Vào nội dung chính
Ý

Ý lún sâu trong khủng hoảng do không bầu được tổng thống mới

Cho tới hôm nay, 20/04/2013, sau năm lần bầu cử, các chính đảng tại Ý vẫn chưa bầu được một tổng thống mới, thay thế ông Giorgio Napolitano. Ngay cả nhân vật rất có uy tín, Romano Prodi, hôm qua cũng đã không thu đủ phiếu để nắm chức nguyên thủ quốc gia Ý. 

Hai nhóm chuyên gia được chỉ định để tìm giải  pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Ý (REUTERS)
Hai nhóm chuyên gia được chỉ định để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Ý (REUTERS)
Quảng cáo

08:45

Thông tín viên Huê Đăng

Như vậy là chính trường của nền kinh tế đứng hàng thứ ba khu vực euro lún sâu vào khủng hoảng, mà không biết bao giờ mới thoát ra được. Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng tường trình :

 RFI : Xin anh tường thuật sơ về tình hình bầu cử hiện nay ở Ý. Vì sao mà thậm chí đến ông Franco Marini, vốn được đảng Dân Chủ đề cử với sự “đồng ý” của Đảng Nhân Dân Tự Do, cũng đã đạt không được đủ số phiếu tín nhiệm ?

Huê Đăng : Quốc hội Ý chính thức bắt đầu bầu tân Tổng thống Ý vào sáng ngày 18/04/2013. Và lập tức Đảng Dân Chủ (Partito Democratico) bắt đầu cơn khủng hoảng ngay từ sáng hôm đó: ông Franco Marini, người được đảng Dân Chủ đề cử với sự đồng tình của đảng Nhân Dân Tự Do (Popolo della Libertà) của Silvio Berlusconi, trong vòng bầu cử lần thứ nhất sáng ngày 18/04 bị “cháy” vì ngay trong nội bộ của nhóm đại biểu của đảng Dân Chủ tất cả cũng đã không hoàn toàn tín nhiệm bỏ phiếu 100% cho Marini, và nhất là trong khi trong Quốc hội đang diễn ra bầu cử, thì phía ngoài đông đảo người của các lực lượng chính trị cánh tả đã tụ tập và hô hào khẩu hiệu chống lại quyết định của đảng Dân Chủ, vì phần lớn cho rằng quyết định đề cử ông Franco Marini với sự đồng tình của Silvio Berlusconi là một quyết định sai lầm, mang hơi hướm “thông đồng đi đêm” với Berlusconi trong chiến lược “tiền trao cháo múc” giữa hai đảng: đưa vào Dinh Tổng Thống một nhân vật được Berlusconi xem như “hợp nhãn” để rồi sau đó Berlusconi sẽ ủng hộ thành lập một chính phủ do đảng Dân Chủ đứng đầu trong chiến lược “nối vòng tay lớn” giữa hai phe trung tả và trung hữu.

Thực ra thì việc thất cử của ông Franco Marini cũng có thể hiểu là do những chia rẽ ngay trong nội bộ của Đảng Dân Chủ giữa hai “phe”: một phe, thường được mệnh danh là phe “công giáo” bao gồm những người của cánh tả trong cựu Đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo đã bị giải tán, và phe bên kia là những người vốn thuộc cựu Đảng Cộng Sản Ý. Ông Franco Marini, là một nhân vật chính trị có uy tín, từng là lãnh đạo của công đoàn CISL, một trong ba công đoàn lớn ở Ý, là người của Đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo trước đây, và do đó, rất có thể là những đại biểu của Đảng Dân Chủ thuộc phe “cộng sản” đã không bỏ phiếu cho ông ta, dù rằng đấy là ứng cử viên do Đảng Dân Chủ chỉ định. Đây là một trong những tình huống “bất tuân thủ quyết định của trên” rất phổ biến ở Quốc hội Ý trong các cuộc bầu cử Tổng Thống, vì bầu cử Tổng thống áp dụng bỏ phiếu kín, do đó lúc nào cũng có những dân biểu không tuân theo quyết định của đảng, dù rằng trên lý thuyết quyết định đó đã được toàn thể đại biểu thông qua. Ở Ý, hiện tượng này phổ biến đến độ mà trong ngôn ngữ chính trị Ý đã có từ vựng “bắn tỉa” (franco tiratore), để ám chỉ những đại biểu bất tuân thủ khi bỏ phiếu kín.

