Vào nội dung chính
BẮC ÂU

Bầu cử Thụy Điển : Liên đảng trung tả nhiều khả năng thắng

Ít ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội Thụy Điển ngày 14/09/2014, một loạt các điều tra dư luận cho thấy đối lập trung tả được sự ủng hộ của cử tri nhiều hơn hẳn liên đảng cầm quyền. Những thành tích về kinh tế của liên đảng cầm quyền không đủ để cánh này giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ nhật. Tuy nhiên, theo nhiều ghi nhận, sự khác biệt giữa hai cánh trung hữu và trung tả là không lớn.

Lãnh đạo đối lập Stefan Lofven trong một đối thoại với chính trị gia các đảng phái, kênh truyền hình TV4, Stockholm, 10/09/2014.
Lãnh đạo đối lập Stefan Lofven trong một đối thoại với chính trị gia các đảng phái, kênh truyền hình TV4, Stockholm, 10/09/2014. REUTERS/Pontus Lundahl/TT News Agency
Quảng cáo

Theo một điều tra của viện Demoskop được AFP trích dẫn, ba đảng đối lập, đảng xã hội dân chủ, đảng Xanh và đảng cánh tả được sự ủng hộ 48,5%, tăng 2,3 điểm so với cách nay một tháng. Trong khi đó liên đảng trung hữu (gồm phe Ôn hòa, cánh trung, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và các nhóm theo chủ nghĩa tự do) chỉ được 36,9% ủng hộ. Đảng cực hữu, những người Dân chủ Thụy Điển, đối lập việc tiếp nhận người nhập cư chỉ còn được 10,8% thiện cảm, so với 12,2 % cách nay một tháng.

Về nguyên do cử tri muốn trở lại bầu cho cánh trung tả, sau hai nhiệm kỳ cầm quyền của liên minh trung hữu, AFP có hồ sơ phân tích. Chính phủ Thụy Điển mãn nhiệm có thể tự hào là để lại « một kết quả kinh tế tốt », với nhiều thành tích như thị trường lao động trở nên năng động hơn, tăng trưởng kinh tế, tài chính công lành mạnh. Thụy Điển trở thành quốc gia có tỷ lệ dân cư có việc làm đứng hàng đầu Liên Hiệp Châu Âu (79,4% trong số những người ở độ tuổi lao động [từ 20 đến 64], theo Eurostat), trong khi mà vào năm 2006, trước khi đảng trung hữu nắm quyền, Thụy Điển còn đứng sau Đan Mạch. Mãi lực đã tăng cao trong thời gian cầm quyền của liên đảng trung hữu, đồng thời chính quyền đã hạ thấp áp lực thuế, cũng như nợ công, cùng lúc với các cải cách được giới kinh tế « theo trường phái tự do » ca ngợi.

Đảng đối lập chỉ trích tình trạng bất bình đẳng tăng cao

Tuy nhiên, những thành tích này không đủ để liên đảng cầm quyền giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ nhật. Vấn đề thất nghiệp là một chủ đề chính mà cánh tả nhắm tới.

Đảng Xã hội Dân chủ và ứng cử viên vào ghế Thủ tướng, ông Stefan Lofven, tập trung chỉ trích vào sự tương phản hiện nay giữa tỷ lệ thất nghiệp cao ở giới trẻ và các ưu tiên về thuế khóa mà các doanh nghiệp được hưởng. Trái ngược với nền kinh tế được xếp hạng "AAA", tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi là từ 20 đến 25%, gấp ba đến bốn lần tỷ lệ thất nghiệp trung bình. 

Về điều này, giáo sư chính trị học tại đại học Sodertorn, Ann-Catherine Junger, giải thích « Liên đảng cầm quyền đã theo đuổi một chính sách để mọi người đều làm việc, bởi vì khi làm việc thì họ có thể đóng góp và trả được thuế, để cho Thụy Điển có chi trả cho một Nhà nước phúc lợi…. Tuy nhiên, điều này không ổn đối với tất cả mọi người. Ví dụ như, các đài thọ cho những người bị nghỉ chữa bệnh dài ngày bị cắt giảm… Khác biệt xã hội tăng lên, thay vì giảm xuống ».

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), Thụy Điển thậm chí còn là nơi các bất bình đẳng xã hội tăng nhanh nhất, kể từ năm 2000, cho dù trước đó tỷ lệ này là thấp. Bất bình đẳng là điều nhạy cảm với rất nhiều công dân Thụy Điển, vốn có hình ảnh về quốc gia mình như là nơi lý tưởng bình đẳng ngự trị, cùng với sự thống trị liên tục của đảng Xã hội Dân chủ trên chính trường kể từ Thế Chiến Hai.

