻ bám víu vào quá khứ ». Đương nhiên người hướng về tương lai là ứng cử viên cánh hữu Nicolas Sarkozy.

Trong bài xã luận trên trang nhất mang tự đề « Hôm qua và Ngày mai » tờ báo đối chiếu hai quan điểm về một nước Pháp mà ở đó - theo Le Figaro- ứng cử viên của đảng Xã hội hoàn toàn « chối bỏ thực tế » như thể từ chiến thắng năm 1981 của tổng thống François Mitterrand tới nay đã không có gì thay đổi ; như thể nước Pháp không phải trực diện với sức cạnh tranh ngày càng lớn trên bình diện toàn cầu ; như thể nước Pháp không phải đối mặt với những khó khăn kinh tế và chính sách thắt lưng buộc bụng đang được áp dụng chung cho các nước châu Âu.

Ngược lại, vẫn theo Le Figaro,  chỉ có ứng cử viên Nicolas Sarkozy mới là người sáng suốt. Hơn ai hết ông biết rằng « tiến trình toàn cầu hóa đang làm thay tất cả và nước Pháp không thể khoanh tay ngồi nhìn những chuyển biến đó đi qua. Ưu điểm lớn nhất của Nicolas Sarkozy là ông đã không che giấu sự thật với cử tri ».

Như để biện minh cho những gì ông Sarkozy đã làm –hay đã không làm được - trong 5 năm ở cương vị tổng thống, Le Figaro viết : « nước Pháp đã thay đổi nhiều trong 5 năm qua và còn bắt buộc phải tiếp tục thay đổi » tờ báo kết luận : « người Pháp còn chưa đầy 1 tuần lễ để chọn lựa hoặc là đứng về phía người dám đối diện với thực tế hoặc là nghiêng về phía những người muốn quay lại với một thế giới không còn nữa ».

Báo Libération thiên tả đương nhiên có cái nhìn hoàn khác về hai ứng cử viên Hollande Sarkozy và không quên tấn công ông tổng thống -ứng cử viên. Bên cạnh hình ảnh ứng cử viên cánh hữu đang bắt tay dân chúng tại quảng trưởng Concorde ngày hôm qua là hàng tựa « Cuộc chiến cuối cùng ». Tờ báo nói về một « sự hoài nghi bắt đầu nhen nhúm trong hàng ngũ » của ông Sarkozy.

Trong bài xã luận, Libération không vòng vo : « Phép màu Sarkozy » của tháng 5/2007 không còn nữa, ngày càng có nhiều tiếng nói ngay trong đảng nêu lên khả năng đảng cầm quyền UMP thất cử.

Gió đã xoay chiều

Nhưng điều đáng nói hơn cả là về nội dung chương trình tranh cử thì ứng cử viên của đảng cầm quyền đã phải « nhượng bộ » François Hollande : trong nhiều tuần lễ, ông Sarkozy đã không ngớt lời chỉ trích đối thủ đáng gờm nhất của mình khi ông Hollande đòi hiệp ước ổn định châu Âu phải chú trọng đến vấn đề tăng trưởng kinh tế.

Thế nhưng khi cảm thấy gió đang xoay chiều, ngày hôm qua 15/04/2012 tại quảng trường Concorde ông Sarkozy đã tuyên bố một cách hùng hồn là nếu tái đắc cử ông sẽ làm tất cả để « Ngân hàng Trung ương châu Âu hỗ trợ tăng trưởng ». Libération không quên nhắc lại : tuyên bố trên của ứng cử viên Sarkozy hoàn toàn trái ngược với những gì mà ông tổng thống Sarkozy đã cam kết với thủ tướng Đức, bà Angela Merkel.

Tờ báo nêu thêm một vài thí dụ cụ thể khác cho thấy là ứng cử viên của đảng đang cầm quyền đang « nhặt lại » những đề nghị của ứng cử viên đảng Xã hội.

Nực cười hơn nữa là cũng ông Sarkozy từng coi những sáng kiến của ông François Hollande là « lỗi thời, hão huyền, thiếu thực tế », thì nay chính Nicolas Sarkozy lại gom tất cả những ý tưởng « thiếu thực tế » đó để đem ra thuyết phục dư luận, kêu gọi mọi người hãy « giúp đỡ » ông để ông được ngồi lại chiếc ghế tổng thống thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

Libération châm biếm : không ai bảo vệ chương trình tranh cử của ứng cử viên đảng Xã hội tốt hơn là ông Sarkozy. Chỉ tiếc cho đảng đang cầm quyền là « còn chưa đầy 1 tuần lễ trước cuộc bầu cử vòng 1, cánh hữu vẫn chưa biết họ muốn nhắn nhủ gì với cử tri ».

Về số lượng người tham dự mít tinh hôm qua đảng UMP và Xã hội cùng cho biết mỗi bên đã huy động được tới 100.000 người. Không ai có thể kiểm chứng được các con số nói trên. Chỉ biết là cả tờ Le Figaro lẫn Libération cùng dùng cụm từ « thổi phồng » khi nói về số người tham dự mít tinh ở Vincennes và Concorde được hai đảng Xã hội và UMP thông báo.

Những viên gạch đầu tiên của Kim Jong Un
 
Bên cạnh thời sự nước Pháp, các tờ báo Paris trong ngày có nhiều bài vở về châu Á. Le Figaro trở lại với ba sự kiện nổi bật trong khu vực : bài diễn văn trước công chúng đầu tiên của tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, chuyện dài nhiều tập trong sự thăng trầm của gia đình Bạc Hy Lai, người được mệnh danh là "Kennedy của Trung Quốc" và sự kiện Bắc Kinh vừa nới rộng biên độ tỷ giá hối đoái.
 
