Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Qatargate: Các lỗ hổng cho tham nhũng và tội phạm ở Nghị Viện Châu Âu

Đăng ngày:

Ngày 11/12/2022, Viện Công Tố Liên Bang Bỉ thông báo bắt giữ 4 người trong đó có phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu và một cựu nghị sĩ châu Âu trong khuôn khổ nghi án nhận hối lộ từ Qatar. Nếu như thông báo này gây ra một cơn bão chính trị tại nghị trường châu Âu, vụ việc làm lộ rõ những khe hở trong các quy định về « đạo đức » của các nghị sĩ và cả một mạng lưới « tội phạm có tổ chức » ngay trong lòng định chế lớn nhất châu Âu.

Những tờ bạc mới tinh vừa được phát hành với tổng trị giá 600 ngàn euro được tìm thấy tại căn hộ của phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Eva Kaili.
Những tờ bạc mới tinh vừa được phát hành với tổng trị giá 600 ngàn euro được tìm thấy tại căn hộ của phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Eva Kaili. AP
Quảng cáo

Qatargate : Cơn sóng thần ở Bruxelles

Hơn một triệu euro tiền mặt bị tịch thu, một trong số 14 phó chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, bà Eva Kaili, một trợ lý nghị sĩ, Francesco Giorgi và cũng là bạn đời bà Kaili, một cựu nghị sĩ châu Âu thuộc đảng Xã Hội – Dân Chủ Ý Pier Antonio Panzeri, cùng ba người khác đã bị bắt giam sau một loạt vụ khám xét tại Bruxelles. Nghi án « Qatargate » đang đưa ra một hình ảnh chính trị thảm hại về một khối Liên Hiệp Châu Âu 27 nước thành viên. Những người này bị cáo buộc nhận tiền từ một nước « vùng Vịnh », theo như lời lẽ từ cảnh sát Bỉ, nhằm tác động lên nhiều quyết định của Liên Âu.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng cuộc điều tra do thẩm phán Michel Claise điều hành xác nhận một điểm : « Tư pháp Bỉ đang thực hiện những gì Nghị Viện Châu Âu đã không tự làm được ». Nghị trường châu Âu rúng động, nhiều cuộc tranh cãi lại dấy lên, do việc vụ bê bối này trước hết phơi bày ra ánh sáng những lỗ hổng về các quy định trong Nghị Viện Châu Âu trên phương diện đạo đức, chống tham nhũng, xử lý xung đột lợi ích và hoạt động vận động hành lang.

Theo báo Bỉ L’Echo, nghi án tham nhũng này gợi nhớ lại tai tiếng « Cash for Amendments » năm 2011. Phóng viên tờ Sunday Times của Anh đã cài bẫy bốn nghị sĩ châu Âu Áo, Tây Ban Nha, Rumani và Slovenia khi đóng giả là những nhà vận động hành lang và đề nghị họ trình các sửa đổi luật lệ châu Âu để đổi lấy một khoản tiền mặt.

Bộ quy tắc ứng xử và những khe hở cho tham nhũng

Sau vụ tai tiếng này, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua một bộ quy tắc ứng xử dành cho các giới chức lãnh đạo, các nghị sĩ, cũng như các viên chức làm việc tại các định chế. Văn bản này thiết lập vài quy định ngắn gọn, đặc biệt nghiêm cấm các dân biểu nhận quà cáp có giá trị trên 150 euro. Một quy định mà Raphael Kergueno thuộc Tổ chức Minh Bạch Thế Giới (Transparency International) đánh giá là quá « nhẹ ». Trả lời báo kinh tế L’Echo của Bỉ, ông lưu ý, « bộ quy tắc ứng xử này chỉ có vài trang, không bằng bộ quy tắc ứng xử dành cho thượng nghị sĩ Mỹ phải dài đến khoảng 100 trang ».