Chính vì có hiện tượng “bắn sẻ” này mà trong lịch sử của các nền Cộng Hòa Ý từ trước đến nay, mỗi lần bầu cử Tổng Thống là mỗi lần các đảng phái chính trị như “ngồi trên đống lửa”, phải “rà soát” tối đa hàng ngũ trong mỗi vòng bầu bán ... và cũng trong lịch sử đã có rất nhiều trường hợp các ứng cử viên chính thức bị “bắn tỉa” liên tục... và đoạn kết đã đưa vào Dinh Tổng thống những nhân vật hoàn toàn bất ngờ.

RFI : Nhưng ngay sau đó, đảng Dân Chủ cũng đã “nhanh chóng thay ngựa”, chuyển sang đề cử ông Romano Prodi, một trong những nhân vật chính trị trung-tả rất uy tín, những vì sau giải pháp Prodi cũng đã đạt không thành công ?

Huê Đăng : Trở lại chuyện thời sự hôm nay: sau khi ông Franco Marini bị “cháy”, lập tức đảng Dân Chủ đã bị cú “sốc” đầu tiên. Đảng Nhân Dân Tự Do của Silvio Berlusconi đã lập tức “lên án” đảng Dân Chủ “đã không giữ lời hứa”, và “tẩy chay” đảng Dân Chủ.

Hai vòng bầu cử kế tiếp, là vòng hai và vòng ba, đều không đi đến đâu, vì cả hai đảng lớn là đảng Dân Chủ và đảng Nhân dân Tự do đều vừa đang tìm cách tìm ra phương hướng giải quyết, vừa đợi cho đến vòng thứ tư, khi số phiếu quy định tối thiểu sẽ giảm từ 2/3 xuống thành đa số quá bán, và như thế thì các ứng cử viên chính thức của các lực lượng chính trị có nhiều khả năng hơn để đắc cử.

Sau gần một ngày trời hội họp, trưa hôm qua, Đảng Dân Chủ đã quyết định chỉ định ông Romano Prodi, một trong những nhà chính trị tên tuổi trong lực lượng trung tả, người của Đảng Dân Chủ, đã hai lần đánh bại Silvio Berlusconi trong bầu cử Quốc hội (năm 1996 và năm 2006), đã từng làm Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu (từ năm 1999 đến 2004), rất có uy tín trên chính trường thế giới, với hy vọng là ông Romano Prodi, với uy tín sẵn có, sẽ không bị ảnh hưởng của những xâu xé trong nội bộ đảng đốt cháy, và do đó sẽ được toàn bộ đại biểu của Đảng, và của toàn bộ liên minh trung-tả bỏ phiếu tín nhiệm. Theo các ước đoán, thì với con số đại biểu của Đảng Dân Chủ, cộng với các đại biểu của các đảng khác trong liên minh trung tả thì ông Romano Prodi sẽ có được xấp xỉ gần 500 phiếu. Nếu đa số quá bán là 504 phiếu, thì 5 hay 6 phiếu còn lại, Đảng Dân Chủ hy vọng sẽ có được từ một vài đại biểu trung dung (phe của ông Mario Monti), và nhất là của một vài đại biểu trong hàng ngũ nhóm “5 sao” (bởi vì ngay trong kỳ bầu cử sơ tuyển qua mạng Internet của nhóm “5 sao”, tên của Romano Prodi cũng được đề nghị ứng cử).

