Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - TÀI CHÍNH

Kinh tế Hy Lạp là trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh châu Âu

Trong hai ngày 23 và 24/6, các nhà lãnh đạo các nước Liên hiệp châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles, trong đó chủ đề kinh tế chiếm phần quan trọng. Châu Âu phải nỗ lực chứng minh khả năng giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, tránh lây lan ra khu vực đồng euro, điều mà các nước khác đang lo sợ.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso (phải) và thủ tướng Hy Lạp Georges Papandréou 20/6/2011 tại Bruxelles.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso (phải) và thủ tướng Hy Lạp Georges Papandréou 20/6/2011 tại Bruxelles. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Trước khi hội nghị khai mạc, lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Hy Lạp và giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu, Chủ tịch Liên hiệp châu Âu, Ủy ban châu Âu, đại diện các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro đã họp riêng theo yêu cầu của Thủ tướng Đức. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang chịu áp lực tránh cho Hy Lạp khỏi bị phá sản, dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro và gây ảnh hưởng trên toàn cầu.

Theo một nhà ngoại giao, hội nghị sẽ kêu gọi Quốc hội Hy Lạp thông qua kế hoạch khắc khổ, nhờ đó sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chánh cần thiết. Các nhà lãnh đạo 27 nước châu Âu cũng khẳng định sẽ viện trợ bổ sung, đáp ứng các đòi hỏi của Quỹ Tiền tệ Quốc tệ. Hội nghị sẽ bàn bạc về một vấn đề vẫn đang còn nhiều bất đồng, đó là sự tham gia của các ngân hàng tư nhân trong kế hoạch hỗ trợ Hy Lạp. Tuy Đức nhấn mạnh việc này chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện, nhưng nhiều nước lo ngại sẽ làm khủng hoảng tài chính lan rộng.

Về phần chính phủ nước Hy Lạp, chịu áp lực của thị trường và từ dân chúng, đang phải chạy nước rút để tránh nguy cơ phá sản. Thủ tướng George Papandréou, vừa được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, sẽ tái cam kết với các nước châu Âu tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng để được tháo khoán đợt cuối, trong kế hoạch tài trợ 110 tỉ đô la đã được thông qua năm ngoái. Cũng hôm nay, các công đoàn chủ chốt ở Hy Lạp đã đưa ra lời kêu gọi tổng đình công trong hai ngày 28 và 29/6 để phản đối.

Bên cạnh hồ sơ Hy Lạp, hội nghị thượng đỉnh châu Âu sẽ duyệt qua các biện pháp nhằm giúp khu vực đồng euro có thể tự vệ tốt hơn trong tương lai trước nguy cơ khủng hoảng, củng cố Hiệp ước ổn định châu Âu. Các hồ sơ Libya, Syria và vấn đề người nhập cư cũng sẽ được đề cập đến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.