Vào nội dung chính
MỸ - NGA

"Danh sách Magnitski" : Quan hệ Mỹ-Nga nóng thêm

Sau khi Viện Duma Nga thông qua luật cấm người Mỹ xin con nuôi ở Nga, một kiến nghị trên trang web của Phủ tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi đưa toàn bộ các dân biểu Nga vào « danh sách Magnitski », gây phản ứng dữ dội từ phía Matxcơva.

Luật gia người Nga Sergueï Magnitski (AFP /Hermitage Capital)
Luật gia người Nga Sergueï Magnitski (AFP /Hermitage Capital)
Quảng cáo

Hôm thứ sáu vừa qua , Viện Duma Nga đã thông qua một đạo luật dự trù lập một danh sách những người ngoại quốc bị cấp nhập cảnh vào Nga, cũng như đề ra những biện pháp mới nhắm vào những tổ chức phi chính phủ do Mỹ tài trợ, và đặc biệt là cấm các cặp vợ chồng Mỹ xin trẻ em Nga làm con nuôi. 

Luật này còn chờ được thông qua ở Hội đồng Liên bang ( Thượng viện ) Nga, cũng như chờ tổng thống Vladimir Putin ký ban hành. Hôm thứ năm vừa qua, ông Putin cho rằng đạo luật nói trên là một phản ứng « thích đáng » đối với « danh sách Magnistki », do Quốc hội Mỹ thông qua và được tổng thống Barack Obama ký ban hành ngày 14/12. Danh sách này cấm nhập cảnh vào Mỹ và tịch biên tài sản mọi quan chức Nga có dính líu đến cái chết của luật gia Serguei Magnitski trong tù ở matxcơva năm 2009, hay có trách nhiệm trong các vụ vi phạm nhân quyền khác. 

Đáp lại đạo luật cấm người Mỹ xin con nuôi ở Nga, một kiến nghị kêu gọi đưa toàn bộ các dân biểu Nga vào « danh sách Magnitski » đã được đăng trên trang web của Nhà trắng. Tính đến hôm nay, kiến nghị này đã thu được hơn 50 ngàn chữ ký ( đa số dường như là người gốc Nga hoặc người Nga. Theo quy định trong Hiến pháp Mỹ, một kiến nghị chỉ cần có 25 ngàn chữ ký là đủ để buộc chính phủ Mỹ trả lời và đáp ứng nguyện vọng đó. 

Trả lời hãng tin Interfax hôm nay, nữ dân biểu Irina Iarovaia, chủ tịch Uỷ ban an ninh của Quốc hội Nga, cho rằng, kiến nghị nói trên « vượt quá giới hạn của công pháp quốc tế, bang giao quốc tế và sự tôn trọng chủ quyền một quốc gia ». Về phần ông Viatcheslav Nikonov, phó chủ tịch Uỷ ban quan hệ quốc tế của Quốc hội Nga, tuyên bố trên đài Tiếng vọng Matxcơva rằng việc đưa các dân biểu Nga vào « danh sách Magnitski » sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt ngoại giao giữa hai nước. 

Trong khi đó, bà Liudmila Alexeeva, trước đây là một ly khai thời Liên Xô và chủ tịch nhóm Hensinski Matxcơva thì ủng hộ kiến nghị của Mỹ. Bà Alexeeva nhắc lại rằng : « Theo Hiến pháp, dân biểu của ta không được quyền thông qua các đạo luật vi phạm nhân quyền. » Theo vị nữ dân biểu này, quyền của mỗi trẻ em bất hạnh, chờ được xin làm con nuôi trong một trại mồ côi, đã bị vi phạm bởi đạo luật do Viện Duma thông qua. 

Theo thống kê do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 22/12, trong 20 năm qua, có đến 60 ngàn trẻ em Nga được người Mỹ xin làm con nuôi. Nhiều lãnh đạo các trại mồ côi lấy làm tiếc về đạo luật vừa được thông qua. Họ nhắc lại là người Mỹ đã nhận làm con nuôi rất nhiều trẻ em bệnh nặng, bệnh tâm thần, con của người nghiện ma túy, nghiện rượu, bệnh giang mai và bệnh viêm gan, tức là những trẻ em rất hiếm khi được xin làm con nuôi ở Nga. Nếu đạo luật nói trên có hiệu lực, rất nhiều trẻ mồ côi Nga, nhất là trẻ tật nguyền, sẽ không được có một mái ấm gia đình. 

Về phần chính phủ Nga, thứ trưởng Serguei Riabkov hôm nay tỏ ý hy vọng là chính quyền Mỹ sẽ không đáp ứng kiến nghị đưa các dân biểu Mỹ vào « danh sách Magnitski » để hai nước không bị kéo vào một cuộc « đối đầu vô nghĩa ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.