Nhật báo Le Figaro đăng ảnh Kim Jong Un vẫy tay chào dân chúng sau buổi diễn hành kỷ niệm sinh nhật 100 năm lãnh tụ Kim Nhật Thành và bình luận : « trong vỏn vẹn bốn tháng kể từ khi lên cầm quyền, Kim Jong Un đã được tấn phong tất cả các chức vị cao nhất Bắc Triều Tiên. Điều mà thân phụ của Kim Jong Un đã phải mất đến 20 năm mới đạt được ».

Le Monde trong bài viết mang tựa đề « Bắc Triều Tiên, một chế độ độc tài từng bước thay đổi » nêu lên câu 4 câu hỏi : Ai đang thực sự nắm quyền ở Bình Nhưỡng ? Kinh tế quốc gia khép kín nhất thế giới này ra sao ? Liệu Bắc Triều Tiên có nguy cơ bị mất ổn định về phương diện chính trị hay không và Trung Quốc có ảnh hưởng tới mức độ nào đối với Bắc Triều Tiên ?

Về câu hỏi thứ nhất có hai quan điểm trái ngược nhau. Tờ báo trích dẫn phân tích của hai chuyên gia Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên : một người cho rằng quyền lực được tập trung trong tay một người duy nhất là Kim Jong Un. Tuy còn rất trẻ nhưng tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên lại có cá tính mạnh và đầy tham vọng. Trong bốn tháng qua, ông đã kiểm soát toàn bộ cơ quan mật vụ và quân đội.

Một chuyên gia thứ nhì của Seoul thì lại cho rằng kể từ sau nạn đói năm 1995-1997, guồng máy lãnh đạo và chính trị của Bình Nhưỡng đang ở trong tay không chỉ một nhân vật mà là cả một tầng lớp cán bộ cao cấp. Đó là những thành phần « con ông cháu cha » nhưng đã biết tận dụng thế lực của gia đình để làm giàu và xây dựng cả một hệ thống « kinh tế chợ đen ».

Thành phần này vừa có tiền vừa có thế lực và lại có đầy đủ thông tin đến từ thế giới bên ngoài, cho nên họ trung thành với chế độ không chỉ vì lý tưởng mà trước hết là vì quyền lợi kinh tế.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là liệu chế độ Bình Nhưỡng có bị đe dọa hay không ? Theo đánh giá của Le Monde thì trước mắt, câu trả lời là không.

Chế độ độc tài Bắc Triều Tiên vẫn vững như bàn thạch bất chấp cái chết của lãnh tụ Kim Nhật Thành (năm 1994), bất chấp cuộc sống cơ cực và vô cùng thiếu thốn của 24 triệu người dân.

Trước mắt chưa có dấu hiệu nào cho thấy là một tầng lớp chống đối đã bắt đầu hình thành trên quê hương ông Kim Nhật Thành. Theo Le Monde đây là bảo đảm quý giá nhất cho sự ổn định chính trị của Bắc Triều Tiên.

Nhật Bản và thách thức năng lượng hạt nhân 

Cũng về Châu Á : tại Nhật Bản một cuộc tranh luận đang dấy lên chung quanh vấn đề cho các một số nhà máy điện hạt nhân được hoạt động trở lại.
 
Hơn một năm sau tại nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cuối tuần qua chính phủ Nhật vừa thông báo ý định cho phép hai lò phản ứng hoạt động trở lại sau nhiều tháng thanh tra. Thế nhưng theo Les Echos quyết định nói trên của Tokyo đang gặp phải một sự chống đối mãnh liệt từ phía dư luận và kể cả từ phía các chính quyền địa phương nơi có các cơ sở hạt nhân.

Cho dù chính quyền nhấn mạnh tới đe dọa thiếu hụt năng lượng, thế nhưng thị trưởng tại các thành phố như Kyoto, Osaka hay Kobe đều không đồng ý để cho các lò phản ứng hoạt động lại. Đơn giản là vì người dân còn bị tai nạn Fukushima ám ảnh và đang muốn Nhật Bản từng bước rút lui khỏi năng lượng hạt nhân.

Phiên xử Breivk, tên đồ tể Utoya

Trở lại với khu vực châu Âu, các tờ báo trong ngày không quên nhắc tới phiên xử Anders Behring Breivik mở ra hôm nay 16/04/2012 tại Oslo – Na Uy. Breivik là thủ phạm vụ thảm sát kinh hoàng hồi tháng 7/2011 làm 77 người thiệt mạng.

Libération phác họa lại chân dung hung thủ. La Croix thì nói tới một phiên tòa « đặt cả nước Na Uy trước một sự thử thách ». Tờ báo nhắc lại Breivik, 33 tuổi, nhận là tác giả vụ nổ tại thủ đô Oslo ngày 22/07/2011 làm 8 người chết và 80 phút sau đó anh đã tiến hành vụ thảm sát kinh hoàng trên đảo Utoya cách thủ đô Na Uy khoảng 40 km, sát hại thêm 69 người, phần lớn là thanh niên đến dự đại hội của đảng Lao động.

Đối với dân Na Uy, biến cố ngày 22/07/2011 được ví như thảm họa 11/09/2001 của Hoa Kỳ. Ngược dòng thời gian, lần cuối cùng mà người dân Na Uy bị tổn thương là vào năm 1940 khi quốc gia nhỏ bé này ở vùng bắc Âu bị Đức Quốc Xã chiếm đóng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.