Vào nội dung chính
NATO - UKRAINA - NGA

NATO : Nga đã rút quân khỏi biên giới Ukraina

Hôm nay, 03/06/2014, trước khi khai mạc cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO, một quan chức của khối này thông báo, Nga đã rút đi phần lớn các binh sĩ đóng tại biên giới Ukraina. Trong lúc cộng đồng quốc tế hoài nghi về dự thảo nghị quyết của Nga trên hồ sơ Ukraina.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, trong phiên khai mạc hội nghị Bộ trưởng của khối này, tại Bruxelles, 03/06/2014
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, trong phiên khai mạc hội nghị Bộ trưởng của khối này, tại Bruxelles, 03/06/2014 REUTERS/Pablo Martinez Monsivais/Pool
Quảng cáo

Theo lời một quan chức cap cấp của NATO, hiện chỉ còn lại vài ngàn lính trên tổng số 40.000 đã được Matxcơva điều động đến biên giới giữa Nga và Ukraina. Tổng thư ký NATO kêu gọi Tổng thống Putin rút toàn bộ binh lính trong vùng. Nga đã nhiều lần cho biết đã rút quân khỏi khu vực nhạy cảm này. Nhưng đây là lần đầu tiên, NATO xác định tin trên.

Trong khi đó giao tranh vẫn tiếp diễn tại nhiều tỉnh thành ở miền đông, đặc biệt là tại Slaviansk. Theo Tổng thống lâm thời Tourtchinov, nhiều người trong số các thành phần võ trang thân Nga đã thiệt mạng gần Lougansk vào hôm qua. Kiev kêu gọi dân cư tại các thành phố như Slaviansk, Kramatorsk hay Krasni Liman hãy ở trong nhà. Slaviansk, thành trì của phe nổi dậy đang bị quân đội Ukraina bao vây.

Về phương diện ngoại giao, tại Liên Hiệp Quốc vào hôm qua (02/06/2014), phương Tây chỉ trích dự thảo nghị quyết của Nga về Ukraina. Matxcơva đồng ý « chấm dứt giao tranh ngay lập tức » tại các tỉnh miền đông Ukraina và kêu gọi phe nổi dậy tôn trọng lệnh ngưng bắn. Đồng thời Nga đề nghị thiếp lập « hành lang nhân đạo ». Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, nghi ngờ về thiện chí của Matxcơva và lên án thái độ « giả dối » của Nga trong lúc vẫn tiếp tục hỗ trợ cho phe nổi dậy ở miền đông Ukraina. Theo phân tích của thông tín viên đài RFI từ New York, Karim Lebour, đề nghị về một dự thảo nghị quyết của Nga trên thực tế nhằm chặn đường các nước Tây phương can thiệp nhân đạo cho Syria.

« Văn bản do Nga đề nghị không khỏi khiến nhiều người bối rối. Matxcơva đề nghị ngưng bắn tại miền đông Ukraina và thiết lập một hành lang nhân đạo.

Paris, Luân Đôn và Washington cùng nêu lên câu hỏi vì sao Nga lại quan tâm đến tình hình nhân đạo tại Ukraina trong lúc mà người dân tại chỗ không bị thiếu thốn lương thực và các thành phố ở miền đông nước này không bị phong tỏa. Đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc đã phải trả lời rất nhiều câu hỏi và sau cùng nhà ngoại giao này đã phải thú nhận là bản thân ông cũng không biết rằng những đề nghị của Matxcơva sẽ được đem ra biểu quyết hay không.

Ở hậu trường, các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc nghi ngờ Nga đang tìm cách đánh lạc hướng các đồng nhiệm để tránh né một hồ sơ gai góc hơn nhiều. Đó là vấn đề nhân đạo tại Syria. Matxcơva đã cho biết là sẽ cực lực chống đối mọi giải pháp viện trợ nhân đạo cho Syria nếu như không có đồng thuận của chính quyền Damas. Do vậy Nga muốn dồn cộng đồng quốc tế vào thế phải từ chối mở hành lang nhân đạo cho Ukraina và đó sẽ là cái cớ để Nga bác bỏ đề nghị của phương Tây mở hành lang nhân đạo tại Syria ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.