Vào nội dung chính
CÚP BÓNG ĐÁ THẾ GIỚI 2014

Đội Pháp "vĩnh biệt Rio"

Pháp bị loại khỏi Cúp bóng đá Thế giới. Tour de France 2014, cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp mở màn. Giới nghệ sĩ đình công, hủy đêm khai mạc liên hoan nghệ thuật sân khấu Avignon. Phần trang thời sự quốc tế của các báo ngày cuối tuần bị thu hẹp lại để nhường chỗ cho các mục thể thao và văn hóa.

Benzema sau thất bại ở trận tứ kết ngày 04/07/2014 - Reuters
Benzema sau thất bại ở trận tứ kết ngày 04/07/2014 - Reuters
Quảng cáo

Le Figaro đưa lên trang nhất ảnh tiền đạo Karim Benzema, tiếc nuối nhìn sân cỏ Maracana bên cạnh hàng tựa : « Đức làm tiêu tan hy vọng của đội tuyển Pháp ». Libération ca ngợi chiến thuật « hiệu quả » của đội tuyển Đức và nói tới « Một mùa bóng không thất bại » đối với những cầu thủ áo Lam ở Brazil, nhưng « đường đến đỉnh cao còn xa vời ». Dù vậy tờ báo cay đắng – hay hối tiếc, thốt lên lời chào « Vĩnh biệt Rio ». Pháp đành phải thua cuộc.

Le Parisien khắt khe hơn với đội tuyển của huấn luyện viên Didier Deschamps : « Không có phép lạ». Tờ báo trở lại với thực tế phũ phàng trong trận tứ kết tối hôm qua : tỷ số 1-0 chứng minh một nước « Đức cực kỳ thực tiễn, Pháp bất lực ». Dù vậy trong bài nhà báo Stéphane Albouy cũng cố gắng hướng về tương lai khi mong rằng « thất bại của hôm qua là bài học cho tương lai, để đội tuyển Pháp cố gắng đi vào lịch sử trong Cuộc tranh hùng giải Vô địch châu Âu 2016 ! ». Nhật báo thể thao l’Equipe cho rằng những thành tựu manh nha lóe lên từ Brazil tạo đà cho bóng đá Pháp trong hai năm tới, với giải Euro 2016 » tổ chức trên sân nhà.

Dù thất vọng vì Pháp bị loại khỏi Cúp bóng đá Thế giới nhưng làng báo Paris không quên nhắc tới thành tích của đối thủ : tờ Le Monde, ấn bản được cập nhật trên mạng nhấn mạnh đến vai trò « then chốt » của thủ môn Đức, Manuel Neuer. Tối hôm qua, « Neuer là kẻ đã chôn vùi niềm hy vọng của đội Pháp » khi gạt bóng của Benzema khỏi khung thành ở những phút cuối trận tứ kết.

Nguyệt san bóng đá SoFoot ấn bảng trên mạng thì nhấn mạnh đến công lao của Julian Hummels. Hummels đã chặn những đường bóng quyết định của các tiền đạo Pháp (…) vì anh ta mà các chú lính áo Lam của Deschamps hoàn toàn bất lực trên sân cỏ Maracana, ở Rio. Nhưng có lẽ điều khiến SoFoot thất vọng nhất là trong trận giao tranh hôm qua, đội Pháp đã bỏ lỡ cơ hội phục thù sau hai lần thất bại ê chề thua Đức trong các đợt tranh hùng trên sân cỏ năm 1982 và 1986.

Pháp thua Đức không chỉ trên sân cỏ

Xã luận của Le Monde không chút nghi ngờ về thế thượng phong của Đức so với Pháp qua nhận định : Pháp Đức không chỉ đọ sức với nhau trên sân cỏ.

Trong địa hạt kinh tế, hai nước đồng minh này còn là những đối thủ của nhau. Bàn thắng nghiêng về phía Berlin khi nhìn đến các chỉ số từ tăng trưởng, đến thất nghiệp, hay thương mại.

