Vào nội dung chính
NGA

Giới bảo vệ tự do ngôn luận lên án Nga, sau cái chết của nhà báo Mikhaïl Beketov

Thứ Hai 08/04/2013, nhà báo Mikhai Beketov – gương mặt tiêu biểu của phong trào bảo vệ môi trường chống lại sự độc đoán của chính quyền – qua đời, sau nhiều năm đau ốm nặng nề. Hôm qua, 09/04, nhiều tổ chức báo chí và nhân quyền đã lên tiếng phản đối thái độ dung túng của chính quyền Nga đối với các thủ phạm gây ra cái chết của ông Mikhail Beketov.

Nhà báo Mikhail Beketov ngồi trên xe lăn đến ủng hộ các cuộc biểu tình chống tham nhũng 21,/11/2010 (REUTERS)
Nhà báo Mikhail Beketov ngồi trên xe lăn đến ủng hộ các cuộc biểu tình chống tham nhũng 21,/11/2010 (REUTERS)
Quảng cáo

Mikhail Beketov, 55 tuổi, là tổng biên tập một tờ báo ở Khimki - ngoại ô Matxcơva. Hồi tháng 11/2008, ông bị những kẻ lạ mặt đánh đập dã man. Trước đó, tổng biên tập tờ Pravda của Khimki đã đăng tải những lời cáo buộc chính quyền địa phương tham nhũng trong dự án xây dựng đường xe cao tốc ngang qua khu vực này. Sau khi bị đánh, nhà báo Mikhail Beketov đã hôn mê trong nhiều tháng và phải chịu 8 lần phẫu thuật. Mikhail Beketov bị liệt nửa người, bị cắt một chân và nhiều ngón tay, ông cũng bị mất khả năng nói.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International cho biết, trước trận đòn thù này, nhà báo Mikhail Beketov đã nhận được một số cảnh báo, như chó của ông bị giết và xe hơi của ông bị cài bom nổ tung, để ngăn cản ông đăng tải các thông tin chống lại dự án xây đường này. Nhà báo Beketov đã công khai cáo buộc thị trưởng thành phố Khimki đứng đằng sau vụ hành hung.

Năm 2010, một nhà báo khác, đưa tin về dự án xây đường gây tranh cãi cho nhật báo Kommersant, cũng bị hành hung dã man và bị hôn mê trong nhiều ngày.

Trong cả hai vụ án kể trên, cảnh sát đều không truy tìm được thủ phạm.

Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Nga nỗ lực gấp đôi để tìm được và đưa các thủ phạm đã gây ra cái chết của nhà báo Beketov ra xét xử. Tuy nhiên, chủ tịch Liên minh các nhà báo Nga Vsevolod Bogdanov cho AFP biết, chính quyền hoàn toàn không có quyết tâm chính trị để làm sáng tỏ vụ án này. Ông Bogdanov cũng nói thêm, trong số 300 vụ nhà báo bị giết hại tại Nga trong vòng 20 năm nay, chỉ có 20% vụ việc được sáng tỏ.

Theo ông Alexei Simonov, chủ tịch Quỹ Glasnost bảo vệ tự do báo chí, thì vụ án Beketov đã bị ngưng lại, vì không còn ai tìm cách truy lùng các thủ phạm. Vào năm 2012, tổng thống Putin đã có lời hứa, nhưng “tuyên bố này đã không được thực hiện”.

Về phần mình, tổ chức Phóng viên không biên giới, có trụ sở tại Paris khẳng định, nhà báo Beketov là “một biểu tượng của nước Nga tranh đấu, của xã hội dân sự (...) đứng lên để đòi được tôn trọng” và “cơn chấn động của vụ hành hung nhà báo đã buộc chính quyền Nga phải có các cam kết rõ ràng trong cuộc chiến chống lại nạn dung túng (thủ phạm các vụ hành hung, giết người).” Phóng viên không biên giới cũng yêu cầu chính quyền Nga nỗ lực điều tra về vụ án.

Xin nhắc lại là, vụ hành hung nhà báo Mikhail Beketov năm 2008 đã khiến phong trào chống dự án đường cao tốc qua thành phố Khimki dâng cao, đỉnh điểm là cuộc biểu tình chưa từng có tại trung tâm thủ đô Matxcơva, với 2.000 người tham gia. Phong trào này là nguồn gốc của làn sóng bảo vệ môi trường, và đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến của xã hội dân sự Nga chống lại chế độ độc tài. Tiếp theo phong trào Khimki, hàng loạt cuộc phản kháng chưa từng có nổ ra sau cuộc bầu cử quốc hội Nga tháng 12/2011, với chiến thắng thuộc về đảng của ông Putin, bị đối lập cáo buộc là gian lận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.