Vào nội dung chính
PHÁP

Bầu cử Quốc hội Pháp : Cánh tả Pháp thắng lớn

Kết quả bầu cử Quốc hội Pháp là chủ đề chính trên các trang báo Pháp số ra hôm nay. Theo kết quả thẩm định sơ bộ, cánh tả Pháp đã thắng lớn khi chiếm tuyệt đại đa số ghế tại Quốc hội (314 trên tổng số 577 ghế). Các tờ báo đều phân tích về kết quả thắng cử của phe tả và thất bại của phe hữu.

Các ửng cử viên UMP Nadine Morano, Marine Le Pen, M. Alliot Marie, Claude Guéant và lãnh đạo cánh trung F. Bayrou đều thất cử (AFP)
Các ửng cử viên UMP Nadine Morano, Marine Le Pen, M. Alliot Marie, Claude Guéant và lãnh đạo cánh trung F. Bayrou đều thất cử (AFP)
Quảng cáo

Mặt khác, thất bại của nặng nề của phe trung (do ông François Bayrou lãnh đạo) và nhất là thất bại của bà Ségolène Royale, người bạn đời cũ của tổng thống Pháp François Hollande, và cũng là mẹ của bốn đứa con của ông cũng là đề tài được các tờ báo chú ý đến.

Ngoài ra, các tờ báo cũng đặc biệt lưu tâm đến sự quay trở lại của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia do bà Marine Le Pen lãnh đạo. Với số ghế ít ỏi (2 ghế), nhưng đảng Mặt trận Quốc gia cũng đã đánh dấu sự có mặt của mình tại Hạ viện sau nhiều năm vắng bóng. 

Thế nhưng, với việc « cánh tả rộng đường » - đây cũng là tít chính trên trang nhất tờ thiên tả Libération – đảng Xã hội và các liên minh của mình sẽ phải làm gì ? Đó là câu hỏi mà ông Nicolas Demorand, đã đặt ra trong bài xã luận « Siêu tuyệt đại đa số ». 

Theo tác giả nhận định, đảng Xã hội và các liên minh của họ đang chiếm tuyệt đại đa số trong Nghị viện là điều chưa bao giờ thấy. Họ nắm trong tay toàn bộ mọi quyền lực.

Vậy thì, họ sẽ làm gì với quyền lực này ? Đấy vẫn còn là điều bí ẩn. Bởi lẽ, trong vận động tranh cử tổng thống, có ít việc đã được hứa. Chính các cuộc khủng hoảng kinh tế và công nghiệp, mất tính cạnh tranh và thất nghiệp đại trà đã đẩy chính quyền trước đây phải đi ra cửa và khiến người dân Pháp phải đặt cược vào một vị tổng thống khác và vào các quan chức chính trị mới.

Trong nhiệm kỳ năm năm mới này, công bằng xã hội có thể là kim chỉ nam cho chương trình hành động của chính phủ, như các vấn đề về quyền đối với người lao động, bảo trợ xã hội hay tái thiết lại trường học… Tác giả cho rằng, nếu như họ xem đây như là một lộ trình cho nhiệm kỳ năm năm sắp đến, thì cũng đã đến lúc, thậm chí là rất khẩn thiết phải để cho người dân biết rõ. 

Hơn thế nữa, cho rằng cam kết cân đối lại nợ công trước các đối tác châu Âu là có thể thực hiện được, vẫn còn điểm mù mờ cần phải làm rõ : con đường, phương pháp và phương tiện để thực hiện. Cuối cùng, tác giả kết luận, đã đến lúc phải làm tan biến sự mù mờ này đi rồi. 

Đồng quan điểm với Libération, bài xã luận trên báo Le Figaro cũng cho rằng với thắng lợi của cánh tả trong bầu cử Quốc hội, tổng thống Hollande đã có đủ mọi quyền lực để trực diện với cuộc khủng hoảng chưa từng thấy đang đổ dồn lên nước Pháp và châu Âu. 

Khó có thể phản đối rằng kéo tăng trưởng quay trở là mục tiêu cần phải đạt theo như vị lãnh đạo chính phủ vẫn tuyên truyền

Vấn đề là cần phải xác định rõ phương tiện để đạt. Theo bài viết, dứt khoát cần phải khôi phục lại cân bằng chi tiêu công, giảm việc chi tiêu và sử dụng các công quỹ, giảm thuế cho doanh nghiệp, ngừng chỉ trích những ai làm giàu qua lao động và tiết kiệm, hồi phục lại mối quan hệ với Đức, hài hòa chính sách thuế, ngân sách và kinh tế của khu vực đồng euro.

Tác giả cho rằng đối mặt với khủng hoảng và thực trạng toàn cầu hóa không ngừng, cánh tả Pháp có lẽ nên thức thời vì các cánh tả tại châu Âu cũng đã thực hiện các biện pháp này từ lâu rồi. Bài viết kết luận : « Chương trình quá mênh mông ! ». 

