Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Lên án Nga tội « diệt chủng » : Vì sao phương Tây chia rẽ ?

Đăng ngày:

Ngày 12/04/2022, hơn mười ngày sau vụ phát hiện hàng trăm thi thể thường dân Ukraina trong một hố chôn tập thể tại Bucha, gần Kiev, tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên tố cáo Nga phạm tội ác « diệt chủng ». Lập trường này của Mỹ được Canada đồng chia sẻ nhưng Pháp và Đức cùng tỏ thái độ thận trọng, cho rằng dùng thuật ngữ này vào thời điểm hiện tại là không phù hợp.

Một người biểu tình trương biển tố cáo tổng thống Nga "diệt chủng" tại Ukraina. Buenos Aires, thủ đô Achentina, ngày 06/03/2022.
Một người biểu tình trương biển tố cáo tổng thống Nga "diệt chủng" tại Ukraina. Buenos Aires, thủ đô Achentina, ngày 06/03/2022. AP - Natacha Pisarenko
Quảng cáo

Hai ngày sau tuyên bố của tổng thống Mỹ Joe Biden, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron, ngày 14/04/2022, tái khẳng định, từ chối đánh giá chiến dịch của Nga tại Ukraina là hành động diệt chủng nhắm vào người Ukraina. Ông nói : « Từ diệt chủng có một ý nghĩa và từ diệt chủng phải được các nhà luật học thẩm định chứ không phải từ các chính trị gia ». Nhưng ông Macron cũng không quên nhấn mạnh đến cam kết của ông luôn luôn « bên cạnh người Ukraina ngay từ ngày đầu cuộc chiến. »

Tranh luận dấy lên sau việc Ukraina phát hiện những cảnh tượng khiếp hãi, những sự việc gây sốc mạnh như các vụ thảm sát, hành quyết, tử thi nằm vương vãi ngoài trời, chuyện hãm hiếp, cướp bóc… được phát hiện mỗi ngày khi Nga rút quân khỏi vùng Kiev.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, khi đến thăm Bucha, trong một cảm xúc mạnh mẽ đã thốt lên rằng « đây là những tội ác chiến tranh và tội ác này sẽ phải được thế giới nhìn nhận như là một tội diệt chủng ». Và đây cũng là lần đầu tiên, kể từ khi chiến tranh bùng nổ, nguyên thủ Ukraina dùng đến thuật ngữ này để chống lại Nga.  

Và quốc gia đầu tiên ủng hộ thuật ngữ này là Ba Lan – nước thể hiện tinh thần đoàn kết mạnh mẽ nhất với Ukraina láng giềng ngay từ ngày đầu cuộc chiến xâm lăng của Nga. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, tuyên bố : « Những vụ thảm sát đẫm máu do binh lính Nga gây ra đáng được nêu tên. Đây là một tội ác diệt chủng, và tội ác này phải được phán xét. »

Nhưng quan điểm được đưa ra và gây ra nhiều tiếng ồn nhất là từ phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Tổng thống Joe Biden khiến thế giới sững sờ khi nói đến « diệt chủng », trong khi một tuần trước đó, ông chỉ nói đến « tội ác chiến tranh ».

Tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và tội ác diệt chủng

Vậy luật pháp quốc tế định nghĩa như thế nào là tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh ? Nữ luật gia, nhà điều tra tội phạm quốc tế, Céline Bardet1 giải thích như sau :

« Tội ác chiến tranh trước hết là một tội ác phạm phải trong một cuộc xung đột vũ trang quốc tế hay quốc gia. Ở đây, một cách hiển nhiên là chúng ta đang trong một cuộc xung đột vũ trang quốc tế, bối cảnh này là cần thiết. Tiếp đến, người ta có thể đánh giá đó là một tội ác chiến tranh khi mà có một ý định vi phạm luật lệ và tập tục chiến tranh.

Tội ác chiến tranh không chỉ được hệ thống hóa trong 20 tài liệu, chúng đã được bắt đầu nhắc đến ngay từ năm 1899 và 1907 trong các công ước La Haye. Và trên thực tế, đó là bất kỳ hành động nào đi ngược lại với các luật lệ và tập tục chiến tranh. Một cách cụ thể, điều đó có nghĩa là những cuộc hành quyết, đó có thể là những vụ cưỡng hiếp, sử dụng các loại bom chùm, các loại vũ khí bị cấm đoán và phải có một ý định như thế.

