Vào nội dung chính
HY LẠP

Hy Lạp muốn đàm phán lại chính sách thắt lưng buộc bụng

Athens đòi đàm phán lại với bộ ba Liên Hiệp Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để nới lỏng các biện pháp khắc khổ và xin thêm 2 năm trong việc thực hiện mục tiêu giảm bội chi ngân sách.

Hàng ngàn người Hy Lạp và người nhập cư xếp hàng đợi được phân phát rau quả tại Athens ngày 20/06/2012.
Hàng ngàn người Hy Lạp và người nhập cư xếp hàng đợi được phân phát rau quả tại Athens ngày 20/06/2012. REUTERS/Yannis Behrakis
Quảng cáo

Trong một tài liệu được công bố ngày 23/06/2012, chính phủ liên minh Hy Lạp của Thủ tướng Antonis Samaras giải thích : Athens sẽ xét lại kế hoạch sa thải 150.000 công nhân viên chức nhà nước để hoàn thành mục đích cắt giảm chi tiêu công cộng. Hy Lạp cũng sẽ xét lại các biện pháp giảm lương của người lao động, giảm trợ cấp xã hội. Đó là những đòi hỏi của cộng đồng quốc tế trước khi đồng ý cấp cho Hy Lạp thêm một gói hỗ trợ tài chính thứ nhì 130 tỷ euro.

Hai kế hoạch cứu nguy Hy Lạp đã đẩy quốc gia này lún sâu thêm vào khủng hoảng. Gần 1/4 dân số trong tuổi lao động không có việc làm. Mức lương trung bình trong khu vực tư nhân bị giảm 22 %.

Về đòi hỏi giải quyết bội chi ngân sách nhà nước nội trong năm nay, nội các Samaras cho biết sẽ thương lượng với các chủ nợ để hoàn thành mục tiêu đó vào năm 2016. Nói cách khác Athens muốn châu Âu và IMF cho thêm thời gian để tiến hành cải tổ ngân sách.

Athens đưa ra tuyên bố như trên vào lúc chuẩn bị họp lại với phái đoàn của bộ ba Liên Hiệp Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào ngày 25/06/2012.

Bốn ngày trước thượng đỉnh châu Âu tại Bruxelles, một số thành viên khối euro bắt đầu đề cập đến khả năng nới lỏng một số điều kiện với Hy Lạp với hy vọng Athens còn tồn tại trong khu vực đồng euro. Tuy nhiên theo một cuộc thăm dò mới nhất, dư luận tại bốn nước lớn trong khối euro là Pháp, Đức,Tây Ban Nha và Ý tỏ ra hoài nghi về tương lai của Hy Lạp trong gia đình euro.

Đến 85 % người Pháp và 84 % người Đức được tham khảo ý kiến cho rằng Hy Lạp sẽ không thể thanh toán được nợ và có tới 90 % người Tây Ban Nha cùng với 88 % người Ý lo ngại trước những khó khăn chồng chất của khu vực đồng euro nếu như châu Âu không cứu vãn nổi một nước nhỏ như Hy Lạp. Trong trường hợp thất bại thì đa số người dân ở các nền kinh tế hàng đầu châu Âu muốn khai trừ Hy Lạp khỏi eurozone.

Cuộc thăm dò dư luận nói trên do Ifop-Fiducial thực hiện từ ngày 18 đến 21/6.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.