Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Đức dứt khoát không can thiệp vào Libya

Đăng ngày:

Ngay sau khi nghị quyết 1973 được thông qua tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, quyết định can thiệp quân sự vào Libya đã được toàn thể Liên Hiệp Châu Âu tán đồng. Trên thực tế thì thành viên Cộng Hòa Liên Bang Đức đã chọn lập trường khác biệt. Trong khi Nga và Trung Quốc không sử dụng quyền phủ quyết thì lá phiếu trắng của Đức đã gây ngạc nhiên và đặt nền ngoại giao của Berlin vào vị thế khác thường tại châu Âu, trong bối cảnh cường quốc kinh tế số 4 thế giới muốn được chiếc ghế thường trực trong Hội Đồng Bảo An.

Thủ tướng Đức trả lời báo chí về Libya, Ảnh tại cuộc họp ở Bruxelles ngày 24/03/2011
Thủ tướng Đức trả lời báo chí về Libya, Ảnh tại cuộc họp ở Bruxelles ngày 24/03/2011 Reuters
Quảng cáo

Từ một tuần nay, chính phủ Đức đã liên tục có những động thái được xem là thiếu tinh thần đoàn kết và không tương xứng với vị thế của đại cường kinh tế số 1 tại châu Âu mang cao vọng đóng vai trò trách nhiệm trên thế giới. Cao vọng chính đáng của Berlin muốn làm thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được Pháp ủng hộ. Chế độ Quốc xã đã cáo chung từ hơn 60 năm, nước Đức đã thống nhất từ hơn 20 năm, đầu tàu kinh tế châu Âu không thể tiếp tục đóng mãi vai trò ngoại giao mờ nhạt.

Thế nhưng , nước Đức của bà Angela Merkel đã bị báo chí châu Âu chỉ trích là chưa chứng minh được là đã sẵn sàng tham gia vào công việc quốc tế. Nhiều bài xã luận trên báo Đức phê phán chính phủ « hèn nhát ». Báo Pháp cho là Berlin muốn « ngồi mát mà ăn bát vàng ».

Ngày 17/3/2011, Đức bỏ phiếu trắng, từ chối hậu thuẩn nghị quyết của Liên Hiệp Quốc sử dụng vũ lực bảo vệ thường dân Libya trước sức mạnh quân sự và quyết tâm đàn áp của nhà độc tài Kadhafi.

Tiếp theo đó, Thủ tướng Đức lên tiếng khen ngợi Tripoli « có cử chỉ đáng khích lệ » khi ông Kadhafi tuyên bố « ngưng bắn » vào lúc chiến sự vẫn tiếp diễn tại cửa ngõ Benghazi, Misrata và nhiều nơi khác.

Trong khi các nước đồng minh, Mỹ, Anh, Pháp oanh kích quân đội Libya thì Berlin thông báo rút lực lượng hải quân ra khỏi quyền chỉ huy của Nato trong vùng Địa Trung hải , không tham gia vào chiến dịch cấm vận trên biển.

Tuy nhiên, trước những lời công kích mạnh mẽ trong và ngoài nước, ngày hôm qua Thủ tướng Đức đề nghị tăng cường phi vụ quan sát yểm trợ cho Liên Minh Bắc Đại dương Nato tại chiến trường Afghanistan để gián tiếp chia sẽ phần nào gánh nặng của đồng minh đang phải bố trí lực lượng tại chiến trường Libya. Theo AFP,quyết định gởi thêm 300 quân Đức sang Afghanistan chắc chắn sẽ được quốc hội liên bang chấp thuận vào ngày thứ sáu.

Tại sao gởi quân sang Afghanistan thì được mà tiếp tay với đồng minh tại Libya thì không ?

Theo giới phân tích thì do quá khứ xâm lược hồi đệ nhị thế chiến , từ cuộc cải cách năm 1995, quân đội Đức do Quốc hội điều động chứ không do thủ tướng hay chính phủ. Khi can thiệp vào Kosovo trước đây hay Afghanistan hiện nay, chính phủ gặp nhiều chống đối.