Gần đây, chính phủ của bà Merkel lại ghi thêm một điểm son khi thông báo dự án ngân sách 2015 của Đức lần đầu tiên từ năm 1969 sẽ « cân bằng ». Trong lúc đó tổng thống Hollande, trong trường hợp khả quan nhất, mới chỉ dám hy vọng Paris duy trì thâm hụt ngân sách nhà nước ở dưới ngưỡng 3 % GDP theo như quy định của khối euro. Tuy nhiên Le Monde nhìn nhận mô hình kinh tế Đức cũng có những giới hạn của nó.

Liên minh « kỳ khôi » giúp Irak

Về thời sự quốc tế, hồ sơ lớn của Le Monde dành để nói về một « liên minh kỳ khôi » : Nga, Mỹ và Iran cùng bảo vệ Irak trước đà tiến của lực lượng võ trang thánh chiến djihat. Tác giả giải thích : trên hồ sơ Syria thì một bên là Washington bên kia là Matxcơva và Teheran đang đọ sức với nhau. Thế nhưng cả ba quốc gia này lại cùng yểm trợ chính quyền Bagdad trước đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang hoành hành ở Irak và một vùng ở Syria.

Hoa Kỳ tới nay đã gửi ba trăm cố vấn quân sự tới Bagdad. Máy bay không người lái của Mỹ có trang bị tên lửa đang bay lượn trên bầu trời Irak. Cuối tháng 6/2014 chiến đấu cơ Sukhoi và trực thăng của Nga được trao cho Irak. Các chuyên gia của Nga cũng đã có mặt tại hiện trường để huấn luyện cho không quân của Irak.

Theo nhiều nguồn tin quân sự từ Washington được nhật báo New York Times trích dẫn, bên cạnh máy bay không người lái của Mỹ, còn có cả máy bay không người lái của Iran cũng đã nhập cuộc. Thêm vào đó, mỗi ngày, Iran chuyển hàng chục tấn trang thiết bị quân sự sang Irak.

Theo phân tích của Le Monde xung đột tại Irak đang tạo cơ hội cho Iran mở rộng tầm ảnh hưởng với chính quyền Bagdad và nhất là tạo cơ hội cho nước Nga tăng cường hiện diện tại Irak. Dù sao đi chăng nữa, việc Iran và Nga can thiệp vào tại Irak đang khiến Hoa Kỳ khó chịu. Hỗ trợ của cả Teheran lẫn Matxcơva, làm giảm bớt áp lực của Hoa Kỳ đối với thủ tướng Irak, Nouri al Maliki. Bagdad sẽ không vội cải tổ chính trị, chia sẻ quyền lực với phe Hồi giáo thuộc hệ phái Su-ni.

Trung Quốc : « Toàn quyền » chống tham nhũng

Chiến dịch bài trừ tham nhũng của ông Tập Cận Bình đang tăng tốc. Bắc Kinh chuẩn bị cải tổ luật chống hối lộ. Các quan chức Trung Quốc sống trong sợ hãi. Số nguời bị trừng phạt vì tội tham nhũng trong 5 tháng vừa qua tăng 34,7 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Gần 63 ngàn vụ án vì tham ô diễn ra trong 5 tháng đầu 2014. Đó là những con số khiến nhiều vị « « tai to mặt lớn » ở Bắc Kinh « lạnh sương sống » . Đó là nội dung chính của bài báo trên Le Monde mang tựa đề « Toàn quyền chống tham ô ».

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang để cho Ủy ban thanh tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản được « rộng đường hành động », điều tra về các giới chức lãnh đạo, các đảng viên. Ủy ban này do ông Vương Kỳ Sơn, một người thân cận với ông Tập đứng đầu.

Không khí ở Bắc Kinh ngột ngạt đến nỗi, một số quan chức Trung Quốc không dám nhận quà, dù đó chỉ là hộp bánh trung thu. Một doanh nhân châu Âu than phiền không còn ai dám nhận lời mời đi ăn cơm tối chỉ vì sợ bị ghép vào tội « nhận hối lộ ». Hoạt động tại các nhà hàng, tiệm cà phê hạng sang, hay các cửa hiệu chuyên bán xa xỉ phẩm ở Bắc Kinh, Thượng Hải bắt đầu bị chựng lại.

