Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Bắc Cực sẽ bị ô uế hàng thế kỷ vì chất thải phóng xạ

Báo Le Monde hôm nay có bài : « Bắc Cực bị ô uế vì chất thải hạt nhân đến hàng trăm năm nữa ». Tổ chức bảo vệ môi trường « Robin hiệp sĩ rừng sâu » (Robin des bois) liệt kê 90 địa điểm bị nhiễm chất phóng xạ tại vùng Bắc cực. Theo tổ chức này, chính các hoạt động công nghiệp và quân sự từ thời chiến tranh lạnh cùng với các hoạt động khai thác quặng mỏ hiện nay đang biến vùng Bắc cực thành một nghĩa địa hạt nhân khổng lồ, để lại những tác động nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe con người trong khu vực.  

Hình ảnh về Bắc Cực của vệ tinh NASA
Hình ảnh về Bắc Cực của vệ tinh NASA @NASA
Quảng cáo

Khác với bản điều tra thực hiện vào năm 2009, chỉ liệt kê tổng cộng 2750 địa điểm bị nhiễm chất hóa học, lần này, tổ chức ONG của Pháp quan tâm đến các vấn đề hóc búa và có tính bền vững hơn. Sau hai năm điều tra và thu thập dữ liệu, với sự hợp tác của các hiệp hội bảo vệ môi trường, các nhà khoa học và các chính phủ, tổ chức « Robin des bois » ghi nhận 90 địa điểm bị nhiễm chất phóng xạ do các hoạt động công nghiệp và quân sự. Các điểm này nằm rải rác ở các nước xung quanh vùng Bắc cực, bao gồm Canada, Thụy Điển, Na Uy, Alaska, vùng Greenland của Đan Mạch, và đứng đầu danh sách đen là nước Nga.

Theo giải thích của tổ chức, đây chính là hậu quả để lại từ thời chiến tranh lạnh. Trong giai đoạn 1955 và 1990, Nga đã tiến hành đến 138 vụ thử hạt nhân trên không, trên mặt đất và dưới biển. Nhất là, vào ngày 30/10/1961, Nga đã cho nổ thử bom được mệnh danh là « Bom Sa hoàng », quả bom H siêu mạnh nhất trong lịch sử (với sức công phá lên đến 50 triệu tấn).

Vùng biển Barent và Kara thuộc quần đảo Novaya Zemlya là một nghĩa địa hạt nhân của ngành công nghiệp và hạt nhân Nga. Theo các nhà bảo vệ môi trường, nằm sâu dưới lòng biển các chiến tàu ngầm hạt nhân, tàu phá băng chạy bằng hạt nhân, trong số đó có nhiều chiếc chứa các chất phóng xạ, hàng trăm vật dụng bị nhiễm xạ và hàng chục ngàn conteneur chất thải phóng xạ.

Không những thế, trong những năm 1960, Liên Xô đã cho xây dựng trên vùng bán đảo Kola ba bể làm lạnh các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng từ các chiếc tàu ngầm hạt nhân hay các tàu phá băng chạy bằng điện hạt nhân. Hai trong số ba bể chứa đó đã làm rò rỉ các chất phóng xạ, gây ô nhiễm nghiêm trọng. 

Không chỉ có Nga là tác nhân chính, mà còn phải kể đến Hoa Kỳ. Cũng trong những năm 1960 đó, hai lò phản ứng hạt nhân với công suất 10 và 20 megawatts đã được xây dựng, để cung cấp điện cho các khu căn cứ quân sự tại Alaska và vùng tây bắc Greenland. Một loạt các sự cố hạt nhân tại lò thứ nhất đã làm ô nhiễm trầm trọng nguồn nước. Hậu quả là các nhà khoa học ghi nhận nhiều ca bệnh ung thư máu, bất chấp các phủ nhận của chính phủ Mỹ. Trong khi đó, việc khai thác lò phản ứng thứ hai có lẽ đã để lại trong lòng đất băng giá « ít nhất 200 tấn chất thải lỏng ».

Cuối cùng, tổ chức này còn chỉ đích danh đến Canada. Từ năm 1930 cho đến năm 1962, xung quanh khu vực hồ Gấu lớn, chính quyền Canada đã cho tiến hành khai thác các mỏ radium và uranium, mà một phần khai thác được xuất khẩu qua Hoa K ỳ để sản xuất vũ khí nguyên tử. Hơn 900 ngàn tấn chất thải uranium đã được để lại khu vực khai thác, trong đó có 740 ngàn tấn là nằm sâu dưới lòng hồ. Đó là chưa kể đến các vụ tai nạn, như vụ rơi vệ tinh do thám Cosmos – 954 của Liên Xô năm 1978 hay vụ rớt máy bay B-52 của Mỹ có mang các đầu đạn hạt nhân tại Greenland năm 1968.