Cũng cần nói thêm là quyết định của Đảng Dân Chủ “đơn phương” đề cử Romano Prodi cũng đã bị Đảng Nhân Dân Tự do phản đối kịch liệt. Lý do thứ nhất là với Romano Prodi, thì coi như chiến lược “nối vòng tay lớn” trong quá trình thành lập chính phủ sẽ không còn khả thi, và do đó Đảng Nhân Dân Tự Do sẽ bị loại ra khỏi “hành pháp”. Nhưng lý do thật sự là vì cá nhân ông Silvio Berlusconi rất “dị ứng” với Romano Prodi: vì chính Romano Prodi là đối thủ chính trị duy nhất trong hai thập niên vừa qua đã hai lần đánh bại Silvio Berlusconi trong kỳ bầu cử Quốc hội.

Nhưng kết quả bầu cử vòng 4 cực kỳ bất ngờ, và thê thảm cho Đảng Dân Chủ: Ông Romano Prodi đã chỉ được 395 phiếu, thiếu rất nhiều so với con số 504 phiếu cần thiết để thắng cử. Nhưng điều tồi tệ nhất là, trên lý thuyết, nếu không có chia rẽ nội bộ thì Romano Prodi phải có trên dưới 500 phiếu, nhưng với kết quả chỉ được với 395 phiếu có nghĩa là có khoảng 100 đại biểu của Đảng Dân chủ đã “bắn tỉa” Prodi.

Điều này, qua hai ứng cử viên chỉ định bị “bắn tỉa”, cho thấy là nội bộ Đảng Dân Chủ cực kỳ chia rẽ. Những quyết định của lãnh đạo đảng hoàn toàn không có giá trị. Hàng ngủ bất nhất.

RFI : Vì sao mà Đảng Dân Chủ bị chia rẽ nội bộ trầm trọng như thế ?

Huê Đăng : Theo các đánh giá của giới am tường chính trị Ý, thì có rất nhiều lý do về những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân Chủ. Lý do xa xôi nhất là hai “luồng” tư tưởng “Công Giáo” (cựu đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo) và “Cộng sản” (cựu đảng Cộng Sản Ý) vẫn chưa bao giờ hoàn toàn “hợp nhất” được với nhau trong quá trình xây dựng đảng Dân Chủ. Trên thực tế, Đảng Dân Chủ chỉ là một kiểu “nhà trọ” trong đó những người thuê nhà cắn răng chịu đựng sống chung với nhau đợi khi đến lúc có điều kiện để “ra riêng”. Hay nói như cách nói của người Á Đông: “đồng sàng dị mộng”.

Trong quá khứ đã có biết bao lần xẩy ra căng thằng nội bộ mỗi khi Đảng Dân Chủ phải lấy những quyết định chiến lược về những vấn đề kinh tế xã hội, mà lợi ích của hai “luồng” không đồng bộ với nhau. Đơn cử một vài thí dụ như trường hợp đề luật trợ tử (euthanasia) (nhóm công giáo phản đối), trường hợp ngân sách hỗ trợ giáo dục cho các trường tư thục, mà phần lớn là các trường nhà dòng (nhóm cộng sản phản đối).

Nhưng có lẽ lý do thời sự nhất là vì hiện nay, sau khi kết quả bầu cử bất phân thắng bại vừa qua trong Quốc hội, ngay trong đảng Dân Chủ cũng đã có hai “trường phái” đối nghịch nhau. Một bên, nhân danh tình hình nguy cấp khủng hoảng của nước Ý, muốn chấp nhận “nối vòng tay lớn” với Berlusconi để lập ra một kiểu chính phủ “đại đoàn kết” để (hy vọng) nhanh chóng đưa nước Ý thoát cơn khủng hoảng.

Trường phái đối nghịch thì tìm đủ mọi cách để đi đến thỏa thuận với nhóm “5 sao” để lập “chính phủ đổi mới”. Như ta đã thấy, cho đến hôm nay, sau hơn 50 ngày kể từ khi Quốc hội khóa mới ra đời, việc lập chính phủ vẫn còn dậm chân tại chỗ.

Thực ra cũng phải nói thêm là ngay trong hàng ngủ đảng Dân Chủ còn có một trường phái thứ ba: đó là đi bầu lại. Trường phái này hiện nay được coi như là của ông Matteo Renzi, đương kim thị trưởng thành phố Firenze, người được mệnh danh là “người phế phải” (rottamatore), tức là chủ trương thay đổi gần như toàn bộ giai cấp lãnh đạo đảng vì bị đánh giá là quá sơ cứng và chỉ biết ôm ghế quyền lực. Nếu nước Ý phải đi bầu lại, thì rất có thể lần này, đảng PD sẽ phải trao quyền lãnh đạo liên minh trung tả cho ông Matteo Renzi với hy vọng là ông ta, với câu thần chú “phế thải để đổi mới”, có khả năng thu phục lại được uy tín cho đảng Dân Chủ, ngăn chận làn sóng của nhóm “5 sao”, và hạ được Berlusconi.

Do đó, việc bầu cử Tổng thống đã trở thành một thứ “hàng trao đổi” giữa các lực lượng chính trị trong chiến lược thành lập chính phủ. Việc “bắn tỉa” ông Franco Marini và ông Romano Prodi có nghĩa là hai trường phái “chính phủ đại đoàn kết” và “Chính phủ đổi mới” đang đấu đá nhau quyết liệt bất phân thắng bại.

Vấn đề là cuộc đấu đá nội bộ của Đảng Dân Chủ lần này lại xẩy ra, không phải trong một kỳ đại hội đảng ... mà là trong một kỳ bầu cử Tổng thống nhà nước, không phải xẩy ra trong một nghị trường của đại hội đảng mà ngay trong nghị trường Quốc hội của nước Ý, không phải xẩy ra trong “thâm cung của đảng” mà đường đường chánh chánh trước mặt toàn thể cử tri nước Ý .... Và lại xẩy ra ngay trong thời điểm khó khăn nhất của Đảng dân Chủ, kiểu thù trong giặc ngoài: bên trong thì một mình không có đa số để lập chính phủ, bên ngoài thì chịu áp lực một bên là của nhóm “5 sao”, bên kia là của Berlusconi ....

Đến đây thì người ra không biết là đảng Dân Chủ sẽ có những quyết định nào để ra khỏi cái bẩy bầu cử Tổng thống. Chắc chắn là không thể nào Đảng Dân Chủ chấp nhận một “tay chân thân tín” của Berlusconi đặt chân vào Dinh Tổng thống. Và nếu như thế thì chỉ còn lại con đường chấp nhận bỏ phiếu cho ứng cử viên được nhóm “5 sao” chỉ định: đó là ông Stefano Rodotà, người cũng đã từng là đại biểu “độc lập” của đảng Cộng Sản Ý, và của đảng Dân Chủ.

Tình hình khủng hoảng trầm trọng hiện nay của đảng Dân Chủ khiến ông Pier Luigi Bersani, sau khi ông Romano Prodi bị “bắn sẻ”, đã lấy quyết định từ chức Tổng thư ký đảng. Quyết định này tuy nhiên chỉ có hiệu lực sau khi bầu cử Tổng thống kết thúc, lý do là không thể để Đảng Dân Chủ không có lãnh đạo trong suốt quá trình bầu cử Tổng thống hiện nay.

Khủng hoảng của Đảng Dân Chủ chắc chắn là sẽ tạo thêm bất ổn cho tình hình chính trị nước Ý vốn đã bất ổn từ nhiều năm nay. Một trong những kịch bản tồi tệ nhất cho nước Ý là cử tri Ý sẽ phải đi bầu lại Quốc hội với một bộ luật bầu cử tồi tệ vốn đã không cho phép Quốc hội hiện nay có một đa số vững chắc, và rất có thể là với tình hình kinh tế xã hội ngày càng thêm khó khăn, các lực lượng chính trị mị dân với chính sách hô hào đả đảo giai cấp lãnh đạo chính trị đã quá thối nát và tẩy chay cơ chế nhà nước đã bị sơ cứng ... sẽ thắng cử ... và đưa nước Ý vào những cuộc phiêu lưu mạo hiểm khó lường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.