Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Năm 2024, dân chủ sẽ ca khúc khải hoàn hay xuống dốc trên thế giới ?

Tất cả các báo Pháp đều nghỉ Tết Dương lịch, ngoài Le Monde ra số đúp từ cuối tuần. Nhân ngày đầu năm, RFI Việt ngữ xin điểm qua số báo đặc biệt của The Economist về những dự báo cho năm 2024. Tờ báo cho rằng năm 2024 sẽ là năm căng thẳng đối với những ai quan tâm đến tự do dân chủ. Trên lý thuyết, dân chủ sẽ lên ngôi nhưng trên thực tế có thể ngược lại.

Sức mạnh quân sự Mỹ vẫn vô địch. Trong ảnh, hàng không mẫu hạm USS Dwight D.Eisenhower và các chiến hạm khác đi qua eo biển Ormuz vào Vịnh Ba Tư ngày Chủ nhật 26/11/2023 để răn đe Iran trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas.
Sức mạnh quân sự Mỹ vẫn vô địch. Trong ảnh, hàng không mẫu hạm USS Dwight D.Eisenhower và các chiến hạm khác đi qua eo biển Ormuz vào Vịnh Ba Tư ngày Chủ nhật 26/11/2023 để răn đe Iran trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas. AP - Information Technician Second Class Ruskin Naval
Quảng cáo

Phân nửa cư dân Trái Đất đi bầu năm 2024

Hơn phân nửa dân số thế giới sẽ đi bầu trong năm nay, và tính theo tỉ lệ tham gia gần đây, gần 2 tỉ cử tri của 70 quốc gia sẽ đến phòng phiếu. Nhiều cuộc bầu cử sẽ củng cố ngôi vị của các nhà cai trị phi tự do, tham nhũng hoặc bất tài. Và kỳ bầu cử quan trọng nhất là bầu tổng thống Mỹ sẽ phủ bóng lên chính trị toàn cầu, trong bối cảnh xung đột từ Ukraina đến Trung Đông.

Một số cuộc bầu cử chỉ là hình thức, như ở Belarus hay Rwanda câu hỏi duy nhất là tổng thống mãn nhiệm có thể đạt tỉ lệ 100 % hay không. Tại Nga, sau khi sửa đổi Hiến Pháp để xóa bỏ hạn chế về số nhiệm kỳ, Vladimir Putin chắc chắn sẽ tiếp tục làm tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp (tính thêm thời gian đổi vai với Medvedev là năm).

Hầu hết lá phiếu là ở châu Á, với nguy cơ phi tự do càng cao. Tại Ấn Độ, Narendra Modi tận dụng thành công địa chính trị dù đàn áp Hồi giáo ; tổng thống Joko Widodo của Indonesia quyết củng cố triều đại, Bangladesh đã chuyển sang bước ngoặt độc tài. Châu Phi bầu cử nhiều nhất nhưng từ 2020 đã có 9 chế độ lên nắm quyền bằng cách đảo chánh. Tại Nam Phi, ba thập niên hậu apartheid, đảng ANC tiếp tục ngự trị trong một đất nước tham nhũng, tội phạm và thất nghiệp lan tràn.

Bầu cử Mỹ luôn là trung tâm chú ý của toàn thế giới

Tin tức không phải hoàn toàn xấu. Mêhicô sẽ có nữ tổng thống đầu tiên vì hai ứng cử viên đều là phụ nữ. Cử tri Anh rốt cuộc sẽ có được sự chọn lựa giữa hai ứng viên có năng lực. Một số cuộc bầu cử có tác động ra bên ngoài biên giới như Đài Loan. Nếu Quốc dân đảng thắng, trước mắt sẽ giảm nguy cơ xung đột với Trung Quốc nhưng trong trung hạn có thể thúc đẩy Bắc Kinh phiêu lưu, dẫn đến sự đối đầu giữa hai đại cường.

Tuy nhiên không gì có thể so sánh với bầu cử tổng thống Mỹ, vừa ngoạn mục lại vừa tác động đến toàn thế giới. Lần này là giữa hai ứng cử viên đều lớn tuổi mà đa số cử tri đều không muốn họ ra tranh cử. Theo The Economist, một nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump có thể làm tăng xu hướng tự cô lập của Hoa Kỳ và gây thiệt hại cho Ukraina.

Chiến tranh Ukraina bế tắc, Putin không thể kéo dài mãi

Cuộc chiến tranh ở Ukraina có thể rơi vào bế tắc. Kiev muốn tổ chức tấn công vào mùa xuân nhưng không tập hợp đủ sức mạnh bộ binh, thiếu đạn pháo. Putin muốn có những chiến thắng biểu tượng như ở Avdiivka nhưng việc liên tục tung binh lính kém huấn luyện vào những trận đánh ác liệt khiến quân đội Nga yếu đi mà không thay đổi được gì trên chiến tuyến. Chiến lược của Kremlin rất đơn giản : tiếp tục cho đến khi nào các đồng minh của Ukraina chán nản. Nhưng Vladimir Putin không thể tài trợ cho cuộc chiến của mình mãi mãi.

Cho đến nay, tiền bạc không phải là vấn đề. Trong năm đầu tiên của cuộc xâm lăng, xuất khẩu của Nga đạt 590 tỉ đô la chủ yếu nhờ dầu khí, đến năm thứ hai có giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 60 tỉ. Trung Đông loạn lạc khiến giá dầu bị đẩy lên, có lợi cho Putin. Nhưng nếu chiến tranh kéo dài, Donald Trump không quay lại Nhà Trắng và phương Tây tiếp tục viện trợ cho Kiev thì tổng thống Nga sẽ nằm trong thế khó. Trong quá khứ, mỗi lần tín nhiệm bị sụt giảm, Vladimir Putin lại giải quyết bằng cách phát động một cuộc chiến, nhưng lần này lá bài không còn xài được nữa.

Israel chuẩn bị chiến đấu lâu dài ở Gaza

Tại Trung Đông, Israel chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Những ngày cuối năm 2023, lực lượng Israel đã được triển khai khắp mọi ngõ ngách Gaza. Một sư đoàn thiết giáp hoạt động ở khu vực mà tình báo cho rằng tiểu đoàn còn nguyên vẹn cuối cùng của Hamas đang cầm cự. Xa hơn về phía nam, bảy lữ đoàn tác chiến tập trung ở Khan Younis, thành phố lớn thứ hai có thể là nơi trú ẩn của các thủ lãnh Hamas và đa số con tin. Những đơn vị khác tấn công vào hang ổ Hamas ở miền trung và nam Gaza.

Những tuần lễ gần đây, Tsahal cho phép phóng viên ngoại quốc thăm các địa đạo, để chứng tỏ Hamas lãng phí những nguồn lợi quý giá để xây dựng cả một vương quốc dưới lòng đất, mặc cho người dân sống trong nghèo khó. Để phá hủy mạng lưới đường hầm kiên cố dài mấy trăm cây số, quân đội Israel cần chiếm đóng trong nhiều tháng, và một loạt trận đánh đẫm máu với quân Hamas đang ẩn núp. Tsahal muốn chuẩn bị do người dân Israel và đồng minh về một cuộc chiến lâu dài.  Tuy nhiên chiến tranh đã gây rối loạn cho nền kinh tế, hơn nửa triệu người đang phải chiến đấu trong khi dân số cả nước chưa đến 10 triệu ; bên cạnh đó áp lực của Mỹ đòi giảm các cuộc tấn công cũng rất lớn.

Vẫn chưa bắt được đầu sỏ Hamas, giải cứu con tin

Hai tháng sau chiến dịch trên bộ, quân đội Israel cho rằng đa số các tiểu đoàn Hamas ở Gaza đã bị đánh tan. Tổ chức Hồi giáo này có 24 tiểu đoàn trong đó có 12 đóng ở Gaza, Tsahal đang tiếp tục chiến đấu với 9 tiểu đoàn khác (3 tiểu đoàn còn lại chưa tham gia) ; và đã làm ngưng được những vụ bắn rốc-kết vào các thành phố Israel.

Vòng kềm tỏa của Hamas lên cư dân đã yếu đi, dân chúng đói khát bắt đầu tấn công các đoàn xe tiếp tế đi vào Dải Gaza. Dù vậy quân đội Israel vẫn chưa đạt được hai mục tiêu chính là tiêu diệt hoặc bắt giữ các thủ lãnh chính của Hamas, và giải cứu các con tin còn lại.

Thủ tướng Benjamin Netanyahou tuyên bố chiến đấu đến cùng. Nhưng các tướng lãnh đang âm thầm lên kế hoạch thu hẹp quy mô chiến dịch, trong khi các sứ giả của ông Netanyahou đến Washington và Cairo để thảo luận về thỏa thuận ngưng bắn và bàn giao Gaza cho chính quyền mới. Hình thức chiến tranh có thể thay đổi nhưng trước mắt chưa thể kết thúc.

Can thiệp ở Ukraina và Trung Đông, Mỹ vẫn bảo vệ được Đài Loan ?

Với hai cuộc chiến tranh Ukraina và Gaza, liệu Hoa Kỳ có thể bảo vệ Đài Loan hay không, khi sức mạnh Mỹ bị dàn trải ở nước ngoài và suy yếu ở trong nước ? Khi Joe Biden nhậm chức, ưu tiên của ông là thiết lập mối quan hệ ổn định với Nga, chấm dứt các cuộc chiến liên miên ở Trung Đông để tập trung cho kinh tế nước Mỹ và cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng tình hình lại diễn biến khác hẳn : Nga xâm lăng Ukraina, Hamas tấn công Israel.

Mỹ vẫn là người khổng lồ quân sự, chiếm 39 % ngân sách quốc phòng thế giới, nhưng không còn độc quyền ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chính quyền Biden đã nỗ lực sửa chữa những thiệt hại do người tiền nhiệm gây ra. NATO đoàn kết, mở rộng và ra sức ủng hộ Ukraina. Các đồng minh châu Á cũng giúp một tay, như Nhật Bản tăng chi phí quốc phòng, Úc siết chặt quan hệ, thỏa thuận AUKUS, Philippines cho đặt thêm căn cứ quân sự...và Washington có thể mở rộng quan hệ đối tác trong năm 2024.

Tất cả còn tùy thuộc vào độ tin cậy và năng lực của Mỹ. Lầu Năm Góc đã từ bỏ yêu cầu xưa nay là Hoa Kỳ có thể tiến hành cùng lúc hai cuộc chiến tranh lớn, thay vào đó là tìm cách răn đe một đại địch đồng thời đối phó với một cuộc tấn công ở nơi khác. Tại châu Âu, Biden trợ giúp Ukraina nhưng không gởi quân viễn chinh Mỹ, ở Trung Đông, hai hàng không mẫu hạm được điều đến để ngăn cản Iran và các lực lượng tay sai. Trở ngại duy nhất cho việc duy trì vị thế quốc tế của Hoa Kỳ có lẽ là tình trạng chính trị trong nước. Nếu phe Cộng Hòa thành công trong việc giảm viện trợ cho Ukraina năm 2024, các đồng minh trên toàn thế giới sẽ run rẩy, và càng run sợ hơn nếu Donald Trump lại đắc cử tổng thống.

Trung Quốc chia rẽ thế giới nhưng rao giảng hòa hợp

Tại Trung Quốc, các nhà lãnh đạo lợi dụng sự chia rẽ của toàn cầu nhưng đồng thời rao giảng tinh thần hòa hợp, Tập Cận Bình tiếp tục củng cố quyền lực.Bắc Kinh đổ thừa phương Tây dựng lên các rào cản thương mại, hô hào ủng hộ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) : chính nhờ các nước giàu mở cửa năm 2001 mà Trung Quốc đã cất cánh.

Đối với Trung Quốc, cuộc chiến ở Ukraina mang lại cả rủi ro lẫn cơ hội. Bắc Kinh trục lợi nhờ Nga bị cô lập, buộc phải bán dầu lửa, khí đốt, khoáng sản và vũ khí cho Trung Quốc nhưng bị ép nhận đồng nhân dân tệ không thể chuyển đổi. Giờ đây Trung Quốc có thể mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á hoặc Bắc Cực mà không sợ bị Nga chống đối. Nếu năm 2024 có cơ hội mở ra đàm phán để chấm dứt chiến tranh ở Ukraina, Bắc Kinh sẽ nhảy vào đóng vai người hòa giải.

Trong khi đó, cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trung Quốc, cũng như Nga, sẽ rất vui mừng nếu Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập, quay lại với trật tự thế giới thế kỷ 19 - trong đó các cường quốc tha hồ hành xử trong phạm vi ảnh hưởng của họ. Nhưng hy vọng lớn nhất của ông Tập là Trung Quốc không bị bêu trên trang nhất các báo về dân chủ, nhân quyền ; và như vậy bộ máy tuyên truyền Trung Quốc cũng như các « chiến binh sói » phải biết kềm chế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.