Đối với các chuyên gia của tổ chức Robin des bois, Bắc Cực không những phải trả giá đắt cho các hoạt động của con người trong quá khứ mà sẽ còn tiếp tục trả giá cho các hoạt động hiện tại. Việc khai thác dầu khí cũng như là quặng mỏ đang làm phát sinh ra các chất thải phóng xạ tự nhiên.

Với lượng ô nhiễm nghiêm trọng như thế, tổ chức ONG của Pháp đánh giá rằng các chiến dịch tẩy nhiễm sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém do ô nhiễm đã bị phát tán lan ra trên một vùng diện tích quá rộng lớn. Có lẽ là cũng nên liệt kê vùng Bắc Băng Dương vào diện khu vực cần được bảo tồn như là vùng Nam Cực.

Tiến gần đến Cận Đông : Trung Quốc muốn khẳng định vị thế cường quốc ?

Liên quan đến thời sự quốc tế, Le Monde có bài nhận định đề tựa « Trung Quốc, Syria và thời buổi chao đảo ». Đối với tổng thống tái đắc cử Hoa K ỳ - Barack Obama, nhiệm kỳ hai của ông sẽ đánh dấu bằng việc chuyển trọng tâm chiến lược về phía châu Á. Ngược lại, Trung Quốc đang âm thầm tiến gần đến vùng Cận Đông. Phải chăng hành động này cho thấy mưu đồ của Trung Quốc là muốn khẳng định hơn nữa vị thế của mình trên chính trường quốc tế ?

« Để quên Cận Đông, Obama chạy lánh nạn sang châu Á ? » là câu hỏi mà giới truyền thông Mỹ đặt ra. Tuy nhiên, theo họ, chủ trương này đã có những hạn chế của nó. Hoa Kỳ - với tư cách là « cường quốc » không thể nào trốn tránh trách nhiệm của mình. Chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á, say sưa với chiến thắng của Aung San Suu Kyi – nữ anh hùng chiến đấu vì nhân quyền tại Miến Điện là màn mở đầu trong nhiệm kỳ hai của ông Obama. Thế nhưng, những loạt đạn và việc triển khai chiến xa tại dải Gaza đã nhanh chóng kéo ông về với thực tại.

Tuy nhiên, một hiện tượng đang xảy ra mà không ai nhìn thấy rõ : vào thời điểm Hoa kỳ đang xích lại gần với châu Á, thì ngược lại Trung Qu ốc đang âm thầm tiến về Trung Đông. Lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra bản kế hoạch 4 điểm để giải quyết khủng hoảng Syria trước Liên Hiệp Quốc và đặc phái viên của Liên Đoàn Ả Rập. Nhìn chung, nội dung không có gì khác lạ so với những ý tưởng đang được lưu hành từ nhiều tháng nay. Quan trọng hơn hết : đấy là bản kế hoạch do chính Trung Quốc đề xướng cho người Syria, chứ không phải là bản kế hoạch chung Nga – Trung.

Thông thường, Nga – Trung thường bắt tay nhau trên các hồ sơ an ninh quốc tế tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nhưng lần này, Bắc Kinh bất thình lình có thái độ lạnh nhạt với Matxcơva. Hành động này cho thấy Trung Quốc muốn đánh tiếng cho thế giới biết đến vai trò của mình. Và cũng vì một lẽ khác nữa là không giống như Nga, trên thực tế khủng hoảng Syria không có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi quốc gia của Trung Quốc.

Quả thật, Bắc Kinh có đến 4 đại sứ chuyên trách về khu vực. Bên cạnh đó Trung Quốc còn có tham vọng trở thành viên của Bộ Tứ (Mỹ, Nga, Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp châu Âu), hiện đang phải xử lý hồ sơ Israel-Palestine. Do đó, kế hoạch hòa bình cho Syria là bước đi đầu tiên.

Trên phương diện chính sách đối nội về an ninh quốc gia, Bắc Kinh theo dõi sát sao hồ sơ Syria. Chủ trương của họ rất rõ ràng : không can thiệp quân sự nào vào nội bộ các nước khác và không kích động tinh thần dân tộc tại Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, thế giới đang đối mặt với hiện tượng chuyển hướng đôi : Mỹ đi về hướng châu Á và Trung Quốc đi về Trung Đông, nhưng phương tiện để triển khai thực hiện lại không tương đồng với nhau.

Tác giả trích nhận định của nhà chính trị học người Mỹ, ông Robert Kagan, cho rằng, nếu như Hoa Kỳ không bảo vệ được vai trò lãnh đạo hàng đầu, thì thế giới đa cực có thể làm lung lay mọi nền tảng của một « trật tự thế giới » mà dù ít hay nhiều, nó cũng đã đảm bảo phần nào thời kỳ an bình tương đối và thời kỳ thịnh vượng kể từ năm 1945.