Nhưng Libya là một « bóng ma » ám ảnh nước Đức vì nói đến Libya là nhắc đến trận đọ sức giữa quân đoàn viễn chinh của thiên tài quân sự Romel với quân đoàn 8 của Anh Quốc mà kết quả là tướng Romel phải thua trận. Kế đến là không biết chiến dịch « phong tỏa không phận » đầy bất trắc kéo dài đến bao giờ.

Ngoài lý do trên, còn có nhiều nguyên nhân chính trị đối nội làm cho Thủ tướng Merkel, trên sân khấu chính trị quốc tế, không những đánh mất cơ hội khẳng định được tinh thần liên đới của nước Đức mà còn không biết chọn lựa theo phe độc tài hay dân chủ.

Mời quý thính giả theo dõi phân tích của Tiến sĩ Âu Dương Thệ, chuyên gia chính trị kinh tế ở Dormunt, Đức Quốc.

11:42

Tiến sĩ Âu Dương Thệ tại Đức

Dư luận Đức đối với các phong trào đòi dân chủ bằng phương pháp bất bạo động ở Trung Đông và thái độ của chính phủ Đức tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khi bỏ phiếu quyết định về Lybia

Những cuộc biểu tình tay không rất trật tự nhưng cương quyết của hàng triệu người trẻ ở Tunesia và Ai cập đòi quyền sống, dân chủ và tự do đã làm dư luận thế giới, nhất là ở các nước dân chủ, từ ngạc nhiên đã mau chóng chuyển sang ngưỡng mộ, khâm phục và ủng hộ nhiệt tình. Tâm trạng này cũng được tuyệt đại đa số dư luận ở Đức ủng hộ, từ nhân dân, chính quyền, các chính đảng tới báo chí. Chính vì thế, chỉ ít ngày sau cuộc Cách mạng Hoa nhài thành công ở Tunesia và Ai cập thì ngoại trưởng Đức ông Westerwelle đã đi thăm hai nước này và không tiếc lời ca ngợi sự dấn thân cho dân chủ tự do của thanh niên hai nước.

Nhưng đùng một cái tại cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào thứ năm tuần trước, mà Đức vừa mới được bầu làm đại diện không thường trực lại đã bỏ phiếu trắng trong Quyết định mang số 1973 cho phép Liên Hiệp Quốc được dùng các biện pháp trong đó cả quân sự để ngăn chặn nhà độc tài Kadhafi đang dùng quân đội và lính đánh thuê đàn áp và giết hại nhân dân Libya đứng lên đòi tự do dân chủ. Việc này không chỉ gây bất bình ở Đức mà cả trên thế giới.

Chính phủ của bà Thủ tướng Merkel đã viện những lý do gì ?

Trong một số dịp ngoại trưởng Đức Westerwelle đã viện dẫn lý do khiến Đức quyết định bỏ phiếu trắng tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc , vì Đức không muốn dùng giải pháp võ lực ở Trung Đông kể cả ở Libyia. Ông giải thích thêm, nên dùng các biện pháp như phong tỏa kinh tế, tài chánh và ngoại giao cũng có thể khiến nhà độc tài Gaddafi phải xét lại.

Người ta có thể hiểu một phần quan điểm này, vì theo Hiến pháp của Đức thì quân đội Đức đặt dưới sự chỉ huy của Quốc hội liên bang Đức, chứ không phải dưới quyền trực tiếp của Thủ tướng Merkel, hay ở Pháp Tổng Thống Pháp kiêm Tổng tư lệnh quân đội. Vì thế mỗi khi muốn điều động các đơn vị quân đội Đức đi tham chiến ở nước ngoài thì phải được Quốc hội đồng ý, tức là phải qua nhiều bước và thủ tục rất rườm rà, phức tạp. Ngoài ra do kinh nghiệm rất xấu dưới thời Hitler, nên vai trò quân đội ở Đức cũng không được nhiều giới ở Đức ưa thích.

Tuy nhiên những giới am hiểu tình hình nội bộ và ngoại giao của Đức thì thấy sự giải thích của ngoại trưởng Westerwelle chỉ mới là một phần nổi mà thôi.

Ngoài các lý do kỷ thuật nói trên, phải chăng bà Merkel còn bị nhiều khó khăn nội bộ mà một nhà lãnh đạo không thể công khai nêu lên để lý giải cho thái độ do dự của mình trước một vấn đề quốc tế nghiêm trọng là can thiệp vào Libya ?Vậy các lý do chìm và khó nói trong việc này như thế nào ?

