Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Kế hoạch « Tầm nhìn » : Hòa bình cho một phía của Donald Trump tại Cận Đông ?

Đăng ngày:

Ngày 28/01/2020, tổng thống Donald Trump công bố Kế hoạch Hòa bình cho Cận Đông tại Nhà Trắng, trước sự hiện diện của thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu nhưng không có đại diện của Palestin. Phải chăng đây là một kế hoạch hòa bình thật sự hay lại là kế hoạch chiếm đóng mới ?

Bản đồ bên phải: Vùng lãnh thổ Nhà nước Palestin tương lai theo kế hoạch Hòa bình "Tầm nhìn" của TT.Donald Trump.
Bản đồ bên phải: Vùng lãnh thổ Nhà nước Palestin tương lai theo kế hoạch Hòa bình "Tầm nhìn" của TT.Donald Trump. Montage Ocha/Maison Blanche
Quảng cáo

« Jerusalem vẫn sẽ là thủ đô không thể chia cắt của Israel (…) Tôi muốn rằng thỏa thuận này là một thỏa thuận tuyệt vời cho người dân Palestin. Với tôi, thỏa thuận hôm nay là một cơ hội lịch sử để cuối cùng thì người Palestin có thể thành lập một Nhà nước độc lập cho chính họ sau 70 năm bế tắc ».

Trên đây là trích đoạn phát biểu của nguyên thủ Mỹ về kế hoạch hòa bình cho Cận Đông. Kế hoạch mang tên « Tầm nhìn » (Vision) của Donald Trump còn cho phép Israel sáp nhập các khu định cư Do Thái nằm rải rác trên khắp vùng Cisjordani vào lãnh thổ Israel. Đổi lại, Israel cam kết sẽ ngưng mở rộng các khu định cư. Người dân Palestin sinh sống trong các khu định cư Do Thái có 4 năm để quyết định đi hay ở lại với Israel. Tuy nhiên, người tị nạn Palestin vẫn không được phép trở về Israel.

Một Nhà nước độc lập cho Palestin : Bất khả thi ?

Kế hoạch vừa công bố, một câu hỏi được đặt ra : Hòa bình này là cho ai ? Tuần báo Anh The Economics không ngần ngại đặt tựa : « Kế hoạch hòa bình một bên của Donald Trump ». Bên đó là ai ? Le Monde thẳng thừng khẳng định « Kế hoạch hòa bình của Trump cho Cận Đông, một sự đi theo các yêu sách của Israel chưa từng có ». Tuần báo L’Obs của Pháp thì nói đến « Thảm họa thứ hai ». Báo chí Pháp cũng như giới chuyên gia tại đây đều cho rằng đây là một bản kế hoạch hòa bình « thiên vị », bất cân xứng, quá ưu đãi cho Israel.

Theo đó, những nhượng bộ mà tổng thống Mỹ dành cho Israel là quá lớn. Những gì Palestin nhận được là những mảnh đất bị chia cắt thành từng mảnh. Hơn nữa để được công nhận là Nhà nước độc lập, Palestin còn phải thỏa mãn các yêu cầu về an ninh của Israel như phải phi quân sự hóa, giải giáp các lực lượng vũ trang…

Ông Majed Bamya, nhà ngoại giao thuộc phái bộ Palestin ở Liên Hiệp Quốc trong chương trình Tranh Luận của kênh truyền hình quốc tế France 24 đặt câu hỏi : Người dân Palestin làm thế nào có được một Nhà nước độc lập khi mà tính chất liên tục một vùng lãnh thổ bị xé vụn, quyền tự vệ của một dân tộc bị tước đoạt ?

Ông nói : « Theo tôi, điều quan trọng đáng nói là kế hoạch của Mỹ được thành lập trên cơ sở là phải chấp nhận điều mà họ gọi là thực tiễn nhưng trên thực tế là bất hợp pháp. Đối với người dân Palestin, đó là điều không thể chấp nhận được, đây cũng là điều không thể chấp nhận cho cả thế giới, bởi vì đây sẽ là một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm, có thể khuyến khích các nước đi chiếm đóng, xây dựng các khu định cư để rồi sau đó cho sáp nhập.

