Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Vladimir Putin – Kim Jong Un : Thượng đỉnh của hai kẻ bị ruồng bỏ

Xã luận của Le Monde ngày 14/09/2023 nhấn mạnh « Kim-Putin : Một thượng đỉnh đáng ngại của những kẻ bị ruồng bỏ ». Nếu việc hai lãnh đạo Nga và Bắc Triều Tiên gặp mặt hôm qua được coi là sự thú nhận yếu kém của Kremlin, đây cũng là một giai đoạn mới, lật lại sự đồng thuận quốc tế trong việc chống phát triển vũ khí nguyên tử.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thăm sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga ngày 13/09/2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thăm sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga ngày 13/09/2023. via REUTERS - SPUTNIK
Quảng cáo

Cuộc gặp giữa Vladimir Putin và Kim Jong Un tiếp tục được báo chí Pháp đề cập đến. Les Echos chú ý đến việc « Kim Jong Un hứa giúp đỡ Putin trong "cuộc chiến đấu thiêng liêng chống chủ nghĩa đế quốc » phương Tây. Le Monde coi « Cuộc gặp Putin-Kim là việc dàn cảnh cho một sự hợp tác mà một phần vẫn còn trong vòng bí mật ». Tương tự với La Croix « Bắc Triều Tiên và Nga xích lại gần : Một sự dàn dựng khôn ngoan ». Le Figaro nhận thấy « Putin và Kim muốn tỏ ra là bạn tốt ở Vostotchny ». Libération mỉa mai « Kim và Putin, chiến binh vũ trụ ».

Một cuộc hôn nhân lý trí, đạn dược đổi công nghệ ?

Hai nhà độc tài gặp gỡ tại Vostochny hôm qua, tại một nhà máy lắp ráp các giàn phóng phi thuyền thế hệ mới Angara. Địa điểm được lựa chọn không phải ngẫu nhiên, mà nhằm biểu dương sức mạnh, cho dù mới đây tàu thăm dò Luna-25 được hỏa tiễn Soyouz phóng đi đã bị vỡ tan trên Mặt Trăng. Còn chế độ Bình Nhưỡng, lần thứ hai trong vòng ba tháng, đã thất bại trong việc đưa vào quỹ đạo một vệ tinh gián điệp.

Tuy vậy nhà nghiên cứu Antoine Bondaz của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược vẫn lo ngại về khả năng Nga phát triển hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn. Một giả thiết khác là Matxcơva chuyển giao công nghệ liên quan đến tàu ngầm, hỏa tiễn địa-hải. Tuần trước với sự hiện diện của Kim Jong Un, Bình Nhưỡng đã tưng bừng làm lễ hạ thủy chiếc tàu ngầm mới nhất được đặt tên là Hero Kim Kun Ok. Được giới thiệu là « tàu ngầm nguyên tử chiến thuật », chiếc tàu ngầm này thuộc lớp Sinpo-C, tức phiên bản tân trang của loại Rome do Nga chế tạo nhưng dùng động cơ diesel. Hero Kim Kun Ok có thể mang theo các hỏa tiễn kích thước to hơn với số lượng lớn hơn (ít nhất là 10 chiếc).

Theo truyền thông Bắc Triều Tiên, gần đây Kim Jong Un đã đến các nhà máy vũ khí rất nhiều lần để thúc giục công nhân đẩy mạnh tốc độ sản xuất súng trường, drone và hỏa tiễn. Nhìn chung, việc chuyển giao những vũ khí này không làm thay đổi hẳn tình thế chiến trường ở Ukraina, nhưng giúp Matxcơva tiếp tục theo đuổi cuộc chiến. Những tháng gần đây, số lượng đạn pháo rơi xuống mỗi ngày trên 800 kilomet chiến tuyến không ngừng giảm xuống. Dù Matxcơva cố gia tăng sản xuất nhưng vẫn không đủ cho chiến trường, và kho dự trữ đã vơi hẳn.

Ông Bondaz cho rằng cuộc gặp này trước hết là nhằm trưng ra cảnh đôi bên xích lại gần nhau, thay vì một sự hợp tác cụ thể. « Nga dùng Bắc Triều Tiên để gây sợ hãi, còn Bình Nhưỡng có lợi vì giá trị chiến lược tăng lên, giúp đạt được một số nhượng bộ ». Chẳng phải là một liên minh mà là một cuộc hôn nhân lý trí. Hơn nữa nếu giao đạn pháo cho Nga, Bắc Triều Tiên chẳng mất gì sau nhiều năm đã bị cấm vận. Về phía các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc lo ngại Bình Nhưỡng lợi dụng cuộc chiến để tăng cường trọng lượng trên trường quốc tế, các chuyên gia nghĩ rằng lần này phương Tây khó thể gây áp lực.

Trục tội ác mới đối đầu với phương Tây  

Xã luận của Le Monde nhấn mạnh « Kim-Putin : Một thượng đỉnh đáng ngại của những kẻ bị ruồng bỏ ». Nếu việc hai lãnh đạo Nga và Bắc Triều Tiên gặp mặt hôm qua 13/09 được coi là sự thú nhận yếu kém của Kremlin, đây cũng là một giai đoạn mới, xét lại sự đồng thuận quốc tế trong việc chống phát triển vũ khí nguyên tử.