Hơn nữa, tất cả các hoạt động trong mục đích gây ảnh hưởng lên các chính sách và tiến trình ra quyết định tại các định chế của Liên Âu là được công nhận. Tuy nhiên, việc vận động gây ảnh hưởng cũng phải tuân thủ theo các quy định nội bộ của Nghị Viện, đặc biệt là những tiêu chí liên quan đến những cuộc tiếp xúc với các đại diện quyền lợi. Nhà báo Christophe Dansette, kênh truyền hình France 24 giải thích :

« Từ năm 2011, các nhà vận động hành lang phải đăng ký để có thể hoạt động bên trong các tòa nhà của Liên Hiệp Châu Âu, bất kể đó là Nghị Viện, Ủy Ban hay Hội Đồng Châu Âu. Các nhà hoạt động sẽ được cấp một thẻ để có thể ra vào các khu nhà. Họ cũng phải chấp nhận một bộ quy tắc ứng xử, nghiêm cấm họ trao tặng một số kiểu quà cáp. Hiện tổng cộng có khoảng 12.500 cá nhân và cơ chế đã đăng ký hoạt động, từ các tổ chức phi chính phủ cho đến các tập đoàn đa quốc gia.

Ngoài ra, các nhân vật lãnh đạo cao cấp quan trọng, chẳng hạn như các ủy viên, chủ tịch các nhóm chính trị, phải khai báo toàn bộ những nhà vận động hành lang mà họ tiếp xúc, do việc những quan chức này thường xuyên xử lý nhiều hồ sơ mà họ không chắc nắm rõ và do vậy họ cần đến sự tư vấn từ nhiều chuyên gia. »

Điểm đáng chú ý ở đây là quy định này, nếu mang tính ràng buộc cho các vị trí lãnh đạo quan trọng, thì chúng chỉ có tính chất khuyến nghị cho các nghị sĩ. Kết quả là chỉ 37% trong khoảng hơn 700 số nghị sĩ châu Âu là có khai báo các cuộc tiếp xúc của họ với các nhà vận động hành lang. Trong số này, đứng đầu bảng là các nước Bắc Âu, chiếm hơn 90%, nước Pháp nằm trong khoảng 63,3%, nhưng Cộng hòa Chypre chỉ có 16,7% và Hy Lạp là thành viên tệ nhất khi chỉ có 9,5%. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến Hy Lạp giờ bị điểm mặt !

Nghị Viện Châu Âu và « văn hóa không trừng phạt »

Về điểm này, ông Yves Bertoncini, giảng viên và cố vấn các vấn đề châu Âu, trên đài truyền hình Arte, giải thích vì sao là Nghị Viện Châu Âu đã có phần chậm trễ so với Ủy Ban Châu Âu :

« Bởi vì ở đây có một ý tưởng là các đại biểu phải được tự do, họ do dân bầu lên, họ không cần phải giải trình một cách cụ thể như các ủy viên châu Âu, hay như các quan chức cao cấp hoặc như các ủy viên châu Âu về các hoạt động của họ. Vào thời điểm vụ tai tiếng năm 1999, người ta đã có thể mở rộng các hoạt động của cơ quan chống tham nhũng sang Nghị Viện Châu Âu. Chính nhờ thế mà người ta mới phát hiện ra việc sử dụng sai trái nguồn quỹ của Nghị Viện Châu Âu từ một số chính đảng của Pháp. Nhưng hiện tại các nghị sĩ châu Âu là khá tự do và do vậy, hậu quả của vụ bê bối này là phải củng cố các quy tắc. »

Mặt khác, nghị sĩ châu Âu thuộc đảng Xanh của Đức Daniel Freund, lưu ý thêm rằng các đại diện Nhà nước là không bị ràng buộc đăng ký minh bạch. Ông cay đắng nhắc lại : « Lần gần đây nhất, khi chúng tôi thảo luận về hoạt động vận động hành lang tại Liên Hiệp Châu Âu cách nay hai năm, tôi từng đề nghị gộp cả vấn đề vận động gây ảnh hưởng từ các Nhà nước, nhưng chỉ có một mình tôi đề xuất, các nhóm chính trị khác thì không muốn, lập luận rằng đó là hoạt động ngoại giao, chứ không phải vận động hành lang ».

Theo báo Bỉ L’Echo, trong lĩnh vực này, quả thật Liên Hiệp Châu Âu phải học hỏi thêm nhiều từ Hoa Kỳ. Đạo Luật Đăng Ký Đại Diện Nước Ngoài (Foreign Agents Registration Act – FARA), đề ra những ràng buộc minh bạch cho những ai đại diện các lợi ích của nước ngoài và tìm cách gây ảnh hưởng lên các quyết định của chính phủ hay Quốc Hội. Một quy định mà ông Daniel Freund nhìn nhận tuy không thể ngăn chặn triệt để nạn mua chuộc, nhưng chí ít cho phép « giảm thiểu nguy cơ, và tạo thuận lợi cho các cuộc điều tra của cảnh sát và viện công tố khi làm lộ rõ những mạng lưới, các nguy cơ xung đột lợi ích và tham nhũng ».

