Vào nội dung chính
LIBYA - QUỐC TẾ

NATO bất đồng về vấn đề chỉ huy chiến dịch quân sự Libya

Trong lịch sử quân sự thế giới những thập kỷ gần đây, lần đầu tiên một liên quân quốc tế can thiệp quân sự mà không có bộ chỉ huy thống nhất. Chiến dịch của liên quân Pháp-Anh- Mỹ tại Libya không có một bộ chỉ huy duy nhất : mỗi nước sử dụng bộ tham mưu của riêng mình.

Hội nghị Paris trước khi mở chiến dịch quân sự tại Libya
Hội nghị Paris trước khi mở chiến dịch quân sự tại Libya REUTERS/Ian Langsdon/Pool
Quảng cáo

Cho tới nay, dù là ở Kosovo, Afghanistan, hay ở châu Phi, các chiến dịch đa quốc gia đều nằm dưới một ngọn cờ duy nhất, hoặc là Liên Hiệp Quốc, hoặc Liên Hiệp Châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Trong khi đó, chiến dịch của liên quân Pháp-Anh- Mỹ tại Libya lại là một ngoại lệ, tức là không có một bộ chỉ huy duy nhất, mỗi nước sử dụng bộ tham mưu của riêng mình và chỉ có phối hợp với nhau mà thôi.

Khi một mình mở các cuộc oanh tạc đầu tiên vào lúc 17h45 ngày 19/03/11, nước Pháp rõ ràng là muốn khẳng định vai trò hàng đầu về mặt chinh trị, ngoại giao và quân sự trong cuộc chiến dịch can thiệp vào Libya. Nhưng theo một chuyên gia quân sự châu Âu, ít có khả năng là Paris sẽ chỉ huy chiến dịch này, vì dẫu sao, lịch sử gần đây cho thấy là Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận nằm dưới sự chỉ huy của một nước khác về mặt chiến lược. Hơn nữa, ngay từ đầu, chính quyền Obama đã tỏ vẻ rất dè dặt về chiến dịch do Pháp khởi xướng.

Hiện giờ, mọi việc còn tương đối đơn giản, do chủ yếu chỉ mới có ba nước Pháp, Anh, Mỹ tham gia thực hiện nghị quyết Liên Hiệp Quốc về việc thiết lập vùng cấm bay Libya. Nhưng sắp tới đây, nhiều quốc gia khác sẽ tham gia chiến dịch, như Ý, Bỉ, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Tây Ban Nha, Qatar và Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập. Việc phối hợp sẽ phức tạp hơn. Chưa gì Na Uy loan báo tạm đình chỉ việc huy động chiến đấu cơ F-16 của nước này vào chiến dịch cho tới khi nào vấn đề chỉ huy được làm rõ.

Thành ra, nhiều nước trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương ( NATO ) trong những ngày qua đã yêu cầu để cho khối quân sự này thay thế liên quân quốc tế. Ngày 21/03/11 thủ tướng Ý Silvio Berluconi đã nêu lên yêu cầu như trên trong một cuộc họp báo tại Turino. Thậm chí trước đó, tại Bruxelles, Ngoại trưởng Ý ông Franco Frattini còn nói là nếu NATO không được giao quyền chỉ huy chiến dịch ở Libya, Roma có thể sẽ không cho phép sử dụng các căn cứ của Ý nữa.

Ngay cả nước Anh, qua lời thủ tướng David Cameron, hôm qua (21/03/11) cũng đã ủng hộ việc để cho NATO nắm quyền chỉ huy. Nhưng Luân Đôn nêu lên khả năng là một sĩ quan Pháp, Anh hoặc Mỹ đứng đầu bộ chỉ huy. Về phần tổng thống Mỹ Barack Obama, viếng thăm Chilê hôm qua, thì tuyên bố là trong vài ngày nữa, khối NATO « sẽ đóng một vai trò » trong chiến dịch oanh tạc Libya.

Nhưng nước Pháp thì vẫn dứt khoát không muốn NATO thay thế liên quân quốc tế, với lý do là: nếu khối NATO đứng ra chỉ huy chiến dịch can thiệp vào Libya, các nước Ả Rập sẽ không tham gia và tệ hại hơn nữa, họ sẽ lên án chiến dịch này.

Sau cuộc họp của Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đã tuyên bố « NATO sẵn sàng yểm trợ liên quân trong những ngày tới ». Điều này cho thấy là Paris chỉ chấp nhận cho Liên minh Bắc Đại Tây Dương một vai trò phụ, chứ không phải là vai trò trọng tâm. Rõ ràng là Paris muốn sử dụng những phương tiện của NATO, nhưng lại không muốn mọi người thấy lá cờ của NATO.

Vấn đề lại càng rối rắm hơn nữa vì một số nước như Đức hoặc Thổ Nhĩ Kỳ không muốn NATO, nếu có can thiệp vào Libya, lại mở các cuộc oanh tạc giống như liên quân hiện nay, tức là những nước này bất đồng không phải là về vai trò chỉ huy của NATO, mà là về bản chất sự can thiệp của khối này.

Tóm lại, Libya sẽ tiếp tục là đề tài gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ khối NATO, trong khi mà ngay cả bản nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cũng chưa rõ ràng về định nghĩa của cái gọi là « vùng cấm bay », khiến cho ngay cả một số nước phương Tây như Ý và Đức cũng chỉ trích liên quân là oanh tạc vào những mục tiêu trên bộ ( hệ thống phòng không và thiết giáp ), thay vì chỉ giới hạn trong việc thiết lập vùng cấm bay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.