Không thể có mặt tại hội nghị thượng đỉnh BRICS cuối tháng Tám ở Nam Phi và G20 ở Ấn Độ mới đây vì bị truy nã quốc tế, Vladimir Putin đành phải gặp Kim Jong Un ở vùng Viễn Đông Nga. Ông chủ điện Kremlin, đã trở thành kẻ bị ruồng bỏ đối với nhiều nước trên thế giới, họp một thượng đỉnh thảm hại với Kim Jong Un, người bị quốc tế tẩy chay từ khi lên nắm quyền cách đây hơn một thập niên do chương trình vũ khí nguyên tử.

Bắc Triều Tiên nằm trong số những nước hiếm hoi ủng hộ việc Nga xâm lăng Ukraina. Quốc gia bị cô lập đang cần đến viện trợ thực phẩm, tiền bạc cũng như hợp tác trong lãnh vực công nghệ, tất nhiên là nhằm mục đích quân sự. Nếu Bình Nhưỡng chuyển giao đạn dược, sẽ là sự thú nhận yếu kém của Vladimir Putin lẫn kỹ nghệ vũ khí Nga. Kho vũ khí Bắc Triều Tiên rất đáng kể và lại phù hợp với thiết bị Nga, tuy nhiên độ tin cậy còn phải xem lại do cấm vận. Tỉ lệ trượt mục tiêu của Bắc Triều Tiên khá nhiều trong vụ oanh kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010.

Cuộc chiến chống phổ biến vũ khí nguyên tử : Nạn nhân gián tiếp

Tuy vậy không nên coi nhẹ cuộc gặp giữa hai nhân vật này. Trên thực tế, đó là một trục bạo lực chống phương Tây, mà không ít nước vẫn ngầm ủng hộ. Thông cáo chung của G20 ở Ấn Độ mà Matxcơva đạt được, ra vẻ trung dung về cuộc xâm lăng Ukraina, là một bằng chứng. Ngoài toan tính chiến lược tệ hại, Putin còn tỏ ra vô trách nhiệm. Tháng 7/2022, ông ta thăm Iran trong lúc cả thế giới đang lo ngại về việc Teheran tái thúc đẩy chương trình hạt nhân, chỉ vì rất cần các drone để tấn công Ukraina hàng ngày.

Việc bình thường hóa quan hệ với Kim Jong Un là một cảnh báo mới, nhất là sau khi bộ trưởng quốc phòng Nga Seiguei Shoigu đi thăm một cuộc triển lãm quân sự của Bình Nhưỡng có trưng bày vũ khí nguyên tử, mặc nhiên coi cuộc phiêu lưu của Bắc Triều Tiên là hợp pháp. Cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hạt nhân có nguy cơ trở thành nạn nhân gián tiếp của sự chia rẽ trên thế giới về chủ đề này, và nước Nga của Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm.

Bầu cử ngay trong thời chiến ở Ukraina ?

Liên quan đến Ukraina, Le Monde nói về thế lưỡng nan trong việc tổ chức bầu cử ngay trong thời chiến. Nếu Nga không xâm lược, cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 10 và bầu tổng thống vào tháng 3/2024. Trước sự thúc giục của Hoa Kỳ, chính quyền Ukraina không từ chối, nhưng nhấn mạnh đến những khó khăn trong việc tổ chức.

Cuộc xâm lăng của Nga đã làm đảo lộn tất cả, và Hiến Pháp cấm bầu cử khi đất nước đang trong tình trạng thiết quân luật. Như vậy muốn tổ chức bỏ phiếu theo đúng hạn định phải sửa luật. Tuy nhiên vẫn có nhiều lời kêu gọi từ Hoa Kỳ để bầu cử dù trong thời chiến, họ so sánh với Israel vẫn đang chiến tranh từ 30 năm qua. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng sẵn sàng tổ chức, « đây không phải là vấn đề dân chủ mà chỉ đơn thuần về an ninh ».

Ông nêu ra vô số trở ngại : Người dân sống tại vùng tạm chiếm làm thế nào đến phòng phiếu ? Hàng trăm ngàn chiến binh trên mặt trận, và 8 triệu người tị nạn ở nước ngoài thì sao ? Làm cách nào bảo đảm an toàn cho các quan sát viên quốc tế ? Chi phí cũng là một thách thức : trong thời bình đã là 5 tỉ hryvnia (125 triệu euro), còn thời chiến khó thể biết được sẽ lên đến bao nhiêu. Tuy nhiên Zelensky loại trừ việc « dùng tiền mua vũ khí cho việc bầu cử » vì bất hợp lệ.

Sẽ không ứng cử viên nào vượt nổi Zelensky

Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham và Tiny Kox, quan chức Hội đồng Châu Âu vẫn cho rằng Kiev nên tổ chức, dù bị Nga tấn công thường xuyên. Tổng thống Zelensky đồng ý với điều kiện Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu chia sẻ chi phí, Quốc Hội cho phép sửa luật, và toàn bộ dân chúng có thể đi bầu, điều kiện thiết yếu cho một cuộc bỏ phiếu hợp pháp.

