Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

New Zealand : Vị trí cực nam trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ

Đăng ngày:

Chiến lược tái định vị của Hoa Kỳ tại châu Á Thái Bình dương, với vòng cung án ngữ Trung Quốc, không thể thiếu một đồng minh then chốt ở cực nam bên cạnh Úc. Ngày 21/09/2012 vừa qua, lần đầu tiên bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta bay xuống tận Wellington để phục hồi hiệp ước an ninh chung bị « đông lạnh » trong suốt 30 năm. Trước đó hai tuần, cũng lần đầu tiên, ngoại trưởng Mỹ tham dự diễn đàn khu vực các đảo quốc mà New Zealand và Úc là đầu tàu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (P) và Thủ tướng New Zealand John Key (G) nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Jonathan Coleman (T) tại Auckland, ngày 22/09/2012.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (P) và Thủ tướng New Zealand John Key (G) nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Jonathan Coleman (T) tại Auckland, ngày 22/09/2012. REUTERS/Larry Downing
Quảng cáo

Vì sao một bộ trưởng quốc phòng Mỹ phải bay nửa vòng trái đất xuống tận Nam bán cầu để thăm viếng một quốc đảo mà dân số chỉ bằng một nửa Sàigòn và gắn huy chương cho 5 người lính ?

Sự kiện ông Leon Panetta, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đầu tiên đặt chân đến NewZealand sau 30 năm quan hệ « bị đông lạnh », đi tiếp theo một động thái cũng không kém giá trị lịch sử là hai tuần trước đó, ngoại trưởng Hillary Clinton tham dự thượng đỉnh các đảo quốc Nam Thái Bình dương.

Giới báo chí nhận định là sau một thời gian sao lãng, Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm đến khu vực cực Nam bán cầu trong chiến lược ngăn chận ảnh hưởng Trung Quốc.

Một trong những thông báo quan trọng của chủ nhân Lầu năm góc là Hoa Kỳ từ nay cho phép chiến hạm New Zealand cập bến các quân cảng của Hoa Kỳ trên khắp địa cầu.

New Zealand đã đóng góp đã hy sinh 10 binh sĩ để hỗ trợ nỗ lực của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tại Afghanistan. Tại chiến trường xa xôi này, New Zealand vẫn còn một đơn vị công binh chiến đấu sau khi đã triệt thoái lực lượng đặc biệt .

Trong tương lai, Hoa Kỳ có kế hoạch trợ giúp New Zealand tăng cường khả năng của lực lượng đổ bộ.

Tuy nhiên, hai bên không nói rõ là quan hệ hợp tác an ninh sẽ được hâm nóng đến mức độ nào.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rào đón là « không có âm mưu » ngăn chận ảnh hưởng của Bắc Kinh mà chỉ « tập trung » cải thiện bang giao với New Zealand, trong khuôn khổ hiệp ước quốc phòng hỗ tương tam giác ANZUS gồm Washington, Canberra và Wellington.

Trong hiệp ước này, trục Mỹ-NewZealand bị « đông lạnh » vì đợt thử bom nguyên tử của… Pháp tại Thái Bình dương năm 1985 gây « thiệt hại phụ ». Chính phủ Wellington cấm mọi tàu thuyền, kể cả chiến hạm Mỹ trang bị vũ khí hạt nhân, ghé cảng mặc dù New Zealand luôn sát cánh với Hoa Kỳ trong mọi cuộc chiến, kể cả tại Việt Nam.

Để tìm hiểu thêm về « trọng lượng » của New Zealand trong chính sách mới của Mỹ tại Châu Á Thái Bình dương. RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang, ở Sydney.

14:19

Nhà báo Lưu Tường Quang

« New Zealand là một quốc gia nhỏ, diện tích chỉ bằng 80% diện tích Việt Nam, dân số độ 4,3 triệu, không bằng một nửa dân số Sàigòn….nhưng New Zealand là một nước công nghiệp phát triển với GDP 162 tỷ đô la Mỹ theo số liệu 2011…. Tuy nhiên trong khu vực đảo quốc Nam Thái Bình Dương, cùng với Úc, New Zealand là một cường quốc.

Sau khi Tổng thống Obama công bố chính sách định vị mới tại châu Á Thái Bình Dương, Hoa Kỳ muốn củng cố thêm quan hệ hợp tác quân sự với New Zealand để mối liên hệ tam giác Mỹ - Úc - New Zealand hữu hiệu hơn… Cũng như ở phía Bắc Á, Hoa Kỳ cũng đang nỗ lực làm thế nào để cho quan hệ tay ba với Nhật Bản và Hàn Quốc được chặt chẽ hơn…

Trong chính sách Châu Á Thái Bình Dương, Hoa Kỳ một mặt hợp tác, nhưng một mặt cũng cạnh tranh với Trung Quốc.

Trong sự cạnh tranh với Trung Quốc, Hoa Kỳ không bỏ lỡ một cơ hội nào để có những bang giao tốt đẹp hoặc để củng cố, phát triển những bang giao tốt đẹp với những quốc gia tại châu Á Thái Bình dương. Nhưng điều đó không có nghĩa là những bang giao tốt đẹp ấy có khả năng ngăn trở các nước nhỏ phát triển bang giao song phương với Trung Quốc.

Tiếc thay điều này không được áp dụng với Việt Nam tại vì cái quan hệ gọi là « đặc biệt » của Hà Nội với Bắc Kinh đang ngăn cản Việt Nam phát triển bang giao tốt đẹp với các quốc gia khác trong vùng và trên thế giới... »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.