Lí do quan trọng nhất nhưng khó nói ra trong dịp này chính là lí do nội bộ của các đảng trong chính phủ liên hiệp hiện nay ở Đức, trong đó gồm đảng Tự do và Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo với hai chính đảng là Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo và Đảng Xã Hội Thiên Chúa giáo ở tiểu bang Bayern. Chính phủ liên hiệp của ba đảng này tuy đã cầm quyền được hơn một năm nay nhưng đang mất cảm tình rất lớn trong cử tri và dư luận ở đức. Chẳng hạn đảng Tự do mà ngoại trưởng Westerwelle làm Chủ tịch đảng hiện chỉ còn khoảng 4-5% cử tri ủng hộ trong các cuộc thăm dò mới nhất. Theo luật bầu cử ở Đức thì mức 5% là tối thiểu để một đảng có thể cử đại diện vào Quốc hội. Trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9.2009 đảng Tự do đã chiếm được trên 15% số phiếu.

Đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo của bà Thủ Tướng Merkel cũng đang mất phiếu lớn trong các cuộc bầu cử Quốc hội ở một số tiểu bang như Nordrhein-Westfalen (2010) và Hamburg (2.2011). Chủ nhật tới này sẽ có hai cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng khác ở hai tiểu bang phía nam Đức, trong đó tại tiểu bang Baden-Württenberg nằm cạnh biên giới Pháp, chính phủ tiểu bang này đã nằm trong tay đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo từ nửa thế kỉ nay, nhưng kì này đang lo ngại bị thua !

Đây là lý do quan trọng khiến các đảng trong chính phủ liên hiệp ở Đức muốn tránh những quyết định bất lợi trước các cuộc bầu cử ở các tiểu bang có thể ảnh hưởng tai hại cho chính sách của chính phủ liên bang. Thái độ lo sợ hoảng hốt này của các đảng cầm quyền ở Đức trước áp lực của cử tri còn thấy rõ ngay cả trong quyết định rất hấp tấp vài ngày trước của bà Merkel cho tạm đình chỉ ngay hoạt động của 7 nhà máy điện hạt nhân sau tai nạn điện hạt nhân ở Nhật. Trong việc này bà Merkel đã thay đổi lập trường 180 độ chỉ trong vòng có mấy tháng !

Còn những tính toán chính trị nào khác tuy chính phủ Đức không nói ra nhưng giới phân tích ở Đức đều cảm nhận được ?

Chính phủ Đức quan ngại đem quân Đức tham chiến ở thế giới Hồi giáo có thể khơi dậy sự thù hận của nhân dân các nước này, nhất là các nhóm Hồi giáo cực đoan. Họ có thể liên hệ với các phần tử cực đoan Hồi giáo ở Đức tổ chức những cuộc khủng bố ngay cả ở Đức. Vì hiện nay có tới vài triệu người Hồi giáo sinh sống ở Đức. Đấy là chưa kể kinh nghiệm vào dễ nhưng ra khó trong các giải pháp quân sự ở Trung đông, như cuộc chiến ở Irak vừa qua và ở Afghanistan hiện nay.

Ngoài ra, nếu theo dõi quan hệ giữa Pháp và Đức dưới thời Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel thì sẽ thấy không còn được mặn mà như dưới thời giữa Tổng Thống Mitterrand và Thủ tướng Kohl trước đây. Hiện nay có một số giới trong chính quyền ở Đức quan ngại thái độ bất nhất và tham vọng quá lớn của Tổng Thống Sarkozy. Đây cũng là các lí do khiến bà Merkel thận trọng không tham gia trong việc can thiệp ở Libya.

Phản ứng của chính giới và dư luận Đức đối với quyết định của chính phủ Merkel ?

