Vào nội dung chính
HOA KỲ - QUỐC TẾ

Obama khai thác các hồ sơ quốc tế trong năm bầu cử tổng thống

Cuối tuần qua, trong khuôn khổ Thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, NATO, Thượng đỉnh G8, tổng thống Mỹ Barack Obama đã cố gắng chấm dứt cuộc chiến tranh tại Afghanistan, ngăn ngừa nguy cơ xung đột quân sự với Iran và tìm cách thúc đẩy nền kinh tế thế giới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (G) và bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta (T) và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, tại Thượng đỉnh Chicago, Hoa Kỳ, 20/05/2012
Tổng thống Mỹ Barack Obama (G) và bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta (T) và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, tại Thượng đỉnh Chicago, Hoa Kỳ, 20/05/2012 REUTERS
Quảng cáo

Chủ nhân Nhà Trắng biết rõ là mỗi cuộc khủng hoảng trên đây, nếu không được giải quyết ổn thỏa, đều có thể làm giảm cơ may tái đắc cử tổng thống của ông.

Đành rằng chính sách đối ngoại rất ít khi mang tính quyết định trong một cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, nhưng các động thái, phản ứng ngoại giao tức thời, đôi khi có thể gây ra nhiều bất lợi về mặt đối nội, nhất là trong năm có bầu cử tổng thống.

Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Camp David hôm thứ Sáu, thứ Bẩy, Thượng đỉnh NATO được tổ chức hôm qua và hôm nay, đã tạo điều kiện cho ông Obama xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông, vào lúc nước Mỹ đang ở mùa vận động tranh cử.

Sau khi chấm dứt cuộc chiến tại Irak, giờ đây, ông Obama muốn tuyên bố với các cử tri Mỹ rằng cuộc chiến ở Afghanistan cũng đang trên đường kết thúc. Tuy nhiên, ông cũng phải bảo đảm sao cho chiến lược rút quân ra khỏi Afghanistan không dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền ở Kabul.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Chicago, tổng thống Obama và 27 đồng minh trong NATO đã thông qua kế hoạch chuyển giao trách nhiệm tiến hành các hoạt động bảo đảm an ninh cho quân đội Afghanistan trong năm 2013, sau đó, lực lượng Mỹ và NATO chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho đến khi rút ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014.

Mặt khác, tổng thống Mỹ cũng tìm cách vận động, thuyết phục các đồng minh đóng góp tài chính cho các chương trình hỗ trợ và huấn luyện quân đội Afghanistan, nhằm ngăn ngừa sự phục hồi của mạng lưới khủng bố Al Qaida.

Ông Mark Jacobson, nguyên cố vấn dân sự cùa NATO tại Afghanistan, thành viên Quỹ German Marshall, nhận định, chấm dứt chiến tranh Afghanistan một cách có trách nhiệm cũng có thể giúp ông Obama tái đắc cử, tuy rằng đây không phải là lý do hàng đầu. Điều này cho phép ông Obama chứng tỏ với công luận Mỹ rằng ông đủ khả năng xử lý, bảo đảm an ninh quốc gia.

Một chủ đề quốc tế khác cũng rất nhậy cảm : Đó là vấn đề Iran. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G8, họp trong hai ngày, 18 và 19/05, tổng thống Mỹ và lãnh đạo 7 quốc gia giầu nhất hành tinh tiếp tục gây áp lực đối với chính quyền Teheran và hy vọng là các biện pháp trừng phạt sẽ buộc Iran phải ngừng thực hiện chương trình hạt nhân, bị nghi ngờ là nhằm chế tạo vũ khí nguyên tử.

Tin đồn về việc Mỹ hoặc Israel có thể tiến hành các hoạt động quân sự chống lại Iran đã làm tăng giá dầu lửa với hậu quả là đe dọa nền kinh tế Mỹ đang trong quá trình phục hồi yếu ớt.

Do vậy, Thượng đỉnh G8 ở Camp David đã trấn an rằng thị trường dầu lửa thế giới sẽ được cung ứng đầy đủ khi lệnh cấm vận dầu lửa Iran có hiệu lực, kể từ 01/07 tới đây.

Điều quan trọng nhất cho phép ông Obama có thể tái đắc cử là tình trạng nền kinh tế Hoa Kỳ. Cho đến nay, kinh tế Mỹ đang khởi sắc chậm chạp và chưa đủ khả năng để vượt qua được những tác động tiêu cực nếu như châu Âu tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng.

Tại G8, ông Obama đã khẳng định : « Tất cả các nhà lãnh đạo có mặt ở đây đều đồng ý trên một điểm : tăng trưởng và tạo việc làm phải là ưu tiên chính ». Đồng thời, Thượng đỉnh G8 cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với một khu vực đồng euro thống nhất, giữ Hy Lạp trong vùng đồng tiền chung châu Âu.

Tổng thống Mỹ được coi là người có thể lực nhất hành tình, thế nhưng số phận chính trị của ông lại phụ thuộc vào những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của ông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.