Le Monde nhận thấy tại Ukraina, những lời kêu gọi trên đây gây phẫn nộ. Volodymyr Fessenko, chủ tịch trung tâm nghiên cứu Penta nói : « Bầu cử gì bây giờ ? Người ta đang thả bom xuống chúng tôi ! ». Xã hội dân sự cũng chia sẻ quan điểm này, không hề có đòi hỏi trong dân chúng là phải bầu cử. Phía chính phủ cũng tin rằng nếu bầu tổng thống năm 2024, Volodymyr Zelensky sẽ chiến thắng, hiện không ai có thể cạnh tranh được với ông.

Chỉ có tổng tham mưu trưởng quân đội Valeri Zaloujny là được yêu mến hơn tổng thống đôi chút (88 % so với 86 %, theo nghiên cứu của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev hồi tháng Năm), nhưng vị tướng này chưa bao giờ bày tỏ tham vọng chính trị. Đô trưởng Kiev, Vitali Klitschko, đối thủ tiềm năng của Zelensky, chỉ được 62 % ủng hộ, còn cựu tổng thống Petro Porochenko chỉ có 21%. Theo nhà nghiên cứu Andreas Umland, áp lực từ các đối tác quốc tế cho thấy sự « ngây thơ » của họ, và cuộc tranh luận gây nghi ngờ là nhằm buộc Volodymyr Zelensky phải ngồi vào bàn thương lượng với Matxcơva.

Xe điện giá rẻ Trung Quốc tràn ngập, Châu Âu điều tra bán phá giá

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết « Bruxelles mở điều tra chống phá giá đối với xe hơi Trung Quốc ». Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen chỉ trích « việc trợ giá vô cùng lớn từ ngân sách » mà Bắc Kinh dành cho các nhà sản xuất xe hơi điện ở Hoa lục, để phá giá trên thị trường xe hơi châu Âu. Quyết định trên đây là gáo nước lạnh cho kỹ nghệ xe hơi Trung Quốc, chưa đầy một tuần sau khi phô trương tham vọng tại hội chợ xe hơi lớn nhất châu Âu ở Munich.

Từ nhiều tháng qua, Ủy ban đã nghiên cứu hồ sơ này, ghi nhận rất nhiều kênh tài trợ từ nguyên vật liệu đến chế tạo, sản xuất bình điện, lắp ráp xe hơi, phát triển các phần mềm và trí thông minh nhân tạo. Theo luật châu Âu, Ủy ban có quyền áp dụng thuế hải quan tạm thời để trả đũa trong vòng 9 tháng, và trừng phạt này có thể trở thành chính thức. Các nhân tố liên quan không hề ngạc nhiên, vì việc Bắc Kinh trợ giá cho các nhà sản xuất xe hơi điện đã diễn ra từ nhiều năm qua.

Pháp dùng tiêu chí « xanh » để đối phó

Theo CSIS, ngành xe hơi Trung Quốc đã nhận được gần 60 tỉ đô la từ ngân sách công trong thập niên 2009-2019. Còn theo Bruxelles, trợ giá có nhiều dạng, từ cấp ngân sách trực tiếp cho công ty và các nhà thầu phụ, cho vay, đầu tư với điều kiện ưu đãi, trợ giá điện, chế độ thuế khóa rất nhẹ. Nếu không có cuộc điều tra nào trong những năm qua, đó là vì Berlin cản trở, sợ các hãng xe Đức hiện diện tại Hoa lục bị trả đũa. Nhưng nay bà Leyen buộc lòng phải ra tay dưới áp lực của Pháp.

Bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire đang thăm Berlin hoan nghênh quyết định này, và đáng ngạc nhiên là đồng nhiệm Đức Robert Habeck cũng đồng tình. Phải chăng vì thị phần xe hơi điện Trung Quốc tại châu Âu đã tăng gấp đôi kể từ 2021 ? Le Figaro nói thêm, còn phải kể đến nhiều tập đoàn xe hơi Trung Quốc thuộc sở hữu của chính quyền địa phương hoặc trung ương như SAIC với thương hiệu MG là của Thượng Hải, FAW là quốc doanh. Riêng Pháp chuẩn bị quy định để hạn chế nhập xe điện, theo lượng khí thải carbone trên mọi công đoạn – một vũ khí bảo hộ « xanh ».

Vụ hỏa hoạn ở Hà Nội lên báo Pháp

Về vụ cháy « chung cư mini » 10 tầng ở Hà Nội làm 56 người thiệt mạng, chỉ có Libération đưa kịp một tin ngắn trên báo giấy, các nhật báo khác đăng trên trang web dựa theo tin của AFP. Tất cả nhấn mạnh đến chi tiết không có lối thoát hiểm khiến các nạn nhân khó thoát tay tử thần, và tại Việt Nam đã từng xảy ra những vụ hỏa hoạn làm chết nhiều người trong những năm gần đây, do không áp dụng các quy định căn bản về an toàn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.