Vào nội dung chính
NGA

Ban nhạc Pussy Riot bị xử : Uy tín giáo hội Nga bị sứt mẻ

Vào ngày mai, 17/08/2012, một tòa án tại Nga sẽ ra phán quyết về ba thành viên nhóm nhạc nữ Pussy Riot của Nga, bị kêu án ba năm cải tạo về việc hát một bài hát chống Putin trong một nhà thờ Chính thống giáo ở Mátxcơva. Vụ án bắt giữ và xét xử ba cô gái này đã gây phẫn nộ mọi nơi, và ngày mai, nhiều cuộc biểu tình sẽ được tổ chức ở hàng chục thành phố trên thế giới để kêu gọi Chính quyền Nga trả tự do cho ba ca sĩ.

Giới ủng hộ nhóm Pussy Riot tập hợp trước Nhà thờ lớn tại Mátxcơva (REUTERS)
Giới ủng hộ nhóm Pussy Riot tập hợp trước Nhà thờ lớn tại Mátxcơva (REUTERS)
Quảng cáo

Trong vụ việc này, theo giới quan sát, ngoài chính quyền, bản thân giới lãnh đạo giáo hội Chính thống giáo tại Nga cũng bị đả kích về thái độ thiếu bao dung mà một tôn giáo cần phải có.

Khi xông vào nhà thờ Chính thống giáo chủ yếu tại Mátxcơva để hát  “lời cầu nguyện punk ” chống ông Vladimir Putin hồi tháng Hai vừa qua, nhóm ca sĩ này lẽ dĩ nhiên là đã không đếm xỉa gì đến tính cách tôn nghiêm của giáo đường. Thế nhưng tội danh “côn đồ”  và “ kích động thù hận tôn giáo ” gán cho ba cô gái, cũng như bản án 3 năm cải tạo được đề nghị đã bị đánh giá là quá nặng nề.

Bên cạnh đó thái độ hà khắc đối với ba người, của giới lãnh đạo giáo hội Chính thống giáo Nga, mà cụ thể là của Thượng phụ Kirill, cũng đã bị phê phán. Lãnh đạo giáo hội Chính thống giáo Nga đã không ngần ngại đánh giá hành động của ban nhạc Pussy Riot là một tội « phạm thánh » trong lúc phát ngôn viên của Tòa Thượng Phụ, Vsevolod Chaplin thì cho rằng các cô gái đã phạm phải một « tội còn nặng hơn cả tội sát nhân”, và cần bị “trừng trị”.

Vấn đề là Giáo Hội Chính thống giáo Nga, và đặc biệt là Thượng Phụ Kirill, đã bị từng nhiều tai tiếng. Ông đã bị chỉ trích về thái độ công khai ủng hộ Vladimir Putin trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Ba và về lời lên án phong trào phản đối Tổng thống Nga sau đó, tạo ra suy nghĩ về quan hệ quá gần gũi giữa Giáo Hội và nhà nước. Ông cũng là mục tiêu của những lời chỉ trích sau khi tiết lộ của báo chí cho thấy ông có một lối sống cực kỳ xa hoa không phù hợp với lý tưởng tôn giáo.

Sai lầm lớn nhất kể từ năm 1901

Theo hãng tin Pháp AFP, một tu sĩ tại Mátxcơva đã phê phán trên trang web grani.ru rằng « Quả là một điều đáng xấu hổ đối với Giáo Hội khi tống người khác vào tù. Giáo Hội đã coi hành động của họ là phạm thánh, nhưng sự phạm thánh thực sự là nhân danh đức chúa để kết tội họ. Đức tin Kitô giáo chính là lòng vị tha và bác ái ».

Linh mục Andrei Kouraïev, Giáo sư tại Học viện Thần học Nga, đồng thời là một trong những blogger Chính thống giáo nổi tiếng nhất, cũng đề nghị khoan hồng đối với ba cô ca sĩ, mặc dù ông vẫn cho rằng hành động của nhóm Pussy Riot trong Nhà thờ Mátxcơva vừa qua là "một điều đáng ghét ". Ông giải thích : "Giáo Hội không có vai trò của công tố viên, để đòi hỏi những án phạt nặng nề."

Giới văn nghệ sĩ Nga còn dữ dội hơn nữa. Một trăm nghệ sĩ tên tuổi của Nga, trong đó có đạo diễn nổi tiếng Andrei Kontchalovsky và nhà văn Lyudmila Ulitskaya…, đã lên tiếng tích cực bảo vệ nhóm Pussy Riot, bác bỏ cả mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc, việc giam giữ họ, lẫn lập trường cứng rắn của giáo hội.

Riêng nhật báo kinh doanh Vedomosti, thì cho rằng Giáo hội Chính thống Nga đang phạm phải một « sai lầm lớn nhất kể từ năm 1901 » đến nay. Vào thời ấy, văn hào tên tuổi của Nga là Lev Tolstoy đã bị vạ tuyệt thông, tức là bị giáo hội rút phép thông công.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.