Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH

Liên hoan Venise chiếu phim lên án trại tù cải tạo Trung Quốc

Báo Le Monde giới thiệu bộ phim mới nhất của đạo diễn Trung Quốc Vương Bính, với bài viết: "Một phim truyện Trung Quốc lên án nhà tù lao cải dưới thời Mao Trạch Đông". Được quay lén tại Trung Quốc để tránh lưỡi kéo kiểm duyệt, bộ phim này tranh giải Sư tử vàng tại liên hoan phim quốc tế Venise 2010.

Đạo diễn Trung Quốc Vương Bính (DR)
Đạo diễn Trung Quốc Vương Bính (DR)
Quảng cáo

Theo Le Monde, yếu tố "bất ngờ" luôn là nét hấp dẫn truyền thống của Liên hoan phim Venise. Năm 2005, đạo diễn Trung Quốc Giã Chương Kha cũng đã bất ngờ giành giải Sư tử vàng với phim « Lương Nhân vùng Tam Hiệp ». Còn năm nay, khán giả cũng không khỏi bất ngờ khi đến với bộ phim tài liệu « Giáp Biên Câu » của đạo diễn Vương Bính, được trình chiếu vào ngày 6 tháng 9.

« Giáp Biên Câu » đề cập đến một giai đoạn lịch sử khá nhạy cảm ở Trung Quốc. Vào những năm 50, Mao Trạch Đông phát động phong trào « trăm hoa đua nở », theo đó, chính phủ Bắc Kinh kêu gọi mọi người tự do góp ý, phê bình chính quyền và Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Thế nhưng, những lời chỉ trích ngày càng gắt gao, vượt mức tưởng tượng của giới cầm quyền, nên Mao Trạch Đông đã « đổi ý » và ra lệnh trấn áp những người bị cho là « hữu khuynh ». Nào là nhà trí thức, đảng viên, nhà giáo, bác sỹ … hễ ai bị kết tội đều bị đày đi lao động cưỡng bức.

Thực tế từ năm 1957 đến năm 1961, có đến hơn 400 000 người bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức. Bộ phim phản ánh cuộc sống người tù ở trại Giáp Biên Câu và các khu trại phụ cận, tọa lạc ở sa mạc Nội Mông, thuộc vùng tiếp giáp với Mông Cổ. Trại này đã tiếp nhận đến 3000 người và có 2 500 người đã chết ở đó do kiệt sức và đói khát, một hình ảnh mà theo Le Monde, làm người ta liên tưởng đến các trại tập trung của Đức Quốc Xã.

Vương Bính đã thực hiện bộ phim này trong 6 năm, trong điều kiện « bất hợp pháp » : các cảnh quay đều được thực hiện lén lút. Nội dung phim được phỏng theo quyển sách mang tên « Khúc hát người tử nạn trong những khu tử thần dưới thời Mao Trạch Đông », của nhà văn Dương Hiển Huệ, xuất bản vào năm 2003. Quyển sách kể về một sự thật đau lòng : tù nhân bị tra tấn, những xác chết mất tay chân, cảnh ăn phân, các đụn cát bị biến thành hố chôn người chết…

Vương Bính đã phát triển nội dung này theo cách riêng của mình, ông tâm sự : « Trước kia, tôi cũng có biết về lịch sử các vụ đàn áp chống « hữu khuynh », nhưng quyển sách này cho tôi biết thêm nhiều điều mà ít ai biết đến. Tôi cảm thấy mình cần phải nghe trực tiếp lời kể của những người tù sống sót. Tôi đã tiếp xúc được hơn 100 người như vậy. Theo tôi, hiểu đúng lịch sử Trung Quốc hiện đại là điều cần thiết.

Thế nhưng, điều tệ hại là cho đến tận ngày nay, Chính phủ vẫn « im hơi lặng tiếng » về vụ việc, còn thế hệ trẻ thì không hiểu và không quan tâm đến lịch sử ». Tờ báo cũng cho biết rằng quyển sách của Dương Hiển Huệ đã không thu hút được sự chú ý của đại đa số độc giả Trung Quốc. Còn về bộ phim « Giáp Biên Câu », đạo diễn Vương Bính dự đoán : ít nhất cũng phải 30 năm nữa thì bộ phim này mới được cho phép chiếu trên đất nước Trung Hoa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.