Trong những ngày gần đây dư luận rộng rãi ở Đức đã phê bình nghiêm khắc quyết định bỏ phiếu trắng tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc của chính phủ Merkel. Sự phê bình tập trung vào các điểm chính: 1. Chính phủ Đức đã rời bỏ lập trường kiên định từ sau Thế chiến thứ hai tới nay là, Đức đứng trong Liên minh Âu châu (EU) và thành viên tin cậy của NATO. 2. Cùng với Trung quốc, một nước độc tài đảng trị, và Nga một nước độc tài cá nhân bỏ phiếu trắng tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khiến dư luận quốc tế hiểu lầm về lập trường của Đức là một nước theo chế độ dân chủ đa nguyên. 3. Do đó sẽ làm mất uy tín và thế đứng của Đức trong Liên Hiệp châu Âu , NATO và trên thế giới.

Quan điểm này được rất nhiều chính khách, nhà ngoại giao, tướng lãnh Đức đã về hưu, các đài, báo và tạp chí lớn có uy tín ở Đức chia sẻ. Ngay cả một số nhân vật trong các chính đảng cầm quyền cũng đã phê bình Thủ Tướng Merkel. Nhiều người còn lên tiếng cánh báo về nguy cơ muốn chọn cho Đức một „con đường riêng“ từ sau khi nước Đức thống nhất trước đây trên 20 năm.

Chính vì thế cách đây ba ngày Thủ tướng Merkel đã phải điều chỉnh lại quyết định của Đức tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và xác nhận trước báo chí là, Đức coi Nghị Quyết 1973 này cũng là lập trường của Đức. Và hôm nay bà sẽ trình QH việc Đức gởi một số đơn vị không quân Awacs chuyên về không thám của Đức sang Afghanistan để các nước khác trong NATO có thể rảnh tay hơn ở Lybia.

Tương lai giải pháp LHQ ở Lybia như thế nào ?

Nếu nhà độc tài Kadhafi biết tự rút lui hoặc bị lật đổ sớm thì là một thành công lớn cho nhân dân Lybya và Liên Hiệp Quốc. Nhưng nếu cuộc chiến ở đây kéo dài và gây thiệt hại lớn cho thường dân thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho nhiều phía: 1. Sẽ có thể trở thành một cuộc nội chiến giai giẳng và tàn khốc cho nhân dân Lybia và như thế cũng không có lợi cho phong trào Cách mạng Hoa nhài vẫn đang tiếp tục ở nhiều nước Trung Đông. 2. Gây phân hóa hơn nữa trong NATO. Thái độ khác biệt lớn giữa một số nước chính trong NATO ngay trong những ngày đầu cuộc chiến ở Lybia làm nhiều giới quan ngại về tương lai của Khối quân sự Bắc đại Tây dương này. 3. Sự chia rẽ giữa Pháp và Đức, hai đầu tầu trong Liên Hiệp Châu Âu, trong vấn đề Libya sẽ gây thiệt hại cho vai trò quốc tế quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu . Hiện nay Liên Hiệp Châu Âu chưa giải quyết xong cuộc khủng hoảng tài chánh và ngân sách của một số nước trong khu vực đồng Euro. Cho nên nay thêm một khó khăn lớn mới nữa thì EU sẽ có thể rơi vào khủng hoảng!

Trong chuyến thăm vài ngày trước đây của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon tại Ai-cập và Tunisia. Ông đã hết sức ca ngợi cuộc Cách mạng Hoa nhài đã thành công trong hòa bình và trật tự. Ông cũng ca ngợi quân đội Ai cập biết rõ trách nhiệm và giới hạn nên đã tránh được những cuộc đổ máu . Nhân dịp này Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi các nhà độc tài còn sót lại ờ Trung Đông nên biết lắng nghe khát vọng và đòi hỏi chính đáng của nhân dân, biết tự cải cách các đường lối sai lầm hoặc tự rút lui sớm để tránh cho đất nươc rơi vào chiến tranh và hận thù, nhờ đó có thể chuyển sang dân chủ và canh tân phát triển. Qua đó có lẽ Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng đã hình dung những tai hại cho các giải pháp bạo lực và quân sự, nó có thể ví như để « voi chạy vào nhà chứa đồ sứ ».

Thiết tưởng lời kêu gọi thành thực và chí lý này cũng có gía trị rất thiết thực đối với các chế độ độc tài khác còn sót lại ở Á châu, Nam Mỹ và Phi châu, trong đó có Việt Nam chúng ta !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.