Chúng tôi muốn có một Nhà nước Palestin độc lập. Đây là cơ sở cho mọi tiến trình hòa bình. Ngay cả thỏa thuận Oslo, mục tiêu sau cùng là đi đến việc thành lập một Nhà nước độc lập. Tôi không hiểu làm sao chúng tôi có một Nhà nước độc lập mà không có chủ quyền. Thế nên, chẳng có Nhà nước độc lập nào cả trong đề xuất này. Đây rõ ràng là một cái tát cho nền hòa bình, chứ chẳng phải là một bước đi hướng đến hòa bình theo như bản kế hoạch của Mỹ ».

Những cáo buộc này ngay lập tức đã bị ông Michel Ben Ami, cựu chủ tịch đảng Likoud Jérusalem, phản bác, cũng trên kênh France 24 :

« Đó không phải một sự sáp nhập, cũng chẳng phải là một cuộc chinh phục. Tôi đang nghe những điều chẳng đúng với thực tế. Về đề xuất này, Israel vừa trao cho họ khả năng tự quản lý lấy đất nước. Họ vừa nhận được một trong món quà tốt nhất mà người ta chưa từng thấy trong lịch sử thế giới : 50 tỷ đô la, và một dải đất Gaza rộng lớn để có thể trở thành một Đài Loan. Để rồi chúng tôi nghe được gì ? Một lời từ chối trước khi biết đó là gì. Chúng tôi cho rằng chúng tôi thật sự quan tâm đến người dân Palestin. Chúng tôi không đến đấy để chinh phục, cũng chẳng làm hỏng cái gì, mà chỉ để bảo vệ đất đai và người dân của chúng tôi mà thôi. »

Mỹ : Từ hòa giải đến hiến binh ?

Theo cách diễn giải của nhiều chuyên gia Pháp, rõ ràng bản kế hoạch này đã được làm theo đúng những gì mà Israel, hay nói đúng hơn là chính phủ Israel và nhất là thủ tướng Benyamin Netanyahu mong muốn và đòi hỏi từ bao lâu nay. Nguyện vọng và đòi hỏi của người dân Palestin đã không được tính đến.

Một lần nữa sự kiện này khẳng định đường lối chủ nghĩa đơn phương « thô bạo » của Donald Trump kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng. Sau Iran giờ đến Palestin, bà Annick Cizel, giảng viên trường đại học Sorbonne Nouvelle cho rằng tổng thống Mỹ ngày càng cho thấy rõ xu hướng có « định hướng chính trị » không chỉ trong đối nội mà cả trong đối ngoại.

« Bởi vì chúng ta thấy rõ một tổng thống Trump rất logic với chính bản thân ông, người đã áp dụng chiến lược ʺáp lực tối đaʺ năm 2018 với người dân Palestin và các đại hiện của nước này, bằng cách đóng cửa văn phòng đại diện của Palestin ở Washington, ngưng hỗ trợ tài chính cho người tị nạn Palestin thông qua cơ quan của Liên Hiệp Quốc được ủy thác, cắt giảm một cách thê thảm ngân sách của cơ quan quốc tế cho các phát triển của Liên Hiệp Quốc trên dải Gaza… Điều đó có nghĩa là ông ấy thực hiện điều mà những xứ nói tiếng Anh gọi là một ʺcuộc chiến tiêu haoʺ đối với các lãnh đạo và người dân Palestin trước khi tìm cách thuyết phục họ bằng bản kế hoạch này ».

Và mô hình hòa bình kiểu Mỹ này có nguy cơ làm tiêu tan mọi triển vọng hòa bình thật sự giữa Israel và Palestin. Thỏa thuận Oslo, cơ sở cho những cuộc đàm phán sau này, xem như đã bị phá hủy. Nhà nghiên cứu địa chính trị Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược, Pascal Boniface nhận định đây là một kiểu hòa bình của kẻ thắng, chứ không phải là hòa bình giữa hai đối tác. Israel được Mỹ chống lưng có thể nói : Tôi đã thắng trận, Palestin đã thua. Họ phải chấp nhận tất cả những gì mà chúng ta muốn, bởi vì họ không quyền đưa ra các đòi hỏi.

