Vào nội dung chính
HOA YG - IRAK

Quân đội Mỹ hoàn tất việc triệt thoái khỏi Irak

Gần chín năm sau khi tiến vào Irak lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein, vào sáng sớm hôm nay, 18/12/2011, người chiến binh cuối cùng của Mỹ đã rời Irak. Sự kiện này đánh dấu chấm hết cho một cuộc chiến rất tốn kém cho Hoa Kỳ, mà chi phí còn cao hơn cả cuộc chiến tranh Việt Nam.

Lính Mỹ chụp ảnh trước căn cứ Adder, gần Nasiriyah, trước khi rút khỏi Irak, 17/12/2011
Lính Mỹ chụp ảnh trước căn cứ Adder, gần Nasiriyah, trước khi rút khỏi Irak, 17/12/2011 REUTERS
Quảng cáo

Theo ghi nhận của phóng viên AFP, đoàn xe cuối cùng gồm 110 quân xa, chở khoảng 500 binh sĩ, chủ yếu thuộc Lữ đoàn 3 của Sư đoàn 1 Kỵ binh, đã vượt qua biên giới phân chia Irak và Kuweit vào lúc 07g30 sáng giờ địa phương.

Cách nay đúng tám năm và chín tháng, lực lượng Mỹ đã theo hướng ngược lại, từ Kuwait tiến vào Irak trong khuôn khổ chiến dịch Iraqi Freedom (Tự do cho Irak), mà lịch sử đã cho thấy đó là một cuộc chiến tranh gây tranh cãi dữ dội nhất kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra nửa thế kỷ trước đó.

Vào lúc cao điểm của cuộc chiến chống phiến quân Irak, lực lượng Hoa Kỳ có đến 170.000 quân. Khi hoàn tất việc triệt thoái đạo quân chiến đấu khỏi Irak vào hôm nay, Hoa Kỳ để lại 505 căn cứ trên khắp lãnh thổ. Ngoài ra, sẽ còn có 157 lính Mỹ được biệt phái ở lại để tham gia công tác huấn luyện lực lượng Irak và một đơn vị thủy quân lục chiến lo bảo vệ đại sứ quán Mỹ ở Bagdad.

Xin nói thêm là sau khi chính quyền Bagdad từ chối quy chế miễn trừ tư pháp cho con số hàng ngàn quân nhân Mỹ được dự trù ở lại Irak để đào tạo lực lượng võ trang của nước này, vào ngày 21 tháng 10 vừa qua, tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định triệt thoái hoàn toàn quân đội khỏi Irak.

Sau khi lính Mỹ rút đi, trách nhiêm bảo đảm an ninh sẽ đè nặng trên lực lượng võ trang Irak, hiện bao gồm 900.000 quân. Nhiệm vụ của họ rất cam go vì phong trào nổi dậy, bao gồm cả al Qaeda, dù đã suy yếu nhưng vẫn có thể gây đổ máu, với những vụ khủng bố tự sát chẳng hạn.

Lực lượng này cũng sẽ phải ngăn chặn, không cho các nhóm dân quân hình thành trở lại, tái lập một cuộc chiến tranh tôn giáo và sắc tộc giữa người theo hệ phái Shia và người Sunni, đã từng khiến cho hàng chục ngàn người thiệt mạng trong hai năm 2006 và 2007.

Sự kiện hôm nay cũng kết thúc một cuộc chiến tranh có thể gọi là xâm lược mà Hoa Kỳ đã tiến hành không cần sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc. Lý do chính quyền cựu tổng thống Mỹ George W Bush viện ra để khởi chiến là nhằm truy tìm các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Saddam Hussein bị cho là đã cất giấu. Thực tế sau đó cho thấy là không hề có loại vũ khí này.

Đối với nước Mỹ, cuộc chiếm đóng Irak vào năm 2003, sau đó được chính thức đổi tên từ năm 2005 thành sụ kiện “quân đội nước ngoài hiện diện theo yêu cầu của chính phủ Irak”, đã rất tốn kém. Lầu Năm Góc đã phải chi ra gần $ 770 tỷ đô la trong vòng chín năm cho cuộc chiến Irak.

4.474 lính Mỹ cũng đã thiệt mạng tại Irak, trong đó có 3.518 bị chết trong khi thi hành nhiệm vụ. Hơn 32.000 quân nhân khác cũng bị thương. Ngoài ra, kể từ tháng Ba năm 2003 đến nay, số thường dân bị tử vong đã vượt mức 100.000 người. Chi phí tài chánh cho cuộc chiến tranh Irak như thế còn cao hơn cả cuộc chiến tranh Việt Nam được cho là rất tốn kém cho nước Mỹ với khoảng gần 600 tỷ đô la !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.