Cuối cùng, một lỗ thủng khác không nhỏ khiến cuộc chiến chống tham nhũng của Liên Âu trở nên kém hiệu quả : Thiếu các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Việc có trừng phạt một nghị sĩ nào đó vi phạm các quy tắc « đạo đức » hay không phụ thuộc vào một « ủy ban tham vấn » gồm 5 nghị sĩ. Trong năm năm qua, dù ủy ban này đã xem xét 24 trường hợp vi phạm bộ quy tắc ứng xử, nhưng chưa có một ai phải chịu một hình phạt nào. Đến mức Transparency International đã lên án Liên Âu để hình thành một thứ « văn hóa không trừng phạt ». Tổ chức này kêu gọi nên thiết lập một cơ chế độc lập, có phương tiện tài chính và nhân lực để có thể tiến hành điều tra và ban hành các trừng phạt hay chuyển giao hồ sơ cho tư pháp.

« Qatargate » và mạng lưới tội phạm có tổ chức

Nếu như trong vụ việc này, tư pháp Bỉ chỉ nói có liên quan đến một nước Vùng Vịnh, thì mọi cặp mắt đang đổ dồn về phía Qatar. Liệu rằng sau vụ bê bối này cùng với những chỉ trích liên quan đến vấn đề nhân quyền trong việc tổ chức World Cup 2022 gây nhiều tranh cãi, Liên Âu có nên xem xét lại mối quan hệ với Doha?

Nhà nghiên cứu địa chính trị Agnès Levallois, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS), trước hết lưu ý, việc một nước như Qatar chẳng hạn tìm cách mở các kênh ảnh hưởng ở nước khác là lẽ thường tình, tất cả các nước đều làm việc này. Bà nhận định thêm : « Đừng quên rằng Qatar hiện nay là một trong số các nước cung cấp khí đốt nhiều nhất. Tất cả các nước đều ve vãn Qatar để có được hợp đồng mua khí đốt, bởi vì chúng ta hiện nay đang trong một cuộc khủng hoảng năng lượng thảm hại và bởi vì Qatar cảm thấy tự tin hơn, đang trong thế thượng phong. »

Không chỉ riêng Qatar, khối 27 nước thành viên hiện đang đối mặt với những sức ép vận động nhằm gây chia rẽ Liên Âu, chủ yếu đến từ Nga, Trung Quốc, Mỹ và trong một chừng mực nào đó là Anh Quốc – đây cũng là 4 nước thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An.

Một điều chắc chắn, tai tiếng tham nhũng xảy ra đã làm hoen ố hình ảnh của Nghị Viện vào lúc định chế này đang có một cuộc đọ sức gay gắt với thủ tướng Viktor Orban của Hungary, cũng bị lên án là tham nhũng.

Tuy nhiên, nghi án này không chỉ dừng ở cấp độ chính trị. Cảnh sát Bỉ nghi ngờ đây là một mạng lưới tội phạm có tổ chức. Ngoài bà phó chủ tịch Eva Kaili là người Hy Lạp, những người bị bắt còn lại Francesco Giorgi, Pier Antonio Panzeri, Luca Visentini – lãnh đạo nghiệp đoàn, và Niccolo Figa – Talamanca, thư ký tổ chức phi chính phủ No Peace Without Justice, đều là người Ý.

Một chi tiết khiến các nhà điều tra Bỉ nêu lên giả thuyết sự hiện diện của một đường dây « Italian Connection ». Tư pháp Bỉ quyết định mở rộng điều tra theo trục Bruxelles – Milan để xác định mạng lưới quan hệ của Pier-Antonio Panzeri.

Ngoài ra, trong vụ tai tiếng này, giới điều tra Bỉ ưu tiên tìm hiểu 600 ngàn euro với những tờ giấy bạc mới tinh vừa được phát hành từ đâu mà ra. Một phần trong số này được in tại Bỉ, phần còn lại đang được điều tra với nhiều câu hỏi lớn : Phải chăng Qatar có được quyền ưu tiên tiếp cận những tờ bạc mới tại Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu ? Bằng cách nào họ có thể rút ra một khoản tiền lớn đến như thế mà không khơi dậy một chút nghi ngờ nào ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.