Vào nội dung chính
Hungary - Chính trị

Hungary thông qua bản Hiến pháp cực kỳ bảo thủ

Hôm nay 18/4 Thủ tướng bảo thủ Viktor Orban đã giành được chiến thắng cá nhân, khi Thượng viện Hungary thông qua bản Hiến pháp mới nêu bật vai trò của Thượng đế và các giá trị của gia đình truyền thống.Bản Hiến pháp này khi còn là dự thảo đã gây nên những làn sóng chống đối mạnh mẽ, phe đối lập gọi đây là «cuộc đảo chính về Hiến pháp».

Các đại biểu đảng cực hữu Hungary Jobbik thể hiện thái độ trong cuộc bỏ phiếu thông qua Hiến pháp mới tại Quốc hội, 18/4/2011.
Các đại biểu đảng cực hữu Hungary Jobbik thể hiện thái độ trong cuộc bỏ phiếu thông qua Hiến pháp mới tại Quốc hội, 18/4/2011. REUTERS/Bernadett Szabo
Quảng cáo

Bản dự thảo được hầu hết các báo mệnh danh là « Hiến pháp Orban », đã được Thượng viện thông qua, với 262 phiếu thuận, 44 phiếu chống, một vắng mặt. Điều này thật dễ hiểu vì đảng Fidesz của Thủ tướng Viktor Orban chiếm đến hai phần ba số ghế tại đây. Hiến pháp mới sẽ được Tổng thống Hungary Pal Schmitt, một người thân cận với ông Orban phê duyệt vào ngày 25/4, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.

Nhiều tổ chức phi chính phủ tố cáo, một bản Hiến pháp được một đảng duy nhất bỏ phiếu thông qua là « Không phù hợp với một Nhà nước pháp quyền ». Không có một đảng đối lập nào tham gia vào việc soạn thảo bản dự thảo Hiến pháp, vì cho rằng họ không có cơ hội nào để được lắng nghe. Đảng cực hữu Jobbik có tham dự vài buổi tranh luận, nhưng sau đó cũng đã rút lui.

Đối với những nhà đối lập, Hiến pháp mới trước hết là phương tiện để Thủ tướng Viktor Orban củng cố quyền lực của ông và của đảng cầm quyền trong hiện tại cũng như tương lai. Nhà sử học Andras Mink không ngần ngại dùng từ « đảo chính Hiến pháp ».

Dự thảo Hiến pháp mang nặng tư tưởng hữu khuynh và Cơ Đốc giáo, khiến các tổ chức phi chính phủ lo ngại cho số phận của những người vô thần, giới đồng tính luyến ái hoặc các hộ gia đình đơn thân. Các nghiệp đoàn và các đảng đối lập đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong tuần qua, thu hút nhiều ngàn người tham dự. Một cuộc biểu tình khác cũng đã diễn ra chiều nay, trước trụ sở Quốc hội Hungary, để phản đối luật báo chí cũng do ông Orban đưa ra.

Trước làn sóng phản đối, Thủ tướng Viktor Orban vẫn tỏ ra bình thản và cho biết sẵn sàng để Ủy ban châu Âu thẩm định về bản Hiến pháp mới của Hungary. Xin nói thêm, Hiến pháp hiện tại ra đời từ năm 1949, theo như biện minh của ông Viktor Orban thì vào thời còn chế độ cộng sản, nhưng thật ra đã được sửa đổi rẩt nhiều vào năm 1989 khi khối xô-viết sụp đổ.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hiện đang viếng thăm Budapest đã bày tỏ mối quan ngại, và đề nghị ông Viktor Orban nên tham khảo ý kiến từ các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc hoặc Ủy ban châu Âu.
 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.