Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Scotland đòi "ly dị", Anh và châu Âu lo sợ

Đăng ngày:

18/09/2014 có thể là ngày định mệnh của Anh Quốc. 307 năm sau ngày thành lập United Kingdom, Liên hiệp Vương quốc Anh có thể mất đi một vùng lãnh thổ quan trọng nếu đa số cử tri Scotland bỏ phiếu ủng hộ độc lập theo sự vận động của đảng Dân tộc Scotland SNP. Hệ lụy vụ ly thân sẽ không giới hạn ở quốc đảo của nữ hoàng Elisabeth đệ nhị.

Một cử tri ủng hộ việc bỏ phiếu "thuận" đòi độc lập cho Scotland - REUTERS /Dylan Martinez
Một cử tri ủng hộ việc bỏ phiếu "thuận" đòi độc lập cho Scotland - REUTERS /Dylan Martinez
Quảng cáo

Cách nay hai hôm, trong một cử chỉ được xem là nỗ lực sau cùng để thuyết phục cử tri Scotland đừng chọn con đường độc lập, Thủ tướng Anh David Cameron bi thiết kêu gọi : "Xin quý vị hãy ở lại. Đừng làm tan nát gia đình này". Tiếp theo đó, Thủ tướng Anh cảnh báo : "Nếu ra đi thì không thể quay về. Scotland sẽ mất tất cả, từ đồng bản Anh đến hưu trí và hộ chiếu".

Cuối cùng, như để xoa dịu cử tri Scotland mà phần đông là cánh tả luôn sử dụng lá phiếu để biểu lộ tinh thần chống đảng Bảo thủ đang nắm chính quyền trung ương, Thủ tướng Anh xuống nước :"Nếu quý vị không thích tôi, tôi cũng không cầm quyền mãn đời".

Thủ tướng Scotland, ông Alex Salmond và cũng là lãnh đạo của đảng Quốc gia chủ trương độc lập chỉ trích chính phủ Luân Đôn « hù dọa » cử tri Scotland. Lãnh đạo phong trào đòi độc lập được sự ủng hộ của giải Nobel kinh tế Joseph Stiglitz với nhận định những lo ngại của giới tài chính là « thiếu cơ sở ».

Câu hỏi đặt ra là tại sao vấn đề hệ trọng liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hùng mạnh như Vương quốc Anh lại bị đặt trên bàn cân và tùy thuộc vào lá phiếu của người dân Scotland từ 16 tuổi trở lên, theo luật bầu cử mới ?

Từ khi Scotland gia nhập năm 1707, Vương triều Anh Quốc gồm 4 thực thể : Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ai-len. Scotland có thủ phủ là Edimbourg nhưng thành phố được biết nhiều là Glasgow với đội bóng đá nổi tiếng và chiếc nôi kỹ nghệ của Scotland.

Về mặt chính trị, một phong trào độc lập lay động Scotland từ thập niên gần đây. Sau cuộc bầu cử nghị viện năm 2007, đảng Dân tộc Scotland về đầu tuy không chiếm được đa số, thành lập chính phủ thiểu số. Đến năm 2011, đảng này lần đầu tiên chiếm được đa số quá bán tại nghị viện (69 trên 129 ghế). Hệ quả là ngày 15/10/2012, Thủ tướng Anh David cameron ký thỏa thuận cho phép Scotland tổ chức trưng cầu dân ý ngày 18/09/2014.

Trước khi tìm hiểu về hệ quả của cuộc trưng cầu dân ý này dù phe đòi độc lập thắng hay bại , RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với một nhà quan sát tại Luân Đôn, ông Vũ Khánh Thành, giám độc trung tâm An Việt, nguyên là nghị viên thành phố Luân Đôn. 

Ông Vũ Khánh Thành : « ………Scotland tự hào về truyền thống văn hóa của họ và trong thời xa xưa họ cũng là một quốc gia riêng biệt độc lập…………… ». 

Dù kết quả trưng cầu dân ý ra sao, hệ quả của bài học Scotland sẽ có tác động đến tương lai châu Âu trong bối cảnh hiện tại. Theo giáo sư Dominique Moise, King’s College tại Luân Đôn, cố vấn đặc biệt của RFI, thì trưng cầu dân ý « độc lập cho Scotland » diễn ra vào thời điểm xấu nhất cho cả Anh quốc lẫn châu Âu.

Trước hết, đối với nước Anh, nếu phe độc lập thắng thì cả hai bên đều thua. Scotland không đủ sức tự cường như Canada còn nếu không có Scotland thì Anh Quốc không còn uy lực để duy trì vị thế hiện nay trên trường quốc tế kể cả trong Liên Hiệp Châu Âu.

Dù ngã ngũ như thế nào thì trường hợp Scotland chỉ củng cố cho phe ly khai ở Ukraina, đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của một nước độc lập và có chủ quyền.

Nhưng không phải chỉ có Ukraina mà tương lai các quốc gia tây Âu như Tây Ban Nha đang chịu áp lực của vùng Catalan đang đòi trưng cầu ý, hay vương quốc Bĩ với vùng nói tiếng Flamande muốn tách ra khỏi khu vực nói tiếng Pháp thêm nhiều bất trắc.

Tách ra khỏi Anh Quốc, Scotland sẽ xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu nhưng chắc chắn sẽ bị Tây Ban Nha phủ quyết. Độc lập nhưng không có quân đội, Scotland sẽ trở thành một tiểu quốc mà an ninh quốc phòng sẽ lệ thuộc vào Anh Quốc.

Công luận thiên về xu hướng « nguyên trạng » hy vọng cử tri cánh tả ở Scotland sẽ không nhân cơ hội trưng cầu dân ý, bỏ phiếu « Yes », không phải vì muốn độc lập, nhưng để trừng phạt chính phủ cánh hữu tại Luân Đôn.

Lo sợ bị phân rã, chính phủ David Cameron cam kết quan tâm nhiều hơn những âu lo của người dân Scotland và tăng ngân sách tài trợ phúc lợi xã hội.

Cầu thủ quốc tế David Beckham đứng về phía chống Scotland độc lập không tiếc công vận động với khẩu hiệu « Hãy tiếp tục chung sống với nhau. Lý do chia rẽ nhau không quan trọng bằng lý do kết hợp chúng ta ».

Những người lạc quan tin rằng cuộc trưng cầu dân ý sẽ đưa đến kết quả bất phân thắng bại. Các kết quả thăm dò ý kiến cho thấy hai phe « sát nút » nhau.

Xin mượn lời phân tích của giáo sư Dominique Moise để kết luận : "Hy vọng qua cơn sợ hãi này, những người lãnh đạo chính trị tại Luân Đôn sẽ biết lắng nghe nguyện vọng đến từ Edimbourg và Glasgow".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.