Đối ngược lại quan điểm này, nhiều người lại cho rằng các công dân Thụy Điển có xu hướng tiếc nuối quá khứ, khi mà Thụy Điển được coi là mẫu hình của một xã hội phối hợp tốt giữa kinh tế thị trường và Nhà nước phúc lợi xã hội. Cử tri đảng bảo thủ cánh hữu và một bộ phận trong giới doanh nhân chỉ trích chính sách thuế khóa nặng nề của cánh tả : Gần 65% GDP năm 1990, trước khi giảm xuống còn 52% năm 2013.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia khác, thì người ta thường hay phóng đại sự khác biệt giữa cánh trung tả và cánh trung hữu cầm quyền từ năm 2006. Ông Lars Magnusson, giáo sư kinh tế chính trị học tại đại học Uppsala, nhấn mạnh hai phe « thực sự là khá gần nhau ». Từ hai thập niên trở lại đây, dù khi còn cầm quyền hay khi đã trở thành đối lập, « những người Xã hội Dân chủ đều rất thận trọng trong đường lối ngân sách », bởi họ « còn nhớ rõ những kinh nghiệm thất bại trong những năm 1980 ».

Trung tả và trung hữu có thể lập chính phủ liên hiệp

Bài phân tích do đặc phái viên Le Monde gửi về từ Stockholm, mang tựa đề, « Thụy Điển : sự trở lại của một nền Dân chủ - Xã hội đang tắc nghẽn ý tưởng » (Le Monde, 12/09/2014), cũng chia sẻ nhận định này.

Tân lãnh đạo đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển, ông Stefan Lofven - rất có thể là Thủ tướng Thụy Điển tương lai -, vốn là chủ tịch của công đoàn IF Metall, một trong những nghiệp đoàn mà chính quyền trung hữu muốn thu hẹp ảnh hưởng trong những năm qua. Tuy nhiên, ông lại không phải là người theo quan điểm thiên mạnh về tả như người tiền nhiệm, ông Hakan Juholt, đắc cử lãnh đạo hồi tháng 3/2011, nhưng buộc phải từ chức không lâu sau (tháng 1/2012). Theo nhận xét của phóng viên Le Monde, lãnh đạo cánh tả Thụy Điển « là một nhà thương thuyết, người chủ trương tìm kiếm đồng thuận, chứ không phải là một bàn tay sắt ».

Với tân lãnh đạo Stefan Lofven, đảng Xã hội Dân chủ nghiêng về « lập trường thắt lưng buộc bụng ». Người phát ngôn của ông trong vấn đề kinh tế, Magdalena Andersson, « vốn được đánh giá có quan điểm thiên hữu, và là người phối hợp với Bộ trưởng bảo thủ mãn nhiệm Anders Borg, trình ra một chính sách đáng tin cậy nhất nhằm thực hiện mục tiêu giữ được thặng dư ngân sách (tức thu nhiều hơn chi), được coi là một tín điều của Thụy Điển kể từ sau cuộc khủng hoảng những năm 1990 ». Đảng Xã hội Dân chủ cũng bị chỉ trích vì không muốn tăng thuế đủ mức để chi trả cho Nhà nước phúc lợi, mà ngân sách đang thiếu hụt.

Ngược lại, nhiều doanh nhân – trong đó có cựu lãnh đạo Volvo, Pehr Gyllenhammar -, lại lo ngại về khoảng cách giàu nghèo gia tăng trong xã hội Thụy Điển, và nguy cơ lương lãnh đạo ngày càng cao, còn thất nghiệp lại gia tăng. Thậm chí, theo cựu lãnh đạo Volvo, « những người Xã hội Dân chủ và các đảng trung lưu truyền thống (les partis bourgeois) là gần gũi với nhau đến mức không có gì là lạ lùng khi họ thành lập một chính phủ liên hiệp ».

Các đảng lớn thiếu ý tưởng mới

Tóm lại, « Thận trọng và thực dụng » là nhận xét của Le Monde để nói về thái độ của liên đảng trung tả Thụy Điển hiện nay. Đảng này đang dè dặt trước xu thế ngả mạnh sang tả, để đáp ứng đòi hỏi của một bộ phận cử tri Thụy Điển, có thái độ chỉ trích đối với các bất bình đẳng gia tăng.

Lãnh đạo của đảng cánh tả đối lập, cũng như của đảng cầm quyền trước cuộc bầu cử, được tổng biên tập nhật báo Dagens Nyheter, báo có ấn bản lớn nhất Thụy Điển, nhận định là đã bị các cuộc tranh luận của quá khứ nhấn chìm, "thay vì vạch ra lộ trình hành động với các đề nghị mới, họ đã để cho các đảng nhỏ xác lập không gian của cuộc chơi". 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.