Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Syria : Phủ quyết Nga –Trung là dấu hiệu của chiến tranh lạnh ?

Đăng ngày:

Tình hình địa lý chính trị sau cuộc biểu quyết tại Hội đồng Bảo an hôm thứ Bảy tuần trước làm liên tưởng đến thời kỳ lịch sử đã qua. Theo lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu, hai lá phiếu chống của Nga và Trung Quốc so với toàn thể phiếu thuận của 13 thành viên còn lại lên án Damas, chứng minh « lôgic của chiến tranh lạnh còn tồn tại ». Nhiều nhà ngoại giao và bình luận chia sẻ nhận định này. Thực tế ra sao ?

Những người biểu tình Syria và Liban đốt cờ Trung Quốc và cờ Nga trước đại sứ quán Nga tại Beirut, ngày 05/02/2012, để phản đối việc hai nước này phủ quyết dự thảo nghị quyết về Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Những người biểu tình Syria và Liban đốt cờ Trung Quốc và cờ Nga trước đại sứ quán Nga tại Beirut, ngày 05/02/2012, để phản đối việc hai nước này phủ quyết dự thảo nghị quyết về Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Chỉ riêng ở thành phố Homs, hơn 400 người đã thiệt mạng, tính từ ngày Nga và Trung Quốc bác bỏ nghị quyết lên án chế độ Syria. Quân đội của Tổng thống Bachar Al Assad tiếp tục nã đại bác vào « thủ đô cách mạng » chống chế độ độc tài gây sát thương không phân biệt thường dân hay chiến binh trong « Quân đội Syria Tự Do ».

Hai ngày sau khi Ngoại trưởng Nga đến Damas và tuyên bố rằng Nga đã được Tổng thống Al Assad cam kết « làm hết sức để chấm dứt bạo lực », đã có thêm 13 thường dân tử thương tại Homs trong ngày hôm nay 09/02/2012.

Theo tổ chức thiện nguyện Y sĩ Không biên giới, những người bị thương không thể đến bệnh viện vì tại đây mật vụ của chế độ chờ sẵn để « tặng phát súng ân huệ ».

Kịch bản Syria đã hiện rõ : Một lần nữa Nga và Trung Quốc đương đầu trực diện với Tây phương trên mặt ngoại giao và chính trị, không những để bảo vệ vùng ảnh hưởng mà còn xung khắc ngay trên những vấn đề cốt lõi của con người như nhân phẩm và nhân quyền.

Mặc dù chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, nhưng Trung Quốc cũng như chính quyền độc đoán của Nga không muốn bỏ rơi những chế độ độc tài tại châu Phi hay Ả Rập mà họ xem là đồng minh thân thiết.

Nga và Trung Quốc càng không muốn bị vuột khỏi tay những mảnh đất mầu mỡ nguyên, nhiên liệu và thị trường tiêu thụ vũ khí và hàng rẻ tiền. Nga, Trung cũng không muốn khối Ả Rập mở rộng cửa để đón ảnh hưởng của Tây phương theo thang giá trị tự do và dân chủ.

Cuối cùng, hai chế độ độc đoán này cảm thấy bị Mùa Xuân Ả Rập đe dọa và muốn duy trì một trật tự thế giới có nhiều rào cản.

Trong bối cảnh này , những giá trị về dân chủ, nhân quyền hay sinh mạng phụ nữ trẻ em không còn là quan trọng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng các « chất liệu » gây căng thẳng trên thế giới dường như đã hội đủ. Chuyên gia Pháp, Valérie Niquet, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược phân tích: « Bắc Kinh tin rằng Tây phương mượn internet và công luận để lật đổ chế độ Trung Quốc ».

Thế giới thế kỷ 21 toàn cầu hóa đã làm cho Nga và Trung Quốc không thể bịt mắt và bịt miệng dân như thời chiến tranh lạnh.

Báo chí Nga cho rằng ông Putin đã tính sai nước cờ.

Nhà trí thức Trung Quốc Thôi Vệ Bình nhận định :« Chính sách ngoại giao của Bắc Kinh là tiếp nối của chính sách nội trị . Bỏ phiếu ủng hộ dân chủ tại Liên Hiệp Quốc là một thách thức của chính quyền ». Trên mạng điện tử, hàng loạt blogger Trung Quốc lên án thái độ tiêu cực của Bắc Kinh như một kẻ độc tài bảo vệ đồng chí.

Trả lời phỏng vấn RFI, giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Hoa Kỳ nhận định là: « Nga đang tim đường ra… vì đối đầu với Tây phương thì có nhưng chiến tranh lạnh thì không. Lý do thứ nhất là Nga và Trung Quốc không thể đứng chung một chiến tuyến mãi được. Thứ hai là do toàn cầu hóa, quyền lợi ràng buộc nên khó đánh nhau » với Tây phương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.