Trung Quốc lâu nay vẫn là một quốc gia bị tham nhũng làm lũng đoạn và cũng đã có rất nhiều nhà đấu tranh Trung Quốc lên tiếng tố cáo các hành vi tham ô của các giới chức cầm quyền. Nhiều người trong số đó đã phải trả giá đắt như bị bắt giam hay bị công an theo dõi. Đối với người dân xứ này, nhẽ ra chiến dịch bài trừ tham nhũng do ông Tập Cận Bình đề xướng phải là một tin vui.

Vấn đề đặt ra là không ai biết các cuộc thanh trừng đó diễn ra trong hoàn cảnh nào. Ai là đối tượng của Ủy ban thanh tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ? Theo lời một luật gia được Le Monde trích dẫn, « nhân viên của ủy ban nói trên tự cho họ quyền đứng trên luật pháp ».

Chỉ cần một lời vu khống, một lá thư nặc danh cũng đủ để Ủy ban thanh tra kỷ luật trung ương bắt người bị tố cáo mà không cần có bằng chứng. Nhiều người cho rằng, Bắc Kinh chỉ viện cớ « bài trừ tham nhũng » để nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc thanh trừng lẫn nhau. Như để minh họa cho điều này, báo Le Monde đơn cử một trường hợp mà nạn nhân đã mất tích, rồi bị bắt giam và sau cùng đã chết đuối mà không hề có bằng chứng về hành vi tham ô của kẻ xấu số.

Huyền thoại Biarritz

Bước sang mùa hè, các tạp chí như Le Nouvel Observateur hay L'Express đều có những bài báo thú vị về một địa điểm du lịch, hay những quyển sách hay đáng để bạn mang theo trong những ngày nghỉ hè. L'Express tuần này đưa chân độc giả đến Biarritz một thành phố biển ở miền tây nam nước Pháp. Hoàng hậu Eugénie, vợ của hoàng đế Napoléon III xưa kia đã biến một ngôi làng chài thành một trong những bãi biển đẹp nhất châu Âu.

Sinh thời, từ quốc vương Eduard VII đến nữ hoàng Áo Sissi, từ nhà soạn nhạc người Nga, Iogr Stravinsky đến ngôi sao điện ảnh Hollywood, Rita Hayworth đều đã bị những bãi cát dài của Biarritz làm mê hoặc.

L'Express ngược dòng thời gian mở lại những trang sử sáng chói của ngôi làng chài. Văn hào Victor Hugo năm 1843 khi dừng chân từng tại đây từng thốt lên rằng, ông chỉ sợ phong cảnh hoang sơ rồi sẽ bị bạc tiền làm biến dạng.

Lời tiên tri của Hugo chẳng bao lâu đã thành hiện thực. Khi mà Eugénie de Montijo với nhan sắc mặn mà lọt vào mắt xanh của hoàng tử Louis Napoléon Bonaparte, hoàng đế Napoléon III tương lai.

Để tránh không khí ngột ngạt của hoàng cung, hoàng hậu Eugénie thường xuyên về tham gia đình ở Biarritz và bà đã bắt đầu tạo cho ngôi làng nhỏ bé này một bộ mặt mới. Biarritz bỏ lại cái vẻ mộc mạc, hoang sơ để trở thành một trong những bờ biển được giới quý phái, các vì vua chúa của triều đình ưa chuộng nhất.

Khi triều đại Napoléon sụp đổ, Eugénie không bao giờ trở lại thành phố này nữa. Nhưng rồi Biarritz đã gặp may, khi được hoàng tộc Anh chú ý đến vì đây là nơi tĩnh dưỡng lý tưởng. Sóng lớn của thành phố biển này có phép lạ chữa nhiều bệnh, không khí trong lành, ấm áp của miền nam nước Pháp đã tiếp tục đưa chân những du khách hạng sang thời đó về Biarritz.

Cũng đã có không ít các vì vua chúa tìm đến với thành phố biển này để băng bó những vết thương nội tâm. Trong số đó phải kể đến nữ hoàng Áo, Sissi. Bà đã đến đây tĩnh dưỡng sau khi người con trai bà hoàng tử Rodolphe tự sát tại Mayerling năm 1889.

Từ hơn 20 năm qua, Biaritz là điểm hẹn của nhiều nhà tỷ phú người Nga. Riêng một trong những đại gia giầu có nhất thế giới là nhà tỷ phú người Mêhicô, Carlos Sim cũng đã chọn Biarritz là nhà.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.