Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Trung Á : Một lối thoát kinh tế cho Nga

Bắc Kinh và Matxcơva đang nhắm đến việc kết hợp Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đề xướng với Liên minh Á – Âu do Nga lãnh đạo. Điều này báo hiệu một sự quan tâm mới đối với chiến lược của Trung Quốc mà Nga từng coi là một thách thức. 

Russia's President Vladimir Putin, left, and Chinese President Xi Jinping, right, attend the Roundtable Summit Phase One Sessions of Belt and Road Forum at the International Conference Center at Yanqi
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tham dự diễn đàn Sáng kiến Vành đai Con đường, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, hồ Nhạn Tê (Yanqi), Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/05/2017. AP - Lintao Zhang
Quảng cáo

Theo các nhà phân tích được South China Morning Post trích dẫn, việc hợp tác với Bắc Kinh có thể giúp Matxcơva lấy lại niềm tin từ các nước láng giềng ở Trung Á, hiện đang lo ngại trở thành một « Ukraina tiếp theo ».

Khi Trung Quốc thời Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) năm 2013, nước Nga của Vladimir Putin tỏ ra không mấy hào hứng trước các nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ tại các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Kyrsyzstan... Vào thời điểm đó, Vladimir Putin xem sáng kiến trên của Tập Cận Bình như là một thách thức cho sự thống trị của Nga tại một khu vực mà Nga xem là « sân sau » nhà mình.

EEU vs BRI

Năm 2015, tổng thống Nga cho thành lập Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU), quy tụ các nước thuộc Liên Xô cũ như Armenia, Belarus, Kazakstan và Kyrgyzstan, nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và các lợi ích địa chính trị của riêng mình ở Trung Á. Kế hoạch này cũng nhằm đối phó với thị trường chung và liên minh thuế quan của Liên Hiệp Châu Âu (EU), được hình thành từ những năm 1990.

Nhưng khi Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraina, mối đoàn kết trong khối bị sứt mẻ do một số nước thành viên của EEU lo lắng trước nguy cơ trở thành một Ukraina tiếp theo. Bên cạnh đó là những khó khăn do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt nhắm vào Matxcơva trong nhiều lĩnh vực từ mua bán năng lượng, giao dịch ngân hàng.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, diễn ra ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, phó thủ tướng Nga Alexey Overchuk đề cập đến việc Nga và Trung Quốc đang thảo luận về khả năng « cải thiện kết nối » sáng kiến BRI với liên minh EEU. Theo quan điểm của Wang Yimei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại đại học Nhân dân Trung Quốc, sự việc cho thấy Nga muốn « tận dụng ảnh hưởng của Trung Quốc để lấy lại niềm tin từ các nước láng giềng, đặc biệt là sự mất lòng tin từ Kazakhstan ».

Trên thực tế, vào năm 2015, Bắc Kinh và Matxcơva đã từng có các thỏa thuận liên kết EEU và BRI, nhằm xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt đi từ Trung Quốc đến châu Âu đi qua Trung Á. Đây là điều mong muốn của Bắc Kinh từ nhiều năm trước, hy vọng « hội nhập Á – Âu » nhiều hơn, biến các chương trình hợp tác song phương thành hợp tác đa phương, tạo thêm động lực cho các kế hoạch trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), ví dụ tuyến đường sắt Trung Quốc – Kyrgyzstan – Uzbekistan, dài 523 km, được đề xuất từ năm 1990, đi đến châu Âu mà không cần quá cảnh qua Nga.

Kết nối EEU với BRI : Cơ hội phát triển kinh tế cho Nga

Nhưng việc xây dựng tuyến đường này chỉ mới bắt đầu từ 2023 do việc « Nga nghi ngờ về sự hiện diện của Trung Quốc ở "sân sau", còn Trung Quốc thì lo lắng khả năng tồn tại về mặt thương mại ». Chuyên gia Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington, nhận định, trong bối cảnh đang bị sa lầy trong cuộc chiến ở Ukraina, « Nga không còn lựa chọn nào tốt hơn là mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc. »

Chính sách này của Nga được thể hiện rõ trong các cuộc gặp giữa hai thủ tướng Nga và Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng 5 và tháng 12/2023. Chủ đề này rất có thể sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình – Vladimir Putin, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024.

Còn theo phân tích từ Zoon Ahmed Khan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu, trụ sở ở Bắc Kinh với SCMP, chiến tranh Ukraina và các lệnh trừng phạt của phương Tây đẩy Nga ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trước triển vọng châu Âu tiếp tục giảm mua năng lượng, Nga sẽ tìm cách « mở rộng sự hiện diện của mình tại các thị trường châu Á và các nước đang trỗi dậy ở phương Nam thông qua dự án Vành đai và Con đường ».

Kế hoạch phối hợp EEU và BRI có thể giúp phát triển các hành lang giao thông nối Nga và Trung Quốc với các nước Á – Âu khác, xây dựng các đường ống năng lượng, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các cơ chế tạo thuận lợi cho thương mại. Chuyên gia Khan lưu ý thêm rằng, kế hoạch này sẽ còn mang lại cho Trung Quốc cơ hội hồi sinh dự án Con Đường Tơ Lụa Bắc Cực, cho các tuyến hàng hải xuyên Đại Tây Dương. Và dự án này trùng với sáng kiến của Nga về một tuyến hàng hải phía Bắc ! 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.