Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Pháp : Chính phủ dọa « can thiệp » giải tỏa các kho xăng dầu

Phong trào đình công, phong tỏa các nhà máy lọc dầu của TotalEnergies và Esso-ExxonMobil tiếp tục, tình trạng khan hiếm xăng dầu trên khắp nước Pháp vẫn căng thẳng. Chính phủ bắt đầu gia tăng áp lực với các công ty cũng như nghiệp đoàn, tuyên bố sẵn sàng « can thiệp » giải tỏa các kho.

Ảnh minh họa : Các tài xế xếp hàng để mua xăng tại một nhà ga ở Lyon, Pháp ngày 11/10/2022.
Ảnh minh họa : Các tài xế xếp hàng để mua xăng tại một nhà ga ở Lyon, Pháp ngày 11/10/2022. AP - Laurent Cipriani
Quảng cáo

Các trạm xăng dầu đóng cửa, hàng trăm xe xếp hàng chờ được đổ nhiên liệu, giá xăng dầu bị đội lên, đó là cảnh tượng có thể thấy trên khắp nước Pháp nhiều ngày nay. Cho đến tối hôm qua (10/10), gần 1/3 số trạm xăng dầu trên cả nước Pháp vẫn trong tình trạng không có hàng bán, theo số liệu của chính phủ. Trong khi đó Tổng Liên Đoàn Lao Động CGT thông báo kéo dài cuộc đình công ít nhất thêm 24 giờ. Chính phủ liên tục kêu gọi thương lượng về lương và chấm dứt tình trạng phong tỏa nguồn cung cấp xăng dầu. Nhưng hai bên lãnh đạo các công ty liên quan và nghiệp đoàn đều không tìm được tiếng nói chung. 

Trước tình trạng bế tắc, tối hôm qua, thủ tướng Pháp, bà Elisabeth Borne ngay sau chuyến công du Algerie trở về đã triệu tập cuộc họp khẩn một số bộ trưởng liên quan để tìm giải pháp. Phát ngôn viên của chính phủ, ông Olivier Veran, trên đài phát thanh RTL, sáng hôm nay cho biết chính phủ kêu gọi gỡ bỏ ngay lập tức tình trạng phong tỏa các kho nhiên liệu, nếu không sẽ « can thiệp » để giải tỏa.

Theo một nguồn tin tham gia cuộc họp chính phủ tối qua, kịch bản can thiệp của chính phủ có thể sẽ là gây áp lực với lãnh đạo công ty Esso-ExxoMobil và TotalEnergies cố gắng nhượng bộ công đoàn để chấm dứt tình trạng khan hiếm nhiên liệu.

Trong khi chờ đợi kết quả thương lượng, chính phủ đã quyết định lấy một phần xăng dầu trong kho dự trữ chiến lược để cung ứng cho người tiêu dùng. TotalEnergies cũng đã phải nhập thêm xăng dầu bù vào số thâm hụt do hai nhà máy lọc dầu của họ đóng cửa.

Đến lúc này, cuộc đọ sức giữa các công ty và CGT vẫn tiếp tục. Công đoàn đòi tăng lương người lao động 10% cho năm 2022, thay vì mức 3,5% đã thương lượng hồi đầu năm. Cơ sở cho các đòi hỏi của họ là trong quý đầu năm 2022, hai tập đoàn khổng lồ ngành dầu khí này đã thu lãi hơn 10 tỷ đô la. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.