Vào nội dung chính
VĂN HOÁ - ĐIỆN ẢNH

Bí mật vẫn bao trùm ngày và nơi sinh của Charlie Chaplin

Những hồ sơ lưu trữ của cơ quan tình báo Anh quốc MI5 vừa được công bố hôm qua 17/2/2012 tại Luân Đôn cho thấy không có dấu vết nào về việc Charlie Chaplin sinh ở Luân Đôn và những hồ sơ này cũng đặt nghi vấn về điều gọi là « tính chất nguy hiểm » về chính trị của diễn viên nổi tiếng với vai hề Charlot.

Vua hề Charlot trong bộ phim "The kid" năm 1921 (Public domain)
Vua hề Charlot trong bộ phim "The kid" năm 1921 (Public domain)
Quảng cáo

Từ năm 1952, cơ quan tình báo Anh quốc đã được đại sứ quán Mỹ giao nhiệm vụ điều tra về Chaplin, bị cáo buộc là đã bí mật cấp tiền cho Đảng Cộng sản Mỹ vào năm 1932 và sau đó tiếp tục duy trì mối quan hệ với đảng này. 

Nhưng các hồ sơ lưu trữ của MI5 không tìm thấy gì chứng minh cho điều đó. Họ cũng không tìm thấy một giấy khai sinh nào chứng nhận là vua hề Charlot đã sinh tại Luân Đôn tháng 4 năm 1889, tại một khu phố nghèo, trước khi di cư sang Mỹ vào năm 1910, như người ta vẫn tưởng.

Trong tiểu sử của vua hề Charlie Chaplin, người ta vẫn ghi rằng ông sinh ngày 16/4 năm 1889 ở đường East Street, khu Walworth, Nam Luân Đôn. Tức là ông chỉ sinh 4 ngày trước nhà độc tài Đức Quốc xã Adolf Hitler, nhân vật mà Charlot đã chế nhạo trong bộ phim « The Great Dictator » ( Tên độc tài ) năm 1940, một bộ phim nay thuộc hàng kinh điển. 

Cũng theo cơ quan MI5, không có băng chứng gì cho thấy tên thật của Charlie Chaplin là Israel Thornstein, tên họ một gia tộc Do Thái Nga, như Hoa Kỳ vẫn thường nói. Tình báo Anh quốc cũng bác bỏ điều cho rằng Charlie Chaplin, tên thật là Charlie Spencer, có thể đã sinh ra ở Pháp, cụ thể là ở Fontainebleau hay Melun, như điều vẫn thường được truyền tụng. 

Việc không tìm thấy giấy khai sinh của Charlie Chaplin thật ra chẳng làm cho các lãnh đạo tình báo Anh quan ngại, bởi vì đối với họ điều đó không quan trọng xét về mặt an ninh quốc gia. 

Năm 1953, Chaplin đã đến Luân Đôn để quảng bá cho một bộ phim của ông, nhưng sau đó đã bị cấm quay trở về nước Mỹ, nơi mà lúc đó chủ nghĩa chống Cộng McCarthy đang dâng cao đến tột đỉnh, cuộc săn lùng những người bị xem là Cộng sản hoặc thân Cộng sản diễn ra khắp mọi nơi, nhìn đâu cũng thấy gián điệp của Liên Xô. Chaplin bị xếp vào diện « cảm tình viên Cộng sản » cho dù ông vẫn khẳng định không hề ủng hộ Cộng sản. 

Năm năm sau đó, cơ quan tình báo Anh vẫn không tin vào những lời cáo buộc của Mỹ và đã đi đến kết luận rằng không có yếu tố nào khẳng định vua hề Charlot là phần tử nguy hiểm đối với an ninh quốc gia. Đối với các lãnh đạo MI5, Charlie Chaplin là một nhân vật « cấp tiến » hơn là một người Cộng sản, cho dù tên của ông vẫn được sử dụng để phục vụ cho chủ nghĩa Cộng sản với tư cách là một trong những nạn nhân của chủ nghĩa McCarthy. 

Bị cấm trở về Hoa Kỳ, Charlie Chaplin đã sang định cư ở Thụy Sĩ, nơi mà ông qua đời năm 1977. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.