Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Phong trào phản đối cải tổ hưu trí: Sự kiện của năm 2023 tại Pháp

Theo giới quan sát, phong trào chống dự luật cải tổ hưu trí kéo dài nhiều tháng đầu năm nay là sự kiện để lại dấu ấn mạnh nhất trong đời sống chính trị, xã hội Pháp năm 2023.

Les députés de la la gauche réagissent à la réforme des retraites avec des pancartes disant «64 ans, c'est non», à l'Assemblée nationale, le 20 lars 2023.
Các nghị sĩ cánh tả giơ bảng chữ "Nói không với 64 tuổi" tại Quốc Hội Pháp, Paris, ngày 20/03/2023. © Lewis Joly / AP
Quảng cáo

Cuộc phản kháng đã bắt đầu từ cuối năm 2022 trong bối cảnh chính quyền quyết tâm thông qua dự luật nâng tuổi về hưu từ 62 lên 64, bất chấp các bất đồng rộng lớn trong xã hội. Ngay khi chính phủ trình Quốc Hội dự luật cải tổ hưu trí ngày 10/01, liên hiệp các nghiệp đoàn Pháp, gồm 8 nghiệp đoàn, tố cáo dự luật ‘‘mang tính áp đặt’’. Kể từ ngày 19/01 cho đến khi dự luật được thông qua, tổng cộng đã có 14 ngày tuần hành phản kháng trên toàn quốc. Có những ngày biểu tình thu hút đến một triệu người tham gia, theo số liệu cảnh sát. Biểu tình diễn ra ngay tại nhiều đô thị nhỏ và vừa, vốn ít quen thuộc với các hoạt động phản kháng chống chính quyền.

Việc chính quyền quyết định sử dụng điều 49.3 để thông qua dự luật ngày 16/03 đã vấp phải sự phản kháng dữ dội của các đảng đối lập. Điều 49.3 được dự trù trong Hiến Pháp trong trường hợp chính phủ không có được sự ủng hộ của đa số quá bán trong Quốc Hội để thông qua luật. Việc sử dụng điều khoản này đặt chính phủ của thủ tướng Elisabeth Borne trước nguy cơ phải giải tán. , Các đảng phái đối lập, từ cực tả đến cực hữu, ủng hộ một kiến nghị chống lại dự luật. Chỉ thiếu ít phiếu thì kiến nghị này đã được thông qua. 

Chính quyền Macron chủ trương đẩy nhanh việc phê chuẩn luật cải tổ hưu trí. Ngày 14/04, Hội Đồng Bảo Hiến Pháp đã bác bỏ khiếu nại của đối lập, thông qua gần như toàn bộ dự luật cải cách. Phong trào phản kháng vẫn tiếp tục kéo dài cho đến đầu tháng 6, thời điểm mà liên hiệp các nghiệp đoàn chấp nhận thất bại. 

Bất chấp phong trào phản kháng dự luật cải tổ hưu trí, được đại đa số dân Pháp ủng hộ, dự luật rút cuộc đã được thông qua. Tuy nhiên, cuộc đọ sức hiếm có nói trên giữa các nghiệp đoàn với chính quyền đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong đời sống xã hội Pháp. Phong trào đã thu hút nhiều thành phần xã hội lâu nay vốn ở bên lề các hoạt động nghiệp đoàn. Việc chính phủ sử dụng điều 49.3 để áp đặt dự luật bị chỉ trích là mất lòng dân, cũng để lại nhiều hệ quả cho tương lai. Nhiều người, như ông François Hommeri (nghiệp đoàn CFE – CGC), lo ngại các chính quyền kế tiếp có thể lạm dụng biện pháp này. 

Riêng về luật cải tổ hưu trí đã được thông qua, trước mắt một trong các vấn đề căn bản nhất là trách nhiệm của chính phủ tạo việc làm cho người cao tuổi. Nâng tuổi hưu trí đồng nghĩa với việc phải có thêm nhiều chỗ làm chấp nhận người cao tuổi về hưu muộn hơn. Hiện tại chính phủ đang thúc đẩy các tổ chức của giới chủ và các nghiệp đoàn nỗ lực hơn để tìm ra các giải pháp ‘‘mới mẻ và đủ tầm vóc’’. Các cuộc đàm phán phải hoàn tất vào tháng 3 tới. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.