Vào nội dung chính
PHÁP - CẢI TỔ HƯU TRÍ

Pháp: Biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố phản đối việc luật cải cách hưu trí được thông qua

Ngay sau khi Hội Đồng Bảo Hiến xác nhận một phần luật cải cách chế độ hưu trí, từ Paris đến Marseille, hàng nghìn người chống cải cách đã xuống dường tại một số thành phố lớn để biểu tình phản đối và bày tỏ nỗi giận dữ.

Người biểu tình tụ tập bên ngoài Tòa thị chính Paris, Pháp, hôm 14/04/2023.
Người biểu tình tụ tập bên ngoài Tòa thị chính Paris, Pháp, hôm 14/04/2023. AP - Michel Euler
Quảng cáo

Tại Paris, khoảng 4.000 người biểu tình tập trung trước Tòa Thị Chính, theo lời kêu gọi của một số công đoàn, đã la ó phản đối khi phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến được công bố.

Sau đó, theo ghi nhận của cảnh sát, hàng trăm người đã tỏa ra tuần hành trên một số đường phố ở trung tâm thủ đô, một số đã đốt thùng rác bên đường và có một số hành vi đập phá. Lực lượng an ninh đã can thiệp, và câu lưu hơn 100 người.

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở thành phố Lille ở miền bắc, Toulouse và Marseille ở miền nam hay Strasbourg ở miền đông. Dữ dội nhất là tại thành phố Rennes ở miền tây : Một nhóm biểu tình đã phóng hỏa đốt cửa một đồn cảnh sát ở trung tâm thành phố và cửa của một trung tâm hội nghị nằm trong tu viện Jacobins cổ kính. Để chữa cháy, cảnh sát đã phải dùng đến xe vòi rồng, dự kiến để giải tán biểu tình.

Dẫu sao thì đối với các công đoàn Pháp, cuộc đấu tranh chống cải cách hưu trí vẫn chưa kết thúc và họ đặt rất nhiều hy vọng vào ngày biểu dương lực lượng hùng hậu dự trù vào đúng ngày Lễ Lao Động 1/5 sắp tới đây.

Theo chuyên gia chính trị học Dorian Dreuil thuộc Quỹ Nghiên Cứu Jean-Jaurès, đồng thời là giảng viên Đại Học Paris Nanterre, trong cuộc đọ sức đang tiếp diễn, bên thắng có lẽ là các công đoàn, còn bên thua là giới làm chính trị:

“Chỉ có những kẻ thua cuộc. Trong một chừng mực nào đó, các thể chế là bên thua cuộc, vì lẽ tình trạng bế tắc đang diễn ra có nguy cơ đào sâu sự phân cách, sự rạn nứt dân chủ, đặc biệt là với những thành phần trẻ tuổi nhất đang phản ứng chống lại cách vận hành như đang diễn ra của các thể chế.

Hành pháp cũng là bên thua cuộc, vì uy tin bị sứt mẻ về mặt chính trị cũng như về khả năng điều hành và lãnh đạo các cuộc cải cách sắp tới.

Phe đối lập cũng là bên thua cuộc vi chỉ còn có thể dựa vào quần chúng để phản ứng chống lại chính phủ.

Cuối cùng, bên chiến thắng có lẽ là những công đoàn, đã mạnh mẽ trở lại và nhất là đã thu hút được giới trẻ, điều đã lâu không còn thấy nữa. Theo tôi, các công đoàn đã nêu được tấm gương về đoàn kết và quyết tâm, một bài học chính trị về động viên xã hội, về khả năng điều hướng nỗi tức giận của đất nước và trên hết là hiểu được những khát vọng mới về dân chủ và xã hội đang xuất hiện tại Pháp. Vì vậy, có lẽ giới chính trị cũng nên lấy đó làm nguồn cảm hứng.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.