Và nếu sự suy tàn của Hoa K ỳ được khẳng định, không có gì chắc chắn rằng sẽ có các cường quốc khác có đủ khả năng, hay mong muốn nhận lấy trách nhiệm đảm bảo dàn xếp các mối quan hệ quốc tế mà nó đã từng góp phần phát triển nền dân chủ và kinh tế từ nhiều thập niên nay. Giả như trong thế giới này, Trung Quốc nắm giữ vai trò hàng đầu và có đầy đủ các phương tiện để áp đặt trật tự đó, thì không lấy gì làm chắc là các phong trào « mùa xuân Ả Rập » lại nhận được sự ủng hộ đồng tình từ bên ngoài như hiện nay. Theo ông Robert Kagan, Trung Quốc, theo kiểu cơ hội, đang tìm cách khẳng định vai trò mà họ nghĩ rằng có thể tạo ra được trong thế kỷ XXI này. Nhất là, khi Hoa Kỳ và các đồng minh của mình vẫn không có khả năng giải quyết các vấn đề nghiêm trọng.

Nga : các tổ chức phi chính trong tầm ngắm của Putin

Trong bài viết đề tựa « Các tổ chức phi chính phủ trong tầm ngắm của Putin », Libération nhận định rằng việc một đạo luật mới ban hành, yêu cầu các hiệp hội trong nước phải tự công bố là « cơ quan của nước ngoài » nếu các tổ chức này có nhận tiền tài trợ từ các quỹ bên ngoài, cho thấy chính quyền đang tăng cường trấn áp các phe đối lập.

Theo thông báo của chính phủ Nga, tất cả các tổ chức phi chính phủ nào có nhận tiền tài trợ của nước ngoài và có tham gia các « hoạt động chính trị » với mục đích làm « thay đổi dư luận công chúng », phải tự nguyện công khai là « cơ quan của nước ngoài » và phải đến đăng ký tại Bộ tư pháp và đóng dấu chứng thực tất cả các bài đăng với ghi chú là « cơ quan nước ngoài ». Đồng thời, các hoạt động tài chính cũng bị kiểm soát chặt chẽ và phải công khai từng quý.

Đạo luật có hiệu lực ngay từ hôm thứ ba vừa qua, nhưng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các hiệp hội, cho rằng « luật này không do các nhà tư pháp soạn thảo, tất cả các quy định quá mập mờ ». Như vậy, chính phủ có thể khép bất kỳ một hiệp hội vào một tội danh nào, nếu như tổ chức đó nằm trong tầm ngắm của chính quyền.

Libération cho biết tại Nga hiện nay có đến hơn 220 ngàn hiệp hội, nhưng chỉ có khoảng 1/3 là hoạt động thật sự và khoảng 10% trong số đó là nhận tiền tài trợ từ nước ngoài. Theo quy định của đạo luật mới này, chủ yếu các tổ chức trợ giúp xã hội hay giáo dục hay các tổ chức nhân quyền, vốn chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Putin, dường như bị nhắm đến là chính.

Đối với các nhà đấu tranh, đạo luật ban hành đi ngược lại với Hiến pháp và phân biệt đối xử, và chỉ nhằm đe dọa các tổ chức và các nhà hảo tâm chuyên làm việc trong các lãnh vực nhạy cảm.

Trang nhất các báo Pháp

Cuộc chiến huynh đệ tương tàn của đảng cánh hữu UMP Pháp vẫn là tâm điểm trên trang nhất các báo Pháp hôm nay. « UMP : lời tuyên chiến » là hàng tựa trên trang nhất báo Le Monde. « UMP ngã nhào, cánh hữu đo ván ? » là câu hỏi của báo cộng sản l’Humanité. Libération thì cho rằng « Cánh hữu không đầu », trong khi cả hai ông Jean- François Copé – tân lãnh đạo đảng UMP và ông François Fillon – cựu thủ tướng Pháp vẫn đang tiếp tục cấu xé lẫn nhau, thì cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị tra hỏi trong suốt 12 giờ liền ngày hôm qua, do bị nghi ngờ đã nhận tiền tài trợ bất chính từ nữ tỷ phú Bettencourt trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2007. Tờ báo thiên hữu Le Figaro đưa tin nhẹ nhàng hơn với hàng tít « tại UMP, Juppé : cơ hội hòa giải cuối cùng ». Cuối cùng thì cả hai ông Copé và Fillon đều chấp nhận lời đề nghị của thị trưởng thành phố Bordeaux để giải quyết khủng hoảng nội bộ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.