Vào nội dung chính
NGA - UKRAINA

Nga động binh đe dọa Ukraina

Ban hành lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và châu Âu, đe dọa cấm hàng không dân dụng Tây phương bay ngang không phận, tăng cường lực lượng tác chiến sát biên giới Ukraina và chỉ thị cho các đơn vị "bảo vệ hòa bình" sẵn sàng chiến đấu : phải chăng Putin muốn phiêu lưu gây hấn với Tây phương sau khi đã sáp nhập Crimée bằng áp lực quân sự ?

Đội chiến đấu cơ Sukhoi của Nga trong đợt tập trận gần biên giới - DR
Đội chiến đấu cơ Sukhoi của Nga trong đợt tập trận gần biên giới - DR
Quảng cáo

Nguy cơ Nga mở một cuộc chiến tranh can thiệp vào Ukraina càng ngày càng rõ nét . Đây không phải đơn thuần là quan điểm của báo chí Tây phương mà xuất phát từ những động thái đáng ngờ của chính quyền Nga trong những ngày gần đây và gây lo ngại cho giới lãnh đạo Âu Mỹ.

Chiều hôm qua 06/08, mặc dù đang nghỉ hè, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người được xem là có tiếng nói « lọt tai » chủ nhân điện Kremli đã kêu gọi Vladimir Putin phải có hành động hợp tác giúp ổn định tình hình Ukraina, gây sức ép buộc phe nổi dậy thân Nga buông súng.

Tuy nhiên, lời kêu gọi không biết là lần thứ bao nhiêu có nhiều khả năng sẽ bị chính quyền Nga phớt tỉnh. Trên thực tế, Tổng thống Nga dường như muốn sử dụng biện pháp mạnh tại Ukraina trong bối cảnh phe nổi dậy càng ngày càng bị cô lập và quân đội Ukraina càng ngày càng thắng thế.

Theo Liên Minh NATO, lấy lý do tập trận, lực lượng Nga ở biên giới Ukraina từ 12.000 quân hồi giữa tháng 7 đã tăng lên 20.000, cùng với xe tăng, đại pháo và hàng trăm máy bay, tạo ra tình trạng « nguy hiểm ».

Từ sau vụ chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị trúng tên lửa trên không phận miền đông Ukraina làm toàn bộ hành khách và phi hành đoàn 298 người tử nạn (trong đó có ba mẹ con một gia đình người Việt), hố sâu chia cách Nga và Tây phương sâu rộng thêm. Phe thân Nga vẫn gây khó khăn cho các nhà điều tra đến hiện trường, kéo dài thời gian truy tìm dấu vết thủ phạm.

Trong lãnh vực kinh tế, Hoa Kỳ và Châu Âu từng bước cô lập Nga qua các biện pháp từ trừng phạt tài chính cá nhân giới quan chức, ngân hàng đến cấm vận xuất nhập khẩu mà biện pháp cuối cùng đánh thẳng vào các đại tập đoàn nhà nước từ năng lượng đến quân sự, hai ngành mũi nhọn của Nga.

Trong lãnh vực ngoại giao, từng là kẻ thọc gậy bánh xe tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, lần này nỗ lực của Nga triệu tập phiên họp « khẩn cấp » để đưa một « phái bộ nhân đạo của Nga » sang miền đông Ukraina đã bị Mỹ, Anh, Pháp khước từ.

Đại diện của Hoa Kỳ nhắc nhở đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc là các phái bộ của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ đã có mặt tại chỗ, sẵn sàng gia tăng nỗ lực cứu trợ thường dân. Nhưng do lỗi của Matxcơva không gây áp lực với phe nổi dậy tuân thủ kế hoạch hòa bình của Kiev cho nên tạo ra tình trạng xung đột và nạn nhân chiến cuộc.

Bị chặn tại Hội Đồng Bảo An, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Choigu chỉ thị cho các đơn vị gọi là « duy trì hòa bình » chuẩn bị chiến đấu. Theo Itar-Tass, bộ trưởng Choigu lập luận « thế giới đã thay đổi tận cơ bản » cho nên lính bảo vệ hòa bình cùng sẽ phải tham chiến bất cứ lúc nào.

Tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây dương NATO Anders Fogh Rasmussen hôm nay đến Kiev để thẩm định tình hình. NATO lo ngại Matxcơva lấy cớ « đưa phái bộ nhân đạo sang Ukraina để đưa quân đánh chiếm miền đông ». Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng cùng nhận định : đe dọa can thiệp quân sự của Nga đã tăng nhiều so với những ngày qua ».

Tại Kiev, một phát ngôn viên quân sự cho biết Ukraina đã « điều nghiên » mọi tình huống. Trong một cuộc điện đàm vào đêm qua 06/08 giữa Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraina Petro Porochenko, hai bên tỏ ra lo ngại về ý đồ của Nga khi đòi gửi « phái bộ duy trì hòa bình » sang Ukraina và vẫn tiếp tục chuyển giao vũ khí cho phe nổi dậy .

Một cuộc đọ sức thuần túy kinh tế như biện pháp trả đũa cấm nhập khẩu nông phẩm từ Mỹ và châu Âu sẽ bất lợi cho Putin. Một khi thực phẩm nhập khẩu, phục vụ hơn 30% nhu cầu quốc nội, bị khan hiếm, giá cả leo thang, liệu phản ứng của người dân Nga ra sao ?

Trong tình thế bế tắc này, phải chăng Tây phương trúng kế Matxcơva tạo cơ hội cho một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp hoặc là chính Vladimir Putin túng thế phải làm liều.

Nhà văn Ukraina Yuri Chtcherbak nhận định : hòa bình hay chiến tranh là do một người duy nhất quyết định. Người đó là Vladimir Putin : ông ta đã phạm tội ác với người slave, với Chính thống giáo, với quan hệ Nga-Ukraina. Ông ta đã đánh mất Ukraina, mất châu Âu và Hoa Kỳ. Một cuộc chiến tranh sẽ làm ông ta mất luôn nước Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.