Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Nato vẫn chọn chiến lược lâu dài tại Afghanistan

Đăng ngày:

Ngày 16/12, tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược mới tại Afghanistan. Theo giới phân tích thì kế hoạch được gữ kín đến giờ chót thật ra là tiếp nối của quyết định vào tháng 12 năm 2009: tăng cường quân tham chiến và vũ khí, bảo vệ an ninh cho những khu vực đông dân cư, đào luyện quân đội chính phủ nâng cao khả năng tác chiến. Cho dù tồn thất nặng nề trong năm 2010, Nato vẫn tiếp tục chiến lược lâu dài tại Afghanistan

Trực thăng chở bộ trưởng Quốc phòng Zu Guttenberg đến vùng Kunduz, Aghanistan ngày 13/12/2010.
Trực thăng chở bộ trưởng Quốc phòng Zu Guttenberg đến vùng Kunduz, Aghanistan ngày 13/12/2010. REUTERS
Quảng cáo

Trong suốt 12 tháng qua, chiến lược năng động này với 7000 cuộc đột kích đã gây thiệt hại nặng cho taliban với hơn 2000 chiến binh bị tử thương và 4000 bị bắt, theo số liệu của lực lượng quốc tế ISAF. Ngoài lãnh thổ Afghanistan, CIA cũng gia tăng các vụ oanh kích bằng máy bay không người lái, vào vùng biên giới của Pakistan. Số chiến binh hồi giáo bị tiêu diệt tăng gấp đôi từ 405 trong năm 2009 lên 809 trong năm nay.

Nhưng  đồng thời, Nato cũng phải trả giá đắt. Năm 2010 là năm đẫm máu nhất đối với Hoa Kỳ và Nato với 693 quân nhân tử thương tính đến ngày 15/12. Cuộc chiến càng ngày ít được công luận Tây phương hậu thuẫn. Theo kết quả thăm dò ý kiến do đài truyền hình Mỹ ABC công bố hôm 15/12, thì tỷ lệ người Mỹ ủng hộ chính sách can thiệp tại Afghanistan từ tháng 7 đến nay đã giảm đến 9 điểm, từ 43% xuống còn 34%. Trong khi đó quan điểm đòi rút quân lên đến 60%.

Trong bối cảnh này, người ta chờ đợi tổng thống Hoa Kỳ sẽ tuyên bố cụ thể như thế nào về chiến lược mới.
Ngày 19 tháng 11 vừa qua tại Lisboa, thủ đô Bồ Đào Nha, hội nghị thượng đỉnh Nato đã công bố một « chiến lược Afghanistan hóa » với thời điểm 2014 sẽ hoàn tất kế hoạch « trao nhiệm vụ tác chiến, bảo vệ an ninh cho quân đội chính phủ ». Bốn ngày sau, báo Le Monde, nhật báo có uy tín nhất nhì tại Pháp khẳng định phương án «chuyển tiếp» này được Tây phương trình bày như là một «kế hoạch triệt thoái» để cho phù hợp với đòi hỏi của «công luận chống chiến tranh ».

Nói cách khác, trên thực tế Nato vẫn tiếp tục bố trí quân tại Afghanistan sau năm 2014. Từ năm tới 2011, các đơn vị Tây phương chỉ từng bước trao nhiệm vụ bảo vệ an ninh ở « cấp quận » cho quân đội Afghanistan, để lui về vị thế yểm trợ « theo một kế hoạch có điều kiện không phải là một cuộc triệt thoái của Isaf ». Và lệnh này có giá trị cho mọi đơn vị tham chiến tại Afghanistan từ Hoa Kỳ cho đến các nước Tây phương khác, kể cả Pháp.
Hai thông tin được ghi nhận xác định chiều hướng này.

Tại Thụy Điển, quốc hội bỏ phiếu triển hạn nhiệm vụ của đạo quân hoàng gia 850 binh sĩ đến hết năm 2011.
Tại Pháp, tân bộ trưởng quốc phòng Alain Juppé, đi thăm một trung đoàn cơ động đang tập huấn bên bờ Địa Trung Hải trước khi đơn vị đặc nhiệm tác chiến miền núi cùng với chiến xa thế hệ mới thích nghi với địa hình Afghanistan lên đường. Bộ trưởng Alain Juppé tuyên bố với các quân nhân Pháp là « nhiệm vụ của Nato là hỗ trợ lâu dài cho Afghanistan. Đây là một chiến lược dài hơi, vượt khỏi chân trời 2014 ».

Chỉ riêng trong phạm vi trách nhiệm hạn hẹp của đoàn quân 3750 sĩ quan và binh sĩ Pháp, ngoài các cuộc hành quân, lực lượng này đã thực hiện 200 dự án phát triển dân sự, khai mở một trường đào tạo hạ sĩ quan và vào đầu năm tới sẽ khai giảng trường thiết giáp, trong nỗ lực lâu dài. Từ khi gửi quân sang đánh Taliban, thủ đô các nước Tây phương giải thích là vì lý do an ninh cho chính mình, Tây phương không thể để cho Afghanistan rơi vào tay khủng bố.

Trên bản đồ, thì rõ ràng nếu bên nào kiểm soát được Afghanistan thì khống chế cả vùng chiến lược Trung Á. Afghanistan là quốc gia có chung biên giới với nhiều nước giàu tài nguyên trong khu vực và cũng là quốc gia duy nhất có biên giới chung với Trung Quốc đón tiếp một đoàn quân viễn chinh hùng hậu của Tây phương.

Để tìm hiểu thêm về những nỗ lực thuộc loại « dài hơi » của Nato, RFI đặt câu hỏi với một chuyên gia kinh tế

12:32

Chuyên gia Đinh Xuân Quân-Kaboul

hai lần hoạt động tại Kaboul. Nhiệm kỳ thứ nhất là cố vấn cho phó tổng thống Afghanistan trong chính phủ trước. Nhiệm kỳ thứ hai hiện nay, là cố vấn cho bộ kinh tế. Từ Kaboul, chuyên gia Đinh Xuân Quân phân tích cho thấy tại sao « không có chuyện bỏ rơi Afghanistan ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.