Kết quả bầu cử Hy Lạp, châu Âu thở phào

Cũng tại châu Âu, bầu cử Quốc hội Hy Lạp cũng là một chủ đề thời sự nóng bỏng trên các báo Pháp. Việc đảng Dân chủ Mới – thuộc phe hữu, phe ủng hộ châu Âu thắng trong đợt bầu diễn ra ngày hôm qua khiến cho châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, việc thành lập chính phủ mới là điều nan giải. 

Châu Âu thở phào là nhận định của Le Figaro trong bài viết đề tựa « Hy Lạp : thắng lợi sít sao nhưng mang tính chât quyết định của phe ủng hộ châu Âu ». Với bài viết « Hy Lạp : hai đảng ủng hộ châu Âu kêu gọi thành lập một chính phủ liên minh », Les Echos cho rằng « người Hy Lạp đã lắng nghe thông điệp của châu Âu, đề nghị không nên để đất nước rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Trong khi đó, nhật báo Công giáo La Croix tỏ vẻ lo âu, cho rằng « Hy Lạp đi tìm một chính phủ mới » lại là một thách thức mới cho đất nước.

Còn đối với Libération, trong bài viết đề tựa « Tại hy Lạp : chiến thắng sít sao của ông Samaras », tờ báo nhận định ông Antonis Samaras, lãnh tụ đảng Dân chủ mới đã thắng cược, nhưng « một chiến thắng kỳ lạ ! ». Bởi vì, đảng của ông lại dẫn đầu kỳ bầu cử quốc hội, diễn ra ngày hôm qua.

Libération cho biết, dù bị công luận nghi ngờ về trí thông minh, nhưng ông Samaras vẫn đeo bám vào các đợt bầu cử trong một bối cảnh hết sức khó khăn. Theo đó, cả hai đảng Dân chủ Mới của ông Saramas và đảng Xã hội Pasok đã bị dân chúng phản đối kịch liệt vì đã điều hành tồi tệ đất nước từ hơn 30 năm nay.

Với lá bài châu Âu và tổ quốc đang lâm nguy, ông Samaras – lãnh đạo phe bảo thủ đã có thể thuyết phục được một số đông cử tri vẫn còn do dự, không nên đặt cược vào một nhân vật mà không ai biết rõ. Như vậy, ông cũng sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của châu Âu và Mỹ, tỏ ra một cách công khai không ưa thích gì việc Alexis Tsipras – lãnh đạo phe cực hữu lên cầm quyền .

Tuy nhiên, hiện tại, chưa có gì tỏ rõ rằng ông Samaras có thể sẽ thành lập được một nội các ổn định. Để làm được việc này, ông Samaras buộc phải tìm kiếm thêm nhiều chỗ dựa bổ sung và phải có được sự ủng hộ của 151 đại biểu.

Về việc này, báo Libération cho rằng bản thân của ông Samaras cũng là một trở ngại trong việc tìm kiếm một liên minh cầm quyền. Theo nhận xét của bạn bè ông, thì Samaras lại là một người đầy tham vọng. Ông không ngần ngại bắt tay với người này hay người kia để thăng tiến lên đến đỉnh cao quyền lực.

Ai cũng nhớ lại rằng vào những năm 1990, ông Samaras khi đó còn là Ngoại trưởng, ông đã chống đối kịch liệt để không cho nước cộng hòa Nam Tư cũ mang tên Macedonia. Ông đã từng bị ra khỏi đảng Dân chủ Mới để rồi 10 năm sau đó mới được quay trở lại.

Năm 2009, ông dùng thủ đoạn để hất bà Dora Bakoyannis, con gái ông Constantin Mitsotakis, lãnh đạo đảng Dân chủ Mới vào thời đó, để soán quyền lãnh đạo đảng. Xin nói rõ là bà Dora Bakoyannis lúc bấy giờ được xem như là người kế thừa để lãnh đạo đảng. và một năm sau đó, ông đã gạt bà Dora ra khỏi đảng chỉ vì bà bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch cứu trợ. 

Tờ báo cũng nhắc lại rằng chính ông Samaras đã chống đối kịch liệt lại kế hoạch chính phủ xã hội Georges Papandréou, lúc ấy đang thương lượng với Bruxelles. Ông Samaras đã từ chối mọi nhượng bộ với Thủ tướng đương thời, cũng là người bạn trọ cùng phòng với ông trong suốt thời gian đi học tại Mỹ. Bởi vì động cơ duy nhất của ông : tổ chức bầu cử. Và một khi đã được mục đích vào tháng 5 vừa qua, ông lại chuyển sang ủng hộ kế hoạch cứu trợ.

Nhưng kịch bản như mơ của ông vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn. Nếu như đảng Xã hội đã bị đè bẹp, thì một đối thủ khác lại xuất hiện : phe cực tả. Libération kết luận : giờ chỉ cần đợi biết xem bộ mặt mới nào của Samaras khi ông ta trở thành Thủ tướng trong điều kiện khó khăn này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.