Vào nội dung chính
EU - QATAR - HỐI LỘ

‘‘QatarGate’’: Thêm nhiều bằng chứng về mạng lưới tham nhũng lớn trong Nghị Viện Châu Âu

Điều tra của cảnh sát Bỉ trong vụ QatarGate có thêm một số tiến triển. Hôm qua, 15/12/2022, trợ lý nghị sĩ châu Âu Francesco Giorgi thừa nhận trước các nhà điều tra về một mạng lưới tham nhũng lớn trong Nghị Viện Châu Âu. Cũng hôm qua, Nghị Viện Châu Âu ra nghị quyết tăng cường minh bạch, nhằm ngăn chặn các quan hệ mờ ám giữa giới nghị sĩ châu Âu với các thế lực bên ngoài.

Nghị sĩ châu Âu trong một phiên họp về nghi án tham nhũng trong Nghị Viện Châu Âu, ngày 13/12/2022, tại Strasbourg, Pháp.
Nghị sĩ châu Âu trong một phiên họp về nghi án tham nhũng trong Nghị Viện Châu Âu, ngày 13/12/2022, tại Strasbourg, Pháp. AP - Jean-Francois Badias
Quảng cáo

Truyền thông Pháp dẫn lại thông tin từ báo Bỉ Le Soir và báo Ý La Republica, theo đó viên trợ lý nghị sĩ châu Âu Francesco Giorgi, cũng là bạn đời của cựu phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Eva Kaili vừa bị bắt giam, thừa nhận vai trò trong vụ án Qatar hối lộ để tác động đến các chính sách của Liên Âu. Một trong các nguồn tin cho hay, việc nghi phạm Francesco Giorgi thừa nhận đã nhận hối lộ của Qatar mang lại một "đóng góp quan trọng" cho cuộc điều tra của cảnh sát Bỉ.  

Nghi phạm Francesco Giorgi cũng thừa nhận tham gia không chỉ vào mạng lưới mờ ám hành động cho lợi ích của Qatar, mà cho quốc gia Bắc Phi Maroc trong việc can thiệp vào các chính sách của Liên Âu. Đây là lần đầu tiên Maroc được nhắc tên trong vụ án đang được cảnh sát Bỉ điều tra. Theo AFP, một nguồn tin tư pháp Bỉ hôm qua cũng cho biết, cựu phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Eva Kaili bị điều tra thêm trong một nghi án "tham nhũng", "rửa tiền" khác.  

Về phía Nghị Viện Châu Âu, trong một phiên họp toàn thể hôm qua, với đa số gần như tuyệt đối, các dân biểu châu Âu đã thông qua nghị quyết nhằm "làm trong sạch" Nghị Viện, theo diễn đạt của một số dân biểu.  

Trả lời RFI, dân biểu cánh tả châu Âu Manon Aubry cho biết nội dung chính của nghị quyết nói trên là yêu cầu thành lập một ủy ban đặc biệt phụ trách theo dõi việc các nghị sĩ châu Âu tuân thủ các quy tắc đạo đức  khi thi hành phận sự. Nghị quyết này cũng đòi hỏi các nghị sĩ châu Âu phải khai báo đầy đủ về quan hệ với các đối tác bên ngoài, không chỉ các đối tác trong khu vực tư nhân, mà cả chính quyền các nước. Các cải cách nhằm tăng cường minh bạch trong Nghị Viện Châu Âu dự kiến sẽ được thực thi ngay đầu năm 2023.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.