Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH - PHÁP

Bộ trưởng Ngân sách từ chức, chính phủ Hollande thêm khó khăn

Vụ từ chức của Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jérôme Cahuzac hôm qua, 19/03/2013, xảy ra đúng vào lúc tổng thống François Hollande đang đối diện với nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội, và uy tín của chính phủ đang sụt giảm mạnh.

Ông Jérôme Cahuzac, bộ trưởng Ngân sách, Paris, 23/01/2013.
Ông Jérôme Cahuzac, bộ trưởng Ngân sách, Paris, 23/01/2013. REUTERS/Charles Platiau
Quảng cáo

Ông Cahuzac bị tình nghi sở hữu một tài khoản ở Thụy Sĩ và hôm qua, Viện Công tố Paris vừa loan báo mở điều tra về tội rửa tiền trốn thuế. Mặc dù bộ trưởng Ngân sách đã một lần nữa tuyên bố là mình vô tội, nhưng tổng thống Hollande đã buộc ông Cahuzac từ chức, vì những cáo buộc nói trên làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của một chính phủ « gương mẫu » mà tổng thống Pháp vẫn đề cao. Hơn nữa, trong thời gian vận động tranh cử, tổng thống Hollande đã cam kết là trong chính phủ của ông sẽ không có người nào bị xét xử và tuyên án. Về pháp lý, ông Cahuzac vẫn chưa bị truy tố và coi như vẫn vô tội, nhưng ông Hollande buộc phải chia tay vị bộ trưởng này ngay lập tức, vì không thể để vụ này ảnh hưởng đến hoạt động của chính phủ. Bản thân bộ trưởng Ngân sách từ nhiệm cũng đã xem việc chống trốn thuế là một trong những ưu tiên của ông, cho nên ông Cahuzac lại càng khó mà ở lại chức vụ này.

Việc ông Cahuzac từ chức là một vố đau đối với tổng thống Hollande, vì vị bộ trưởng này vẫn được xem là một trong những trụ cột của chính phủ, được mọi người, kể cả bên phía đối lập, đánh giá cao về năng lực. Vụ từ chức này xảy ra đúng vào lúc mà chính phủ Pháp đang chuẩn bị cho dự toán ngân sách cho năm tới. Người lên thay thế ông Cahuzac, Bernard Cazeneuve không phải là một chuyên gia về các vấn đề ngân sách, nhưng sẽ đảm nhận trọng trách là trong những tháng tới phải tìm ra các khoản tiết kiệm trong ngân sách để đạt các mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Sau khi thay đổi một vài nhân sự sau vụ từ chức của ông Cahuzac, chính phủ đảng Xã hội trong chiều nay sẽ trải qua một thử thách ở Quốc hội, với việc đảng đối lập cánh hữu UMP đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm.

Dĩ nhiên là sẽ không có chuyện chính phủ bị đổ, vì tại Quốc hội, chỉ riêng Đảng Xã hội đã chiếm đa số tuyệt đối, kiến nghị bất tín nhiệm chắc chắn sẽ bị bác. Nhưng đây sẽ là dịp để chủ tịch đảng UMP Jean-François Copé dùng nghị trường để chỉ trích chính sách kinh tế và xã hội của chính phủ Xã hội. Đối với ông Copé, tổng thống Hollande đã thất bại trong đủ mọi lĩnh vực : thất nghiệp, tăng trưởng, thâm hụt ngân sách, châu Âu, thuế khóa...

Nhưng dù không có kiến nghị bất tín nhiệm của cánh hữu, thì bản thân chính phủ của tổng thống Hollande cũng đang bị mất uy tín nặng nề, sau chưa tới một năm cầm quyền. Thật ra, dân chúng bất mãn một phần cũng là do viễn cảnh kinh tế và xã hội của nước Pháp rất u ám, với tăng trưởng kinh tế 2013 được dự báo chỉ là 0,1% và thất nghiệp, hiện đã là 10,5%, sẽ còn tăng thêm nữa trong năm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.