Chính kiểu lập luận này đã làm cho tính chính đáng của bản kế hoạch bị bác bỏ. Tính khả thi của dự án bị nghi ngờ. Chuyên gia Pascal Boniface phân tích :

« Tính chính đáng của kế hoạch hòa bình này đến từ một điều duy nhất đó là từ cường quốc hàng đầu thế giới, một cường quốc hùng mạnh nhất. Bởi vì, nó không thể hiện một tiến trình ngoại giao. Trước kia, trong một tiến trình đàm phán hòa bình còn có Hoa Kỳ, Nga, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc tham gia, mà người ta gọi là « tứ trụ ».

Nhưng ở đây, độc nhất chỉ có Hoa Kỳ vốn dĩ có quan hệ chặt chẽ với Israel là lập ra bản kế hoạch này. Xưa kia người Mỹ luôn cố gắng đóng vai trò như là một nhà trung gian hòa giải trung thực giữa Israel và Palestin, dù thực tế cho thấy kể cả dưới thời các tổng thống đảng Dân Chủ, như Bill Clinton hay Obama, họ luôn thân với Israel hơn vì nhiều lý do cả về văn hóa, lịch sử, chiến lược, chính trị lẫn trong tôn giáo. Giờ thì họ không cần đóng kịch nữa. Đây đích thực là một bản kế hoạch được trực tiếp lập ra giữa Israel và Mỹ. »

Luật kẻ mạnh : Một quy luật tự nhiên

Một điều chắc chắn giới chuyên gia đều đồng tình : Trong cuộc xung đột Palestin – Israel này, luật quốc tế đã nhiều lần được nhắc đến nhưng chưa bao giờ được tôn trọng. Từ năm 1967, một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc yêu cầu Israel rút ra khỏi vùng lãnh thổ chiếm đóng nhưng chưa một lần được thực hiện. Hay như một nghị quyết năm 1948 nói đến quyền được trở về của người tị nạn Palestin nhưng Israel chưa bao giờ cho phép.

Do vậy, với ông Jean-Paul Chagnollaud, chủ tịch Viện Nghiên cứu Địa Trung Hải – Cận Đông (Iremmo), quyết định công bố bản kế hoạch hòa bình của Nhà Trắng còn là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ quốc tế.

« Nếu chúng ta bỏ qua những thời điểm quan trọng như thế này, vốn dĩ sẽ làm tan rã, phá vỡ, gây bất ổn luật quốc tế, chính mọi mối quan hệ quốc tế đáng phải xem lại. Điều đó muốn nói là ngày mai một nước nào mạnh hơn một nước khác có thể làm những gì họ muốn. Chúng ta sẽ đi đến một thế giới thật sự đáng lo ngại. Hôm nay Hoa Kỳ là siêu cường, ngày mai rất có thể sẽ là Trung Quốc. Chúng ta chẳng có lợi ích gì đi theo hướng đi này cả. »

Thucydide, sử gia thời Hy Lạp Cổ Đại, thế kỷ V trước Công Nguyên, khi viết tập sách thứ năm về « Cuộc chiến Peloponnese » xảy ra vào khoảng 431-404 trước CN có nói rằng « công lý chính là sự tôn trọng một chuẩn mực do con người lập nên. Công lý chỉ có thể có giữa hai đối thủ ngang cơ. Khi đó công lý được quy định bằng những quy ước và những cam kết hỗ tương. Công lý không được hình thành trên cơ sở quy luật tự nhiên. Quy luật tự nhiên duy nhất hay đúng hơn có tính bó buộc chính là luật áp đặt ưu thế của kẻ mạnh ». Cũng theo Thucydide, « để duy trì sức mạnh, cần phải phát triển sức mạnh đó ».

Bài học này có lẽ không chỉ mỗi Israel thuộc nằm lòng, mà còn được cả Nga và Trung Quốc lần lượt áp dụng triệt để cho bán đảo Crimee của Ukraina ở biển Đen và các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.