Tội ác chống nhân loại là một tội cụ thể được biết đến trong bối cảnh một cuộc tấn công có quy mô lớn, đúng hơn là có hệ thống, phổ biến và nhắm vào thường dân. Cũng nên biết rằng tội ác chống nhân loại cũng có thể được đánh giá trong thời bình cũng như thời chiến.

Do vậy, trong trường hợp của Ukraina, và đúng là người ta cũng có nói đến tội ác chống nhân loại. Đó là lúc chúng ta sẽ có đủ các yếu tố để thấy rằng có điều gì đã được một Nhà nước tổ chức, mà ở đây chính là Nhà nước Nga, nhưng cũng có thể là do nhiều nhóm thực hiện mà chúng ta đã thấy ở Syria như Daech hay các phe dân quân tự vệ.

Đặc điểm của tội diệt chủng là có một tấn công được hệ thống hóa, khái quát hóa nhưng lại nhắm đến việc thủ tiêu và tiêu diệt một bộ phận người dân vì một lý do đặc biệt nào đó. »

Cho đến lúc này thế giới biết đến có ba trường hợp diệt chủng đã bị đưa ra xét xử trước các tòa án quốc tế : Nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã trong suốt Đệ Nhị Thế Chiến, Cuộc thảm sát người Tutsis ở Rwanda bởi nhà cầm quyền tộc người Hutu năm 1994, và cuộc thảm sát thường dân theo đạo Hồi ở Srebrenica ở Bosnia – Herzégovinia năm 1995.

Vẫn theo bà Céline Bardet, cuộc xung đột tại Miến Điện nhắm vào người Rohingya hiện đang còn là một vấn đề tranh cãi. Tập đoàn quân sự nhắm vào một bộ phận dân chúng có thể vì những lý do sắc tộc nhưng cũng có thể là vì các lý do chính trị.

Trong trường hợp của Ukraina, đa số giới quan sát đều cho rằng rất khó để mà sử dụng thuật ngữ « diệt chủng » đối với Nga. Trả lời AFP, Jean-Philippe Reiland, lãnh đạo Cơ quan Trung ương chống các tội ác chống nhân loại và các tội ác thù hận (OCLCH), giải thích : « Để đánh giá rằng người ta có ý đồ làm biến mất tất cả người dân Ukraina khi chỉ bám vào cơ sở một ngôi làng hay một quận huyện nào đó, điều này sẽ rất phức tạp. »

Về điểm này, nữ cựu ngoại giao Marie Dumoulin, giám đốc chương trình Châu Âu Mở Rộng, thuộc European Council on Foreign Relations, cũng có cùng một quan điểm khi đưa ra các phân tích như sau :

« Việc giả định tính chất có ý đồ tiêu diệt cả một nhóm dân tộc, điều đó thật sự là cực kỳ khó chứng minh, và điều này sẽ còn khó hơn nữa tại một vùng đang có chiến tranh, gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận với các bằng chứng, cho phép làm rõ các sự việc.

Ngược lại, những gì chúng ta có thể làm sáng tỏ chính là những gì đang được tiến hành ở những vùng như tại Bucha, đó là tội ác chiến tranh, và điểm này tôi tin là chúng ta có khá đủ bảo đảm để nói rằng sẽ có những bằng chứng và các thủ tục sẽ được đệ trình. Hiện đã có những thẩm cứu về tội danh tội ác chiến tranh, vốn dĩ là những tội danh cũng nghiêm trọng không ít hơn tội diệt chủng. »

Lên án Nga diệt chủng và những vấn đề chính trị

Phải chăng đây là điểm duy nhất gây chia rẽ các nước đồng minh ủng hộ Kiev ? Tuần báo Pháp Le Point trước hết ghi nhận, một lần nữa chủ nhân Nhà Trắng đi xa hơn trong việc lên án các hành động của Vladimir Putin và chính phủ Nga. Sau khi xem đồng nhiệm Nga là « tội phạm chiến tranh », nhà « độc tài giết người », hay « đao phủ », lần này, ông gọi nguyên thủ Nga là « kẻ diệt chủng ».

Tại Menlo, bang Iowa để nói về giá cả năng lượng, tổng thống Mỹ tuyên bố : « Ngân sách của gia đình bạn, khả năng tiếp thêm nhiên liệu của bạn, không một điều gì trong số này phải phụ thuộc vào một nhà độc tài tuyên chiến và phạm tội diệt chủng ở đầu bên kia của thế giới ».

Chỉ có điều, phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh một báo cáo vừa được công bố cho thấy lạm phát tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng hàng năm cao nhất từ tháng 12/1981. Đặc biệt là giá xăng dầu, tăng vọt 18% vì chiến tranh Ukraina. Những thông báo thảm họa cho đảng Dân Chủ khi chỉ còn vài tháng nữa là đến mùa bầu cử giữa kỳ, mà phần lớn chủ đề kinh tế sẽ chiếm trọng tâm. Joe Biden đang tìm cách quy trách nhiệm cho Vladimir Putin về tình trạng lạm phát trong nước ?

Về phần thủ tướng Canada Justin Trudeau, ngoài việc thể hiện thái độ đạo đức, giới quan sát lưu ý rằng tại Canada, có một cộng đồng rất đông người Ukraina, và do vậy thủ tướng Canada đang chịu một áp lực đặc biệt quan trọng.

Vậy còn Pháp và Đức ? Làm sao giải thích thái độ thận trọng của hai nước đồng minh với Mỹ ? Nhà nghiên cứu về địa chính trị Bruno Tertrais , Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, cho rằng có nhiều lý do để giải thích.

« Trước hết, nên nhớ rằng đây là một từ có nội dung pháp lý rất cụ thể liên quan đến những hành vi nghiêm trọng đến mức không nên dùng sai. Tiếp đến, nếu cho rằng ông Putin là một kẻ diệt chủng, thì trước tiên, điều đó bắt đầu gây khó cho việc duy trì một kênh ngoại giao trực tiếp bởi vì nếu người ta có thể thảo luận trực tiếp với một tên tội phạm, thì về mặt chính trị khó thể nói chuyện với một kẻ diệt chủng.

Cuối cùng, bởi vì đây là một thuật ngữ được sử dụng một cách mạnh mẽ đến mức công luận trong trường hợp này có thể nói, "khoan đã, nếu như đây là một tội ác diệt chủng, tại sao chúng ta không hành động ? Tại sao chúng ta vẫn cứ khoanh tay không giao một vài vũ khí phòng thủ ?

Cũng chính vì điều này mà trong những năm 1990, Hoa Kỳ đã tỏ ra thận trọng trong việc dùng thuật ngữ này đối với Rwanda. Người Mỹ biết rõ là nếu họ sử dụng từ hạn định diệt chủng này, họ có nguy cơ bị công luận và Quốc hội thúc đẩy đi đến hành động. »

Sự thận trọng này không chỉ có từ phía Pháp và Đức. Ngay từ 02/03/2022, chưởng lý Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) người Anh, ông Karim Khan, đã thông báo mở một cuộc điều tra về tình hình ở Ukraina. Định chế tư pháp quốc tế này có trụ sở tại La Haye, được thành lập từ năm 2002 để xét xử các tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, các tội ác diệt chủng và gần đây nhất là tội ác gây hấn.

Nhưng cho đến lúc này, cuộc điều tra ở Ukraina dường như chỉ liên quan đến tội ác chiến tranh. Đối với cây bút thời luận của kênh truyền hình France 24, Gauthier Rybinski, sự thận trọng của CPI về vấn đề « diệt chủng » là thiết yếu để bảo vệ trình tự tố tụng. Ông cảnh báo : « Để cho những tên tội phạm có thể bị đưa ra xét xử, cần phải có các cáo buộc cụ thể. Nếu như các cáo buộc về tội diệt chủng không trụ được thì cả một trình tự tố tụng sẽ bị sụp đổ. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.