Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Bầu cử Châu Âu : Xu thế bài xích Bruxelles gia tăng

Đăng ngày:

Theo 84% dân Pháp, thành lập Liên Hiệp Châu Âu là sáng kiến tốt, nhưng khi đánh giá thực hiện thì có đến 77% phê bình là yếu kém. Các cuộc thăm dò ý kiến khác đều xác nhận xu hướng hoài nghi này. Tỷ lệ cử tri ở Châu Âu ngả theo các tổ chức triệt để bài bác các định chế Châu Âu, thậm chí số người muốn đất nước rút ra khỏi Liên Hiệp có chiều hướng gia tăng, tuy chưa đủ mạnh để gây bế tắc. Nguyên nhân nào đã đưa đến tình trạng này ?

Tỷ lệ cử tri tham gia bầu Nghị viện Liên Hiệp Châu Âu.
Tỷ lệ cử tri tham gia bầu Nghị viện Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh : Nghị viện Liên Hiệp Châu Âu
Quảng cáo

Nếu là một người dân đứng ngoài Châu Âu, thì Liên Hiệp 28 nước trải dài từ đông Âu sang tây Âu , từ bắc Âu xuống tận Địa Trung Hải là vùng đất hứa. Gần như mỗi tuần đều có hàng ngàn người tìm cách từ lục địa châu Phi vượt biên, vượt biển sang Tây Ban Nha và Ý, trong khi các mạng lưới buôn người tổ chức cho dân Á châu, mà đông nhất là Trung Quốc xâm nhập Liên Hiệp Châu Âu qua ngả đông Âu.

Thế nhưng cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 22 đối với Anh và Hà Lan hay trễ hơn như Pháp, Đức vào ngày 25 tháng 5 để bầu 751 dân biểu là một sự kiện mang nhiều nghịch lý. Nghịch lý thứ nhất : nhiều người trong số 380 triệu cử tri được sống bình an trong châu lục yên bình lại không nồng nhiệt tham gia bầu cử, mà theo các cuộc thăm dò ý kiến, tỷ lệ vắng mặt sẽ rất cao, có thể lên đến 60% . Thứ hai là xu hướng bài châu Âu cũng tăng cao. Những tổ chức như Mặt Trận Quốc Gia tại Pháp, hay đảng Jobbik tại Hungari, đảng PVV ở Hà Lan thuộc khuynh hướng cực hữu cho đến « Phong trào 5 Sao » tại Ý, và nhóm EFD ở Anh, tuy không cùng một phong trào chính trị, nhưng tất cả đều bài châu Âu và có khả năng sẽ gặm nhấm gần 100 ghế trong nghị viện. Đó là chưa kể phe cực tả trong nghị viện mãn nhiệm đã có 44 dân biểu.

Nếu các kết quả thăm dò chính xác thì phe hữu truyền thống, chiếm đa số tại nghị viện suốt 10 năm qua (hai nhiệm kỳ liên tục) sẽ mất 58 ghế, nhưng vẫn còn 217. Phe Xã hội từ 194 lên 201 ghế.

Trong khi các chính đảng truyền thống của cánh hữu, trung hữu, Xã hội, bảo vệ môi sinh, tuy khác biệt nhau về phương thức cải cách châu Âu, đều có cùng chủ trương cải tiến Liên Hiệp sao cho hiệu quả hơn, theo cách nhìn của mỗi phe, thì xu hướng bài châu Âu quy trách nhiệm cho các định chế hành pháp, lập pháp của châu Âu là chướng ngại, làm mất quyền tự chủ của từng quốc gia, là nguyên nhân làm đất nước thụt lùi.

Tại Pháp, Mặt Trận Quốc Gia đề nghị Pháp rút ra khỏi Liên Hiệp và vùng euro nhưng lại cổ động cử tri bầu ứng cử viên bài châu Âu… vào Nghị viện Châu Âu. Theo thăm dò ý kiến, đảng cực hữu có thể về đầu và giành được phần đáng kể trong số 74 ghế dân biểu được chia cho Pháp.

Những nghịch lý này sẽ được Giáo sư Nguyễn Dư, ở Lyon, Pháp, với tư cách là một cử tri, một nhà quan sát độc lập, phân tích :

15:43

Giáo sư Nguyễn Dư (Lyon)

Giáo sư Nguyễn Dư : « Bây giờ thì Liên Hiệp Châu Âu có đến 28 nước, đông quá, thành ra người ta chỉ thấy cãi nhau cho nên nhiều người không thấy rõ mục đích và lợi ích của châu Âu là gì...

Hồi đầu, hồi thập niên 60,………………… tướng De Gaulle đã mạnh dạn đề nghị với Đức và Ý, kẻ thù của Pháp trong đại chiến thứ hai, hòa hợp hòa giải trong bầu không khí hòa bình và thịnh vượng. Đó là hai nét chính, hai mục đích chính của Châu Âu…»

 ---

Lời kêu gọi sau đây của cánh trung hữu Pháp, với chủ trương gắn bó với Liên Hiệp châu Âu, có lẽ gần gũi nhất với hoài bão của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ý lúc khởi điểm sau đệ nhị Thế chiến : ''Châu Âu vừa là lý tưởng, vừa là cần thiết. Lý tưởng vì đây là vùng đất duy nhất trên điạ cầu mà nhân quyền, tự do, liên đới không phải là từ ngữ sáo rỗng. Liên Hiệp Châu Âu là nơi mà những nước mới hôm qua còn là kẻ thù, đang bắt tay xây dựng một tương lai chung. Châu Âu, cũng là nhu cầu vì đoàn kết gây sức mạnh hầu đối phó với những con khổng tượng, những bất trắc trên địa cầu'' .

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.