Vào nội dung chính
VĂN HÓA - NHIẾP ẢNH

Sabine Weiss, nhà nhiếp ảnh Pháp-Thụy Sĩ qua đời ở tuổi 97

Làng nhiếp ảnh quốc tế vừa đánh mất một tài năng lớn. Từng được giới phê bình công nhận là gương mặt cuối cùng của phong trào ''nhiếp ảnh nhân văn'', bà Sabine Weiss đã từ trần tại Paris hôm 29/12/2021 vừa qua, hưởng thọ 97 tuổi. Bà Sabine Weiss đã để lại một di sản đồ sộ, hàng trăm ngàn bức ảnh chụp trong hơn 7 thập niên sự nghiệp.

 Nhiếp ảnh gia Pháp gốc Thụy Sĩ, Sabine Weiss, tháng 07/2020.
Nhiếp ảnh gia Pháp gốc Thụy Sĩ, Sabine Weiss, tháng 07/2020. © AFP/Loïc Venance
Quảng cáo

Nổi tiếng từ những năm 1970 trở đi, Sabine Weiss (gốc Thụy Sĩ, nhập tịch Pháp vào năm 1995) ban đầu làm việc trong ngành nhiếp ảnh quảng cáo và thời trang. Nhưng tài năng của bà được công nhận, nhờ các tấm ảnh chụp ngoài công việc, trong những lúc nhàn rỗi. Đó chủ yếu là những tác phẩm nghệ thuật đen trắng, nắm bắt những khoảnh khắc trong cuộc sống thường nhật nhưng đầy nét thơ mộng và dễ gây xúc động. Sabine Weiss không cần đi đâu xa mà chủ yếu chụp ảnh đường phố Paris để phản ánh cuộc sống xung quanh bà.

Cho dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp, nhưng lối tiếp cận nhạy cảm của bà Sabine Weiss (1924-2021), lại gần gũi với hai đồng nghiệp Robert Doisneau và Willy Ronis chuyên chụp ảnh về Paris. Họ dẫn đầu phong trào ''nhiếp ảnh nhân văn'' (theo định nghĩa của người Pháp) có từ thời hậu chiến, khi chọn đời sống hàng ngày của con người làm chủ đề trọng tâm, với lối quan sát tinh tế, góc nhìn tường tận, các nhà nhiếp ảnh luôn có ánh mắt trìu mến trên những mảnh đời mà họ bắt gặp để rồi thu gọn vào ống kính.

Lúc sinh tiền, nhà nhiếp ảnh tài ba Robert Doisneau từng nhận xét rằng : Những tuyệt tác trong cuộc sống thường nhật rất thú vị, không có đạo diễn nào có thể dàn dựng những điều bất ngờ mà ta có thể nhìn thấy trên đường phố. Tuy không hẹn, nhưng những bức ảnh chụp của Sabine Weiss thiên về xu hướng này, nắm bắt những khoảnh khắc đột xuất, những tình huống thoáng nhìn giản dị mà lại tiềm ẩn nhiều nét bất ngờ.

70 năm hoạt động trong làng nhiếp ảnh

Sinh trưởng tại làng Saint-Gingolph ở vùng biên giới Pháp và Thụy Sĩ, Sabine Weiss đam mê nhiếp ảnh từ khi còn nhỏ, gia đình không khá giả nên Sabine Weiss chịu khó dành dụm tiền ăn hàng ngày, để có thể mua chiếc máy chụp hình đầu tiên năm 12 tuổi. Đến năm 17 tuổi, Sabine Weiss bỏ học dù chưa thi xong tú tài để chọn hẳn lãnh vực nhiếp ảnh, tìm kiếm một chỗ làm có liên quan với nghề này, dung hòa được cả hai vế công việc và sở thích cá nhân.

Trong vòng 3 năm liền, Sabine Weiss đã trao dồi tay nghề, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật nhiếp ảnh khi làm việc trong studio của gia đình Boissonnas tại thành phố Genève : công việc rửa hình, chỉnh sửa ảnh chụp giúp cho Sabine Weiss nắm vững cách điều chỉnh ánh sáng. Về điểm này, Sabine Weiss sau đó phát huy sở trường trong cách dùng ánh sáng và độ tương phản. Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của nhà nhiếp ảnh này là tác phẩm ''Paris, contrejour'' (Paris, ngược sáng - 1953), chụp một người đàn ông đang chạy giữa đường phố. Tác phẩm này hiện được cất giữ trong bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Pháp.

Kể từ năm 1946, Sabine Weiss đến Paris lập nghiệp, hoạt động như một nhà nhiếp ảnh tự do. Trong 4 năm liền, Sabine Weiss làm trợ lý cho ông Willy Maywald, một nhà nhiếp ảnh chuyên về thời trang và chân dung nghệ sĩ. Đó là khoảng thời gian Sabine Weiss làm việc để kiếm sống ban ngày, nhưng khi chiều đến, khi thành phố vừa lên đèn, Sabine Weiss rất thích thả bộ, lang thang đi chụp ảnh dọc hè phố. Đến đầu những năm 1950, Sabine Weiss trở thành một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, làm việc theo hợp đồng ngắn hạn hay theo đơn đặt hàng. Trong vòng nhiều thập niên, bà làm việc cho thương hiệu Printemps tại Paris, chụp hình quảng cáo, hoặc thực hiện bộ ảnh để đăng thành catalogue giới thiệu các cửa hàng lớn.

Trong công việc, Sabine Weiss chỉ chụp hình màu, theo nhu cầu của thế giới thời trang hay quảng cáo. Đến giờ tan sở, bà lại cầm camera lang thang trên phố Paris hay ở vùng ngoại ô Saint Cloud, gần nơi bà sống, để chụp ảnh đời thường, chủ yếu là các bức chân dung trẻ em đang nô đùa trên sân cát hay rong chơi ngoài bãi cỏ. Hồn nhiên, sống động, chân dung trẻ em trở thành các tác phẩm xuất sắc nhất của nhà nhiếp ảnh này. 

Có lẽ cũng vì ngay từ đầu, Sabine Weiss quan niệm rằng chụp ảnh là một sở thích cá nhân hơn là một bộ môn nghệ thuật, cho nên bà ít khi nào làm quen với giới nghệ sĩ nhiếp ảnh hoặc tìm cơ hội trưng bày các bức ảnh chụp của mình. Bà cho biết lúc còn trẻ thì khá bận rộn với công việc để mưu sinh, để nuôi gia đình. Bà chủ yếu làm quen với giới văn nghệ sĩ thông qua ông chồng là họa sĩ người Mỹ Hugh Weiss. Cũng từ những mối quan hệ ấy mà bà đã chụp ảnh chân dung cho các bạn hữu trong giới nhân vật nổi tiếng, kể cả các danh họa hay nghệ sĩ như Georges Braque, Alberto Giacometti hay Niki de Saint Phalle, còn trong số các nhà văn, nhạc sĩ và ngôi sao màn bạc có Françoise Sagan, Charlie Parker, Romy Schneider, Jeanne Moreau, Brigitte Bardot …..

Gương mặt nữ hiếm hoi thuộc trường phái ''nhiếp ảnh nhân văn''

Một cách rất ngẫu nhiên, vào đầu năm 1952, trong lúc bà đang làm việc trong văn phòng của tạp chí thời trang Vogue, bà gặp mặt nhà nhiếp ảnh trứ danh Robert Doisneau, lớn hơn bà 12 tuổi. Tài nghệ chụp ảnh của Sabine Weiss lọt vào mắt của ông và nhờ vậy mà bà trở thành cộng tác viên của hãng nhiếp ảnh Rapho, quy tụ nhiều tên tuổi lớn của phong trào ''nhiếp ảnh nhân văn'' thịnh hành tại thủ đô Paris thời hậu chiến, trong số này có Willy Ronis hoặc Édouard Boubat. Trong phong trào này, bà là một gương mặt nữ hiếm hoi và cũng là người đại diện cuối cùng.

 Từ giữa những năm 1950 trở đi, Sabine Weiss bắt đầu đi khắp thế giới để chụp ảnh phóng sự. Ông Charles Rado, nhà sáng lập hãng nhiếp ảnh Rapho tạo thêm điều kiện cho bà Sabine Weiss hợp tác với nhiều tờ báo có uy tín tại Hoa Kỳ, trong đó có các tạp chí Newsweek, Time, Life …... Sabine Weiss trở thành một trong những nữ nghệ sĩ châu Âu đầu tiên có ảnh chụp được giới thiệu nhân các cuộc triển lãm lớn, lúc đầu tại Viện nghệ thuật Chicago (Art Institute of Chicago) vào năm 1954, và sau đó nữa là tại Trung tâm Nghệ thuật Walker ở thành phố Minneapolis (Walker Art Center of Minneapolis).

Nhân cuộc triển lãm lớn về châu Âu thời hậu chiến "Post War European Photography", bà Sabine Weiss có 7 tác phẩm được trưng bày. Ông Edward Steichen, nhiếp ảnh gia kiêm trưởng ban điều hành Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) tại New York, cũng đã chọn một số tác phẩm của Sabine Weiss nhân cuộc triển lãm huyền thoại "The Family of Man" vào đầu năm 1955, tập hợp khoảng 270 nhà nhiếp ảnh quốc tế, được cho là tiêu biểu nhất thời bấy giờ.  

Cho dù đã thành danh, tên tuổi của bà không còn xa lạ với các nhà phê bình hay giới chuyên hoạt động trong ngành nhiếp ảnh, nhưng Sabine Weiss vẫn ít quan tâm đến việc giới thiệu hay trưng bày các tác phẩm của mình. Do có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc, một công việc đủ để kiếm sống, cho nên bà cảm thấy an phận không đòi hỏi gì hơn. Mãi tới năm 1978, sau một cuộc triển lãm tại thành phố Arras, Robert Doisneau mới thuyết phục được Sabine Weiss về tính chất nghệ thuật trong nghề nhiếp ảnh. Bà bắt đầu nhìn lại kho ảnh chụp của mình, tập hợp và sắp xếp lại theo từng chủ đề để có thể giới thiệu thông qua các cuộc triển lãm.

 Kho tài liệu gồm hơn 200.000 tác phẩm của Sabine Weiss

Từ thời điểm ấy, tác phẩm của Sabine Weiss mới trở nên phổ biến rộng rãi hơn khi thường xuyên xuất hiện nhân các liên hoan hay sự kiện văn hóa. Trong những năm gần đây, Sabine Weiss đã nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có giải "Women in Motion" đề cao 70 năm sự nghiệp của Sabien Weiss, nhân kỳ liên hoan nhiếp ảnh quốc tế tại thành phố Arles vào năm 2020.

 Khi qua đời vào cuối tháng 12/2021, Sabine Weiss đã để lại qua di chúc một kho tài liệu gồm hơn 220.000 bức ảnh và phim âm bản cho Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại Élysée tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ). Về phía Pháp, có khá nhiều tác phẩm đặc sắc của bà, hiện được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp. Phần lớn đều cho thấy các tác phẩm phản ánh chẳng những nhãn quan mà cả tính cách của nữ tác giả, một con người khá giản dị chân phương, lúc nào cũng khiêm tốn kín đáo trong những mối quan hệ đời thường.

Trong cách dùng ánh sáng và độ tương phản, trong cách sắp đặt bố cục giữa độ mờ và chỗ sắc nét, thủ pháp của Sabine Weiss tuy thuộc cùng một trường phái với Robert Doisneau hay Willy Ronis, nhưng vẫn hoàn toàn không thể lẫn với bất cứ ai. Đối với một nhà nhiếp ảnh không dám tự xưng mình là một nghệ sĩ, Sabine Weiss rốt cuộc đã thành công điều mà rất nhiều nghệ sĩ không làm được : tránh bắt chước cách làm của người khác để tìm ra một ngôn ngữ sáng tạo, cho dù chưa hoàn hảo nhưng trước sau